08/05/2007 08:01 GMT+7

Nicolas Sarkozy - khát vọng đã thành sự thật

NGUYÊN VĨNH (Paris)
NGUYÊN VĨNH (Paris)

TT - Sinh ngày 28-1-1955 tại quận 17 (Paris), Nicolas Sarkozy là con trai thứ của ông Paul Sarkozy De Magy-Bocsa, người Hungary và bà Andrée Mallas, gốc Do Thái.

ESDJX4ck.jpgPhóng to

Ông Nicolas Sarkozy nghe tin chiến thắng vào tối 6-5 tại Paris - Ảnh: AFP

Cha ông nhập cư vào Pháp năm 1948, làm trong ngành quảng cáo, mẹ ông làm luật sư. Thời trẻ, Nicolas Sarkozy không ngần ngại đi bán kem, bán hoa tươi để kiếm tiền ăn học, và đã lấy được hai bằng cử nhân về công pháp và luật tư nhân.

Năm 1976, chàng sinh viên Sarkozy là đại biểu thanh niên RPR (phong trào Tập hợp vì nền cộng hòa, do Jacques Chirac sáng lập) vùng Haut-de-Seine. Trong một hội nghị cấp quốc gia, ông được ông Chirac dành cho hai phút phát biểu. Chàng trai trẻ Nicolas đã thao thao đến 10 phút, hết sức thuyết phục, và từ đó được nâng đỡ để bước chân vào con đường chính trị.

Năm 28 tuổi, Nicolas Sarkozy đánh bại một chính khách già dặn là ông Charles Pasqua để trở thành thị trưởng trẻ tuổi của vùng Neuilly-sur-Seine. Vị thị trưởng mới nhậm chức thích chạy bộ buổi sáng, nhưng cho công bố lộ trình để người dân có việc cần có thể dễ dàng tiếp cận.

Ông nổi tiếng “máu lạnh” nhờ vụ thương lượng giải thoát 21 đứa trẻ bị một gã mang vũ khí và chất nổ bắt làm con tin vào năm 1993. Cùng năm đó, ông được Thủ tướng Edouard Balladur giao cho chức bộ trưởng ngân sách. Tuy chưa bao giờ đặt chân đến Ủy ban Tài chính quốc hội, nhưng chỉ ba tháng sau Sarkozy đã bảo vệ suôn sẻ dự án luật về tài chính trước các nghị viên sành sỏi.

Năm 1995, Nicolas Sarkozy chọn lựa đứng về phía ứng cử viên Balladur trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng ông Jacques Chirac lại là người thắng cuộc. Bị coi là kẻ phản bội, Sarkozy bị gia đình Chirac tẩy chay và đương nhiên không có chân nào trong chính phủ mới.

Đến năm 2002, khi ông Chirac tái đắc cử, ông trở thành bộ trưởng nội vụ, năm 2004 chuyển sang làm bộ trưởng kinh tế. Được bầu làm chủ tịch Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, ông đành từ chức bộ trưởng vì Tổng thống Chirac không cho phép kiêm nhiệm. Năm 2005, Sarkozy trở lại làm bộ trưởng nội vụ.

Ông Chirac cho đến phút cuối đã tìm cách ngáng chân Sarkozy bước vào điện Elysée bằng cách tạo điều kiện cho những người thân tín như Thủ tướng Dominique de Villepin, Bộ trưởng Quốc phòng Michèle Alliot-Marie, nhưng rốt cuộc Sarkozy đã chứng tỏ ông có nhiều uy tín hơn trong cuộc chạy đua này...

Để có được ngày hôm nay tôi đã phải đấu tranh cật lực, chẳng ai tặng không tôi cái gì cả. Đời đã giáng cho tôi nhiều cú, và tôi cũng có đáp trả. Tôi đã leo lên từng bậc, từ bậc thang thấp nhất. Chỉ còn lại một bậc thang cuối cùng, và tôi đặt niềm tin vào các bạn...” - Sarkozy từng công khai thẳng thắn trong một lần tranh cử gần đây.

Bậc thang ấy Nicolas Sarkozy rốt cuộc đã leo lên được, sau rất nhiều gian khổ. Ông nổi tiếng là người làm việc không mệt mỏi, luôn có nhiều sáng kiến và đặc biệt ứng đối rất tài tình. Nhưng cách nói thẳng thừng của ông làm không ít người khó chịu.

Chủ trương cứng rắn của ông thời kỳ làm bộ trưởng nội vụ đã làm ông trở thành “ngáo ộp”, khiến nhiều người e ngại. Nicolas Sarkozy từng đòi quét sạch nạn bạo động bằng “Karcher” (một nhãn hiệu máy tẩy rửa công nghiệp có công suất cao nổi tiếng); và gây phẫn nộ khi gọi các thanh niên ngoại ô nổi loạn, phá phách là “cặn bã”. (Thật ra lần này ông Sarkozy bị oan, ông chỉ lặp lại lời một phụ nữ trong lần đi thực tế ở ngoại ô. Nhưng sau đó báo chí và dư luận rộ lên chỉ trích và ông Sarkozy đã không ngần ngại nhận về mình).

Thử thách lớn nhất của Nicolas Sarkozy là làm thế nào để được công chúng yêu mến. Còn về năng lực thì không ai có thể chối cãi được. Chương trình tranh cử của ông rất rõ ràng, thuyết phục.

Với Nicolas Sarkozy, cánh hữu nước Pháp đã đoạn tuyệt với một cánh hữu mang tính xã hội của Jacques Chirac. Từ chủ trương nhập cư có lựa chọn đến vấn đề tội phạm vị thành niên, chế độ hưu trí đặc biệt, ông Sarkozy đều tỏ ra cứng rắn và không ngại đụng chạm các giới có liên quan.

Sarkozy có nhiều tham vọng và không hề che giấu nỗi khát khao quyền lực. Năm 2003, trong chương trình truyền hình mang tên “100 phút để thuyết phục”, nhà báo Alain Duhamel hỏi: “Có khi nào, như trong lúc cạo râu chẳng hạn, ông nghĩ đến chức tổng thống hay không?”. Ông Sarkozy trả lời: “Đâu chỉ trong lúc cạo râu mà thôi?”.

Giờ đây, khi đã đạt được ước vọng, thử thách của ông là làm thế nào để thực hiện được những lời hứa, lèo lái nước Pháp vượt qua những khó khăn hiện tại. Vài ngày trước hôm bầu cử, cảm thấy đã chạm tay được tới chiến thắng, Nicolas Sarkozy bỗng trở nên trầm tư không ngờ. Ông tâm sự: chính trị xưa nay là niềm vui của tôi, nhưng bây giờ tôi không còn thấy vui thú gì nữa. Trách nhiệm lớn lao quá...

Nước Pháp có tổng thống mới

FTycN7Mj.jpgPhóng to
Ông Nicolas Sarkozy và vợ Cecilia (trái) chào công chúng tại quảng trường Concorde tối 6-5 - Ảnh: Reuters

TT - 20g chủ nhật 6-5 (giờ địa phương), lá cờ tam tài xanh - trắng - đỏ trên màn ảnh truyền hình dần dần nhòa đi để cho chân dung tân tổng thống Pháp từ từ hiện rõ. Nicolas Sarkozy! Ảnh của ứng viên đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) trên khung màu xanh với con số 53% phiếu bầu.

Còn ứng viên Đảng Xã hội Ségolène Royal trong khung màu hồng với tỉ lệ 47%. Như vậy, vượt qua đối thủ với hai triệu phiếu bầu, con trai một người nhập cư Hungary đã thật sự bước lên đỉnh cao quyền lực của nước Pháp.

Với tỉ lệ phiếu bầu suýt soát với ông Mitterrand năm 1998, Nicolas Sarkozy đã thắng một cách thuyết phục. Đặc biệt là trong bối cảnh cánh hữu nắm quyền suốt 12 năm qua, trong đó ông Sarkozy ba lần là bộ trưởng và đương kim chủ tịch Đảng UMP. Tỉ lệ cử tri đi bầu còn cao hơn cả vòng một, 84-86% - một trong những tỉ lệ cao nhất kể từ năm 1974 đến nay.

Phát biểu sau đó trước 30.000 người tại quảng trường Concorde, ông Sarkozy đã rất khôn ngoan khi hướng về cả những người không bầu cho ông. Ông nhấn mạnh: chỉ có một nước Pháp, đây là chiến thắng của cả nước Pháp. Về đối ngoại, ông Sarkozy cho biết sẽ tập trung xây dựng cộng đồng châu Âu vững mạnh, liên kết trong khu vực Địa Trung Hải. Tuy khẳng định tình hữu nghị với Hoa Kỳ nhưng ông cũng nhắc nhở cường quốc này cần tôn trọng những điểm khác biệt của bạn bè và những cam kết quốc tế.

Về đối nội, ông kêu gọi lòng khoan dung, tình tương thân tương ái. Đề cập giá trị của lao động, tương quan giữa nghĩa vụ và quyền lợi, trật tự xã hội cũng như lòng tự hào dân tộc, ông không quên nhiệm vụ nặng nề trước mắt và khẳng định: “Tôi sẽ không phản bội, không lừa dối và sẽ không làm các bạn phải thất vọng”. Nicolas Sarkozy nói thêm: “Tôi yêu nước Pháp như một người thân yêu. Nước Pháp đã cho tôi rất nhiều và nay là lúc để tôi đền đáp”. Được biết, ông sẽ tự cho phép mình nghỉ xả hơi vài ngày, và bắt tay vào việc ngay giây phút đầu tiên chính thức nhậm chức vào ngày 16-5 tới.

0g30 sáng 7-5, trong những chuyến tàu trở về, có cả những chiếc áo xanh UMP lẫn những bích chương màu đỏ của Đảng Xã hội. Liệu sẽ “chỉ có một nước Pháp” hay không? Chỉ biết là ngay từ hôm nay, một trận chiến nữa đang được các bên chuẩn bị: kỳ bầu cử quốc hội, bắt đầu từ ngày 10-6 tới.

NGUYÊN VĨNH (Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên