Một phân cảnh đầy màu sắc trong Teh Dar - Ảnh: B.D
Teh Dar, tương tự như anh cả Làng Tôi và À Ố Show, là một loại hình nghệ thuật biểu diễn mới mẻ, đương đại, kết hợp nhiều thể loại: xiếc, đi thăng bằng, nhào lộn, tung hứng… và múa đương đại cùng âm nhạc diễn tấu sống động với lời ca mộc mạc và âm thanh từ nhạc cụ của các dân tộc Tây Nguyên.
Teh Dar có lời thoại tối giản và cấu trúc phi tuyến tính không theo trình tự thời gian, mà là các mảng miếng, khoảnh khắc, hồi ức văn hóa. Các nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật trình diễn về hình thể kết hợp đạo cụ dân gian để lột tả những mảng khác nhau trong đời sống và văn hoá của con người Việt Nam.
Xem những hình ảnh diễn viên xoay mình uyển chuyển trên không trung chỉ bằng những cây tre nhiều khán giả đã phải... nín thở - Ảnh: B.D
Teh Dar trong tiếng K’ho có nghĩa là đi vòng tròn. Trong văn hoá của tất cả các dân tộc Tây Nguyên đại ngàn, đa số hoạt động sinh hoạt cộng đồng đều mang dáng dấp của biểu tượng hình tròn. Từ lễ hội đâm trâu, hoạt động cúng tế các vị Yang, cầu mùa màng, mừng lúa mới, cúng giọt nước...
Với mục đích đưa một món ăn nghệ thuật có đầu tư và đầy trình độ đến với phố cổ, ngay từ đêm công diễn đầu tiên đúng vào dịp 10 năm thành lập TP Hội An, vở diễn đã "bắt sóng" được với văn hoá cội rễ và con người Hội An.
Teh Dar được cô đọng trong một khoảng sân khấu nhà vòm nằm ẩn mình giữa kiến trúc phố cổ Hội An trầm mặc.
Trên sân khấu, các diễn viên là hình ảnh chủ đạo và trái tim của sân khấu mà bất kì một ánh sáng nào từ khán đài, một tiếng động nhỏ hay một màn hình điện thoại cũng sẽ làm hỏng không gian. Sự nghiêm ngặt tuyệt đối đã tạo cho khán giả cảm giác đón nhận một cách trọn vẹn vở diễn.
Sau chương trình, dàn diễn viên Teh Dar còn "khuyến mãi" cho gián giả thêm những tiết mục đậm văn hoá Tây nguyên ngoài nhà hát - Ảnh: B.D
Điều ấn tượng nhất ở vở diễn không nằm ở việc hướng đến một thông điệp về văn hoá nào đó mà chính là thông điệp về "chất lửa", sự khoẻ khoắn, rắn rỏi và thâm trầm như ngọn lửa chực bùng cháy của Tây Nguyên.
Nhiều khán giả thậm chí… ôm ngực vì hồi hộp, nhiều phân cảnh của vở diễn có độ… mạo hiểm khi các diễn viên chạy trên những thân tre nhỏ và chuyển qua các vị ví uyển chuyển như một diễn viên xiếc.
Sự uyển chuyển và gần như thành thục một cách tuyệt đối trong các động tác làm người xem có cảm giác như dàn diễn viên, đạo cụ của Teh Dar giống… một cỗ máy thủ công.
"Cỗ máy" bằng người và những cây tre ấy được lắp ghép, làm từng nhiệm vụ để kếp hợp thành một chuỗi các động tác, công việc hoàn hảo tới mức gây ngạc nhiên, bất ngờ với những người lần đầu xem loại hình trình diễn này.
Rực lửa bởi màu sắc và sự sung mãn của dàn diễn viên Teh Dar - Ảnh: B.D
Số lượng khán giả, đa số là những người có hiểu biết về văn hoá và chiếm số đông là khách châu Âu, Nhật Bản đã minh chứng cho sự hấp dẫn của vở diễn này.
Nhiều khán giả nói thậm chí họ đã đi xem hai, ba lần để có thể cảm nhận hết chất "lửa" của Teh Dar nhưng dường như ngọn lửa ấy vẫn rừng rực cháy mãnh liệt trên mỗi động tác, mỗi giọt mồ hôi khoẻ khoắn của từng diễn viên.
"Không chỉ sự mạnh mẽ, gân guốc và rực lửa mà nhiều phân cảnh trầm lặng tạo điểm chùng khiến chúng tôi rơm rớm nước mắt. Đó là hình ảnh người phụ nữ trẻ ôm gùi đi giữa cánh rừng, những thân lồ ô run lên trong gió.
Ở cảnh đó, người ta thấy sự lớn lao đến vô cùng của núi rừng và đối lập là sự bé nhỏ của con người. Người Tây Nguyên là vậy, yên lặng vô cùng mà cũng thương nhớ vô cùng. Những hình ảnh đó đã chạm được trái tim, khơi gợi cảm xúc cô đơn một cách mãnh liệt" một khán giả nói khi giao lưu với dàn diễn viên Teh Dar sau vở diễn.
Khi màn sân khấu đóng lại, ánh đèn được bật sáng lên, những diễn viên của Teh Darnắm tay nhau thở căng lồng ngực sau 60 phút cống hiến rực cháy trong những tràng pháo tay kéo dài như không muốn dứt của khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận