29/09/2013 07:30 GMT+7

Niềm tin của người hộ lý bị ung thư

LG.TOÁN
LG.TOÁN

TT - Chị là người hộ lý tận tụy, thương yêu bệnh nhân. Ít ai ngờ rằng chị từng bị bệnh ung thư 13 năm qua. Chị là Lê Thị Lan, hiện làm hộ lý tại Bệnh viện K cơ sở 2 (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).

M9Knqrad.jpgPhóng to
Chị Lan luôn gần gũi, quan tâm động viên các cháu quên đi bệnh tật - Ảnh: LG.T.

Tai họa ập xuống đầu chị Lan vào tháng 10-2000 khi chị biết mình mắc bệnh ung thư nhau thai.

Vượt qua nỗi đau

Tất cả niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống đã bị cuốn đi, nhường chỗ cho hoang mang, lo lắng, suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác. “Khi biết mình mắc bệnh ung thư, tôi cảm thấy đất dưới chân như sụt xuống. Muốn khóc mà không khóc nổi. Suốt sáu tháng nằm viện để phẫu thuật, phải liên tục điều trị hóa chất, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần”.

Sự giằng co giữa lý trí và nỗi đau đớn về thể xác cứ diễn ra liên tục trong con người chị: “Các cháu bệnh nhi ung thư còn non nớt như thế mà vẫn đang hằng ngày giành giật lại sự sống, các ông bà già tóc đã bạc vẫn tới bệnh viện để chữa trị kéo dài cuộc sống, vậy tại sao mình lại suy sụp?”. Chính sự so sánh, nhìn nhận như thế đã giúp chị chiến thắng nỗi đau đớn, giày vò của bệnh tật, vượt lên chính mình, quay lại với cuộc đời. Chấp nhận “sống chung với lũ” đã giúp chị thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn.

Sau sáu tháng điều trị tại bệnh viện, chị đã quay lại tiếp tục công việc chăm sóc các bệnh nhi. Chứng kiến những em bé vẫn âm thầm chiến đấu để giành sự sống về phía mình, chị lại càng mạnh mẽ hơn. Chị đã tìm thấy sự lạc quan tại chính cái nơi tưởng như sự sống đã bị cái chết lấn át này. Chị nói: “Bây giờ mình sống không chỉ cho bản thân nữa mà sống vì gia đình và những bệnh nhân. Các cháu nhỏ trong bệnh viện giúp mình tìm lại giá trị của cuộc sống, giúp mình hồi sinh. Mình phải sống để cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận”.

Tận tâm

Hầu hết bệnh nhân ung thư thường mất niềm tin vào cuộc sống. Là người từng trải qua cảm giác đó nên chị rất hiểu họ. Theo chị Lan, để giúp bệnh nhân quên đi đau đớn, suy nghĩ tích cực, lạc quan thì phải có phương pháp. Chị nói: “Tùy vào lứa tuổi các cháu, mình sẽ có phương pháp ứng xử riêng để các cháu có niềm tin điều trị. Thậm chí phải lấy bản thân ra làm nhân chứng”.

Gắn bó với khoa nhi suốt 16 năm, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh nên lúc nào chị cũng trăn trở: “Nhìn các cháu mà thương lắm, còn nhỏ dại, cơ thể yếu ớt đã phải trải qua phẫu thuật, cắt bỏ chân, tay. Chỉ mong y học ngày càng phát triển để tìm ra được nhiều loại thuốc chữa khỏi bệnh ung thư”.

Vừa dọn dẹp, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc hướng dẫn bệnh nhân lại vừa quản lý phòng đồ chơi nên chị luôn tìm mọi cách gần gũi các cháu. Chị vừa là một cô giáo vừa như người mẹ luôn bên cạnh động viên, an ủi các em. Nhiều người nhà bệnh nhi cảm động bởi tình cảm mà chị dành cho con em họ. Chị Nguyễn Thị Tơ - mẹ của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Anh (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) - bày tỏ: “Bác Lan sống tình cảm lắm”.

Còn bệnh nhi Hoàng Thị Quyên (Lạng Sơn) bị ung não thì nói: “Bác Lan luôn quan tâm, giúp đỡ chúng em, chia sẻ kinh nghiệm của bác cho mọi người vì bác ấy cũng là bệnh nhân ung thư”.

LG.TOÁN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên