Một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Tính toán đó được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra trong Đề án nhượng quyền khai thác (O&M) Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư vừa trình lên Bộ Giao thông vận tải.
Do việc nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên VEC kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ giao cho VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư phải thỏa mãn 3 tiêu chí: có kinh nghiệm từ các dự án nhượng quyền; có năng lực về tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án cao tốc.
Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư tiềm năng sẽ cùng với VEC thành lập doanh nghiệp dự án (SPV) để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Doanh nghiệp dự án quy mô vốn chủ sở hữu sẽ bằng 30% giá trị nhượng quyền. Trong đó phần vốn của VEC là 29%, phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Đối với phần vốn do doanh nghiệp dự án huy động từ các tổ chức tài chính thì lãi suất ước tính khoảng 10% nếu vay từ các ngân hàng thương mại trong nước và 8,5% nếu vay từ các ngân hàng nước ngoài quy đổi sang tiền Việt Nam.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) dài 50km do VEC đầu tư bằng nguồn vốn điều lệ và vốn trái phiếu công trình với tổng mức đầu tư 8.974 tỉ đồng, khai thác từ cuối tháng 6-2012. Hiện tại tuyến cao tốc 4 làn xe này đang khai thác với tốc độ 120km/h, mức phí 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn. Quý 1 năm 2017, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ khoảng 3,3 triệu lượt xe. Trong kỳ nghĩ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trung bình mỗi ngày đêm có 43.000 lượt xe qua lại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tăng 10% so với cùng kỳ 2016; mật độ đông nhất tập trung vào ngày 29- 4 với 65.000 lượt xe.
Việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được VEC dựa trên cơ sở thu nhập ròng hàng năm trong tương lai của tuyến đường với các thông số đầu vào cơ bản như: doanh thu, chi phí quản lý vận hành; chi phí bảo dưỡng định kỳ; cơ cấu nguồn vốn; lãi suất giả định cho vốn chủ sở hữu và vốn huy động tại doanh nghiệp dự án. Phí chuyển nhượng được trả cho VEC theo 3 đợt thanh toán, mỗi đợt bằng 1/3 giá trị nhượng quyền.
Theo lãnh đạo VEC phương án nhượng quyền như trên giúp doanh nghiệp này duy trì được dòng tiền từ dự án, đồng thời số tiền nhượng quyền sẽ giúp VEC đầu tư vào một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc Nam. Dự kiến VEC sẽ sử dụng số tiền nhượng quyền thu được đầu tư vào dự án đường cao tốc Bắc Nam theo hình thức đối tác công –tư ( PPP) từ Ninh Bình đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) với chiều dài 106 km.
Được biết hiện nay có một số nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn được nhượng quyền quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong đó, có Tập đoàn VINCI của Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác với VEC. Tuy nhiên, lựa chọn nhà đầu tư sẽ chỉ tiến hành sau khi Đề án nhượng quyền khai thác đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những cơ chế đảm bảo tính khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận