20/06/2011 05:30 GMT+7

Niềm vui từ nhà rông mới Kon Klor

LAN PHƯƠNG - TRẦN THẢO NHI - THÁI BÁ DŨNG
LAN PHƯƠNG - TRẦN THẢO NHI - THÁI BÁ DŨNG

TT - “Cháy nhà rông là cháy linh hồn, cháy trái tim người làng” - già làng A Pik chỉ vào tim mình khi nghĩ về chuyện cũ của một năm trước. Cũng niềm day dứt đó, tất cả dân làng Kon Klor, các làng lân cận đã cùng nhau phục dựng một thành tựu văn hóa vùng Tây nguyên.

Read this on Tuoitrenews.vn

i8oNozG3.jpgPhóng to
Rộn rã lễ hội khánh thành nhà rông mới - Ảnh: T.B.D.
DdymOMP9.jpgPhóng to
Lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới - Ảnh: L.P.

Cháy nhà rông lớn nhất Kon Tum

Già A Phor, một người già đã nhìn thấy và góp công xây dựng những ngôi nhà rông từ những năm 1950 của làng Kon Klor, nói: “Nhà rông đã cháy là nhà rông lớn nhất Tây nguyên, nhưng nhà rông mới này còn to hơn, các thân cây để làm nhà đều là cây gỗ lớn rất quý hiếm”.

Lặn lội tìm gỗ, tranh

Sống hơn 70 năm ở làng Kon Klor, không có biến cố nào của làng Kon Klor mà già A Phor không chứng kiến. Già bảo nhà rông gắn bó mật thiết như hơi thở của cuộc sống dân làng cũng như bao biến cố của cả đời người, tất cả sự kiện trọng đại của làng đều diễn ra ở đây, là nơi các già truyền lại cho con cháu những phong tục, nếp sống của bao thế hệ.

Già nhìn thấy nhiều lần những ngôi nhà rông mới mọc lên, cũ đi, được người làng xây lại. Ấy thế mà hình ảnh nhà rông cháy rụi vào tháng 5 năm ngoái già lại nhớ kỹ như in, lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến hành vi bốc đồng của đám trẻ.

Một nhóm thanh thiếu niên không có nhận thức đầy đủ, chỉ vài lời thách đố nhau đã châm lửa đốt. 15g ngày 9-5-2010, nhà rông Kon Klor kiêu hãnh bên dòng sông Đắk Bla bùng cháy như một ngọn đuốc và để lại những đốm tro tàn bay theo dòng nước. Người Ba Na cảm thấy như đất dưới chân bị sụp, khi mái nhà rông thân quen đi vào tâm trí, vào bữa ăn, giấc ngủ nay đã không còn, người lớn khóc, trẻ con mắt đỏ hoe, nỗi đau từ ngày đó đến hôm nay là điều người Ba Na không một ai còn muốn nhớ thêm nữa.

Khi địa phương chuẩn bị cùng các làng Kon Klor 1, Kon Klor 2, Kontum Kpong... xây lại nhà rông mới, những thanh niên trai trẻ nhất của làng là người đổ sức của mình vào cho từng thớ gỗ, tấm tranh. Anh A Pháo, con trai của già A Phor, nhà ở xã Đăk Rơ Va, cho biết: “Nhà mình ở xã khác, nhưng làng ít người trẻ quá nên mình qua phụ xây nhà rông. Hồi còn bé ở nhà, cha đã dạy mình làm nên mình cũng biết làm”.

Những thanh niên có gương mặt rám nắng, ám không khí của trời ngày bão, đã đi bộ qua nhiều quả núi, ngọn đồi để tìm nguyên liệu làm nhà. Mỗi tháng như vậy, một toán 20 thanh niên lại cùng nhau lên đường, mang theo những thức ăn mà người dân địa phương góp hỗ trợ, đi tìm từng đám mái tranh và những cây gỗ lớn chuẩn bị xây nhà. Rừng càng ngày càng xa người. Hành trình của họ gay gắt và nhọc nhằn.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - phó chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng nhà rông - cho biết: “Trai làng phải đi bộ rất xa, đến tận mấy xã Hà Đông, Hà Tây ở miền núi của Gia Lai mới tìm được tranh lợp mái và gỗ để xây nhà”.

Rừng không còn nhiều. Những thân cây lớn để làm sườn nhà người làng chẳng thể kiếm ở đâu ra. Một doanh nghiệp ở Kon Tum thấy nhà rông cần gỗ đã tài trợ tiền để người làng mua 12 thân gỗ khổng lồ từ Lào về làm kết cấu cho nhà.

Chủ tịch UBND TP Kon Tum Phạm Thanh Hà cho biết: “Nếu để bà con tự xoay xở thì không thể làm được nhà rông. Tôi trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân và được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Họ hỗ trợ gỗ, tiền để dựng lên nhà rông này”. Gỗ xoay cứng gộc như cột đá được dựng lên giữa làng, hình dáng của nhà rông đã có những khối xương sống đầu tiên.

9g ngày 27-1-2011, già làng và cộng đồng dân làng Kon Klor tiến hành làm lễ dựng lại nhà rông, mặc dù hôm đó là ngày 24 tháng chạp, Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng nhiều người dân vẫn hăng say góp công góp sức.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết gỗ làm trụ phải là loại gỗ quý, có đường kính và chiều cao lớn, có thể chịu lực và bền qua thời gian. Hiện ở Tây nguyên gỗ này rất hiếm. Nhà rông của người Ba Na có kết cấu hết sức phức tạp và độ cao rất lớn, độ dốc của mái gần như thẳng đứng. Bởi vậy, việc dựng lại là cả một kỳ công. Ngoài tốn kém về tiền bạc để mua gỗ, thuê thợ, hàng trăm người dân cũng được huy động.

Đặc biệt hệ thống giàn níu giữ bằng gỗ ở phía trên sàn nhà phải bố trí các thanh gỗ dày đặc và bắt chéo nhau chằng chịt, sao cho vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa đạt yêu cầu về tính vững chãi. Ngoài ra, đặc điểm mái của nhà rông Ba Na là mái ép, phía phần giữa mái phải hơi uốn cong vào phía trong, hai đầu hướng ra tựa như hình dáng lưỡi rìu thì mới đúng với nhà rông truyền thống.

Già làng A Pik, làng Kon Klor, cùng với những cụ già khác trong làng chỉ dẫn đám thanh niên thi công ngôi nhà. Cánh phụ nữ thì lo tiếp sức thức ăn, nước uống. Ông kể: “Khó nhất của ngôi nhà là mái tranh. Phụ nữ, người già gom lá tranh lại, nẹp thành tấm lớn. Thanh niên làm việc quên ăn quên nghỉ, leo lên những giàn tre buộc bằng dây thép rồi cứ thế lợp thành mái nhà. Ở trên cao lợp mái nhà rông rất nguy hiểm”.

Niềm hãnh diện của Tây nguyên

Sáng 19-6, lễ hội đâm trâu từ rất lâu ít được tổ chức quay trở về trong tiếng chiêng rì rầm bên dòng sông Đắk Bla. Nhà rông Kon Klor sau một năm gom góp công sức đã trở lại hình dạng mái rìu khổng lồ sánh vai cây cầu treo Kon Klor bắc ngang dòng sông. Già làng A Pik phấn khởi lắm: “Ồ, không chỉ người làng Kon Klor mình vui đâu, mà người Kontum Kpong, Kontum Knâm, cả người người vùng núi Đăk Rơ Va cũng có mặt để chung vui nữa”.

Buổi tối trước ngày đó, cô Y Hanh, chủ nhiệm tổ hợp tác dệt thổ cẩm phường Quyết Thắng, ngồi trong ngôi nhà nhỏ của mình, gom xếp từng bộ váy mới tinh cho các cô gái làng. Mỗi bộ váy sẽ được phát cho một cô gái của thôn múa trong lễ hội. Cô bảo: “Nhiều người múa quá, mình phải đi mượn. Nhà rông làm xong mình mới có lễ đâm trâu mà múa chứ”.

Mấy ngày sát lễ hội, cô Y Hanh bớt cả công việc buôn bán của tổ, buổi tối đi ra sân trước của nhà rông cùng các chị em tập đi tập lại bài múa cho lễ hội. Ai cũng chờ đợi ngày nhà rông được khánh thành.

Khi những tiếng hò reo vang lên trên bãi cỏ trước nhà rông, tiếng chiêng trống bập bùng quyện vào nhau, thanh niên trai gái nhảy theo mấy điệu múa quen thuộc của làng. Nhà rông Kon Klor có màu rơm vàng ươm mới tinh. Hai cầu thang dẫn lên nhà là hai khối gỗ khổng lồ óng sắc vàng ruộm. Mấy phụ nữ lớn tuổi dắt nhau từng bước leo lên cao, đứng từ ngôi nhà nhìn xuống cây nêu với những tua màu đỏ sống động. Nhà rông mới cao chót vót, rộng thênh thang, kiêu hãnh hơn bao giờ hết là nhà rông lớn nhất Tây nguyên.

Đêm hôm trước, cậu bé A Dil, tập chiêng ở làng Kontum Kpong, kể: “Ngày mai tụi em đánh chiêng theo người múa cho hội đâm trâu. Đứa nào lớn lên cũng phải học chiêng từ năm 6 tuổi, thậm chí chưa đi học đã biết đánh chiêng”.

A Dil biết kể lại chuyện nhà rông cũ bị cháy thế nào, mấy cây cột bêtông của nhà cũ giờ đã ra sao. A Dil biết cái nhà rông mới là một linh hồn mới mà tất cả bàn tay và mồ hôi người làng mình đã tạo dựng lại.

Trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa của các dân tộc

Sáng 19-6, người dân làng Kon Klor cùng hơn 1.000 du khách và người dân đã hội tụ dưới bóng nhà rông Kon Klor, làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum bên cây sung cổ thụ để cùng múa hát, uống rượu cần và chứng kiến lễ đâm trâu của các chàng trai Ba Na.

Nhà rông Kon Klor có chiều dài 17,2m, rộng 6,4m, cao 22m, tổng diện tích sử dụng là 260m2. Toàn bộ 12 trụ cột của nhà rông đều được làm từ gỗ xoay - loại gỗ quý hiếm cứng như lim có thể chịu nắng mưa khắc nghiệt ở Tây nguyên và không bị cong vênh, mối mọt. Tổng giá trị xây lắp là 1,8 tỉ đồng. Đã có 3.500 ngày công được bà con đóng góp.

Sau hơn một năm bị đốt cháy, những ngày đầu tháng 6-2011, nhà rông Kon Klor xuất hiện trở lại bên dòng sông Đắk Bla.

Kon Klor dịch theo tiếng phổ thông nghĩa là “làng cây gòn”. Trước đây dọc sông Đắk Bla có rất nhiều cây gòn, và ngôi làng Kon Klor cũng được đặt tên theo loài cây này. Lịch sử nhà rông Kon Klor đã có từ xa xưa, khi cộng đồng người Ba Na đến đây sinh sống đã cùng nhau dựng nhà rông làm chỗ sum họp.

Trước đây từng có một giai đoạn nhà rông Kon Klor vắng bóng và rơi vào quên lãng. Đó là khoảng những năm 1945, khi ngôi nhà rông lâu đời đứng giữa làng Kon Klor bị sập thì không ai nói đến chuyện dựng lại nữa, từ đó mọi sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con cũng mất dần.

Những năm không có nhà rông, làng hầu như rất ít sinh hoạt cộng đồng bởi nguyên tắc người Ba Na là mọi nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đều phải được tổ chức dưới bóng nhà rông. Đến đầu năm 1999, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ thị về việc duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc này, mong ước dựng lại nhà rông Kon Klor được nhen nhóm trong nhiều già làng và những người có tâm huyết.

Quyết định dựng nhà rông mới được đưa ra họp, lúc này gần như cả làng đã được huy động để vào rừng sâu kiếm nguyên vật liệu, góp ngày công. Sau đó nhà rông mới Kon Klor lại mọc lên sừng sững sau một giai đoạn biến mất cho đến khi bị cháy.

Nhà rông Kon Klor, nhà rông lớn nhất Tây nguyên, được chọn là trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa của các dân tộc vào các kỳ lễ hội lớn tổ chức ở Kon Tum.

LAN PHƯƠNG - TRẦN THẢO NHI - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên