Võ Quốc Toàn trên đường tập tại sân vận động Kiên Giang - Ảnh: N.Triều |
Thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt sáng và cái miệng liến thoắng, ngoài giờ tập ở đội tuyển Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Kiên Giang, Toàn vẫn giữ nguyên nét tinh nghịch của cậu học trò lớp 9.
Nhân tố mới của điền kinh Kiên Giang
Hôm gặp chúng tôi lúc đang tập ở sân vận động tỉnh, trong khi các bạn cùng đội tỏ ra thấm mệt vì bị căng cơ sau đợt tập leo núi Hòn Me trước đó một ngày, Toàn vẫn tỉnh như sáo và hoàn tất các vòng chạy một cách nhẹ nhàng. Thầy Nguyễn Quốc Phi - phó hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT Kiên Giang - cho biết Toàn là nhân tố mới trong đội tuyển điền kinh vừa được phát hiện qua Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh cách đây vài tháng. “Toàn có tố chất phù hợp với cự ly trung bình. Tuy nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, có sức bền và đặc biệt là tiếp thu rất nhanh các động tác kỹ thuật và thực hành rất chuẩn” - thầy Phi nhận xét.
Trước đó, Toàn học cấp II tại huyện Giồng Riềng và được chọn vào đội tuyển của huyện dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Lần đầu tiên tham dự hội khỏe và đoạt luôn HCV với Toàn là một bất ngờ lớn. “Lần đầu thi đấu em cũng thấy lo nhưng vào chạy là quên hết, cứ nhắm đích mà chạy. Về nhất ở giải đấu này em mừng đến phát khóc” - Toàn hồn nhiên kể.
Sau Hội khỏe Phù Đổng, thầy Phi là người trực tiếp tìm đến nhà ở xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng để thuyết phục gia đình cho Toàn tập trung lên trường năng khiếu tập luyện chuẩn bị tham gia các giải khu vực trong năm 2016. “Ban đầu tôi không chịu nhưng ông bà ngoại khuyên nên đi lên tỉnh để có điều kiện tập luyện rồi học văn hóa hòng kiếm việc làm sau này” - Toàn kể. Con đường thể thao đến với cậu thiếu niên nhỏ con từ đó, xuất phát từ một động cơ vô cùng đơn giản - đỡ đần cho gia đình vừa nghèo khó vừa neo đơn của mình.
Chạy chân trần đến chai gót chân
Gia cảnh Toàn không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Mẹ mới mang thai mấy tháng thì cha bỏ theo người khác, đến giờ Toàn vẫn chưa biết mặt cha. Được vài tuổi thì mẹ cũng theo chồng mới lên Cần Thơ, cả năm mới ghé về thăm một lần. Từ nhỏ Toàn lớn lên trong sự cưu mang của ông bà ngoại vốn cũng nghèo.
Lên Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, Toàn được ở nội trú, ăn ngủ theo thời khóa biểu của trường. Sáng mỗi ngày tập chạy ở sân vận động tỉnh, chiều học văn hóa, tối tự học và sinh hoạt tại khu nội trú. Từ nhỏ sống với ông bà ngoại nên mỗi việc xa nhà, dù chỉ cách mấy chục cây số, với Toàn cũng là một thử thách, ngoài giờ học, có hôm nhớ ngoại, Toàn lặng lẽ khóc một mình. Nhờ các thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến, Toàn mới dần nguôi ngoai và dành hết thời gian cho việc học.
Những ngày đầu mới lên trường, được tập luyện ở sân vận động tỉnh khiến Toàn choáng ngợp và đầy háo hức. Hồi ở huyện không được tập luyện, chỉ tới ngày thi là “nhào vô chạy”, giờ được thầy hướng dẫn lý thuyết về thể thao, về động tác kỹ thuật nên tiến bộ rất nhanh. Đến giờ dù đã làm quen với đôi giày thể thao nhưng Toàn vẫn thích tập với chân trần. “Ở quê em toàn chạy chân đất, hồi mới lên không quen mang giày nên vẫn chạy bằng chân đất trên đường pít, chạy riết chai gót luôn” - Toàn kể.
Mỗi ngày tập luyện được cấp chế độ tiền ăn 80.000 đồng và tiền công 30.000 đồng. Ngày chủ nhật được nghỉ, không có chế độ. “Các em đang tuổi lớn, tập luyện ở cường độ cao, chế độ chừng đó chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi đang đề xuất tỉnh nâng mức hỗ trợ cho các em để ít nhất cũng tương xứng với công sức bỏ ra và đảm bảo điều kiện để các em phát triển tốt, nâng cao thành tích thi đấu” - thầy Phi nói.
* Công ty võng xếp Duy Lợi đã nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển số tiền 5 triệu đồng cho VĐV Võ Quốc Toàn với mong muốn động viên và hỗ trợ Toàn vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tặng nữ võ sĩ Thu Thùy trong bài “Tết này con không về mẹ ơi” một vé máy bay khứ hồi trị giá hơn 5 triệu đồng.
Không quên việc học vì lo cho tương lai Khi được hỏi có gắn bó lâu dài với đường chạy hay không, Toàn cho biết trước mắt sẽ cố gắng tập luyện, học tập tại trường và tham dự các giải thi đấu cùng đội tuyển tỉnh. “Em thích chạy nên chưa nghĩ sẽ làm gì khác. Sau này khi xong cấp III và tùy thành tích lúc đó có đủ theo tiếp đội tuyển hay không sẽ tính” - Toàn nói. Ngoài chuyện tập luyện, Toàn cũng tâm sự bản thân luôn có ý thức rõ về việc phải học văn hóa để sau này không còn thi đấu thì có nghề khác nuôi thân cũng như trả hiếu cho ông bà ngoại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận