Phóng to |
Cuộc thương lượng giữa phe biểu tình và chính phủ tối 15-1 đã thất bại. Chính phủ tuyên bố không đưa giá nhiên liệu về giá gốc trước khi tăng gấp đôi (từ 65 naira lên 150 naira/lít).
“Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách dỡ bỏ hoàn toàn chính sách trợ giá cho ngành xăng dầu - ông Jonathan tuyên bố trên truyền hình - Tuy nhiên, trước những khó khăn người dân đang phải chịu đựng, chính phủ đồng ý giảm giá xăng dầu xuống mức 97 naira (0,47 cent)/lít”.
Các lãnh đạo nghiệp đoàn đã tuyên bố ngừng biểu tình và đình công trong ngày 16-1 theo dự kiến, sau khi Tổng thống Jonathan đã đưa quân đội can thiệp vào chiếm giữ các khu biểu tình chính ở Lagos.
Nhượng bộ, nhưng chưa đủ
Những cuộc biểu tình và đình công của hàng chục ngàn người đã nổ ra từ ngày 9-1. Nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và 600 người bị thương, theo Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Thay vì thừa nhận những chính sách đi ngược lại lợi ích của đông đảo người dân, Tổng thống Jonathan lại cho rằng đang có những thông tin nghiêm trọng đe dọa đến an ninh bản thân ông, người biểu tình đã bị những kẻ muốn “gây bất hòa, hỗn loạn vô chính phủ và bất ổn” giật dây, và nhấn mạnh những nhân tố bên ngoài có thể đang tìm cách làm chệch hướng cuộc tổng đình công.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi không thực hiện chiến dịch này để thay đổi chế độ. Phong trào nghiệp đoàn song hành cùng nền dân chủ. Vì vậy, bất kỳ thế lực nào muốn thay đổi lãnh đạo chính trị đều phải thực hiện thông qua bầu cử”. Tuy nhiên, với Tổng thống Jonathan, giải pháp hạ giá nhiên liệu là một nhượng bộ có thể bị cho là yếu đuối và gây hại cho chính ông.
Niềm tin bị đánh mất
Các lãnh đạo nghiệp đoàn Nigeria yêu cầu chính phủ phải đưa giá xăng dầu trở về mức trước ngày 1-1 nếu muốn thương lượng tiếp, và họ tạm hoãn biểu tình và đình công là để tránh đe dọa dừng sản xuất dầu - lĩnh vực chiếm hơn 90% nguồn thu ngoại tệ của Nigeria.
Từ sau ngày 1-1, cùng với giá xăng dầu tăng vọt lên gấp đôi, giá thực phẩm, chi phí giao thông cũng tăng. 70% dân số Nigeria có thu nhập chưa tới 1,25 USD/ngày đều là những người tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn cần thiết vì nước này không sản xuất đủ điện (Nam Phi có dân số 50 triệu người nhưng sản xuất lượng điện gấp 10 lần Nigeria). Người dân phải dùng máy phát điện của Trung Quốc để có điện. Nigeria cũng không thể lọc dầu vì bốn nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất trung bình 23% và phải nhập hầu hết nhiên liệu.
Dù là một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, song nạn tham nhũng, quản lý yếu kém, các nhóm lợi ích chi phối đã khiến người dân nước này không còn tin được 8 tỉ USD tiết kiệm từ chính sách bãi bỏ trợ giá nhiên liệu của chính phủ sẽ thật sự được đầu tư vào các công trình hạ tầng, cải thiện đời sống người dân như chính phủ tuyên bố. Người dân tức giận về các hành vi lãng phí, tham nhũng, hứa lèo nhưng lại đòi hỏi họ phải hi sinh của các nhà lãnh đạo.
Một số nhà bình luận địa phương cho rằng thời điểm của “Mùa xuân Nigeria” đã đến sau nhiều thập niên chứng kiến hàng tỉ USD từ dầu chảy vào túi những tầng lớp có chức có quyền. Trong báo cáo năm 2009, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng việc dỡ bỏ trợ cấp xăng dầu là một bước quan trọng cần thiết đầu tiên để lành mạnh hóa lĩnh vực này. Nhưng đối với một đất nước như Nigeria, nơi mà các chuyên gia ước tính 50 -100 tỉ USD từ doanh thu dầu khí đã bị bốc hơi vì gian lận, và 80% lợi ích kinh tế từ sản xuất dầu đã chạy vào túi của 1% dân số. Do vậy, bãi bỏ trợ giá xăng dầu là một cú đấm mạnh vào những người dân bình thường ở đây.
Người Nigeria cho rằng nhiên liệu được trợ giá là lợi ích duy nhất họ có được từ tài nguyên của Nigeria. Peter Esele, chủ tịch Hội nghị nghiệp đoàn thương mại Nigeria, cho biết: “Người dân đã mất niềm tin vào chính phủ. Chúng tôi không còn sẵn sàng tin họ nữa. Họ phải hành động để chúng tôi tin”.
Vivian Kezie - một phụ nữ Nigeria - cho biết bà không thấy việc chính phủ sử dụng 8 tỉ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng là thuyết phục: “Tôi không tin họ. Họ lại bỏ tiền vào túi gia đình mình thôi. Tất cả con cái họ đều đi học ở nước ngoài hết”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận