30/10/2012 03:08 GMT+7

Nhường nhịn

XUÂN QUANG
XUÂN QUANG

TT - Chuyện kể của một người bạn. “Hằng ngày sau khi đón cu Tin ở trường tiểu học, tôi chở bé đến trường mầm non đón em. Hôm trước, trường mầm non của em Tô sắm thêm trò chơi con sâu. Ra khỏi lớp, Tô chạy ào ra “con sâu” và chui tọt vào trong. Tin cũng hăm hở chạy theo em nhưng nhảy lên cưỡi cổ sâu. Đúng lúc ấy, cô hiệu phó đi ra: “Đồ chơi này dùng cho các em. Con nặng như vậy mà trèo lên trên thì còn gì đồ chơi nữa? Xuống ngay đi! Con có biết đồ chơi này bao nhiêu tiền không?”. Tin vội vàng chạy ra nép sau lưng mẹ. Từ đó, mỗi ngày đến đón em, Tin ngoan ngoãn đứng nhìn các em chơi.

1

Hôm kia, Tô và một bạn trong lớp đang say mê đá banh thì một anh cao to (là con của cô hiệu phó hay vào trường để chờ mẹ cùng về) chạy thẳng vào sân giành ngay lấy trái banh đá đi chỗ khác. Hai em nhỏ quay ra, thấy anh cao lớn không dám có ý kiến gì, chỉ biết chạy lại méc mẹ. Lúc ấy, cô hiệu phó cũng đứng ngay ngoài sân, chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh ấy nhưng không nói gì. Nhìn phù hiệu trên ngực áo thì biết anh đang học lớp 11... Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, Tin thắc mắc: “Mẹ ơi, anh cao cao ấy giành đồ chơi của các em mà sao không bị cô hiệu phó la hả mẹ?”.

2

Chuyện của người viết. Từ ngày sinh con thứ hai, tôi thường dạy Ngô phải biết nhường nhịn người nhỏ hơn mình, bảo vệ người yếu hơn mình, ví dụ là em của Ngô. Đi đâu, Ngô thường để ý và kết luận: “Người lớn phải nhường người nhỏ”. Thế nhưng...

Ngày khai giảng ở trường mầm non, sau màn múa lân sôi động, cô giáo đề nghị các phụ huynh cùng vào lớp với con để nghe cô dặn dò. Sĩ số lớp là 46 bé, số ghế ngồi khoảng hơn 50 cái. Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên ngồi mình một ghế, con một ghế. Ai chưa có thì ngồi dưới sàn. Thoạt đầu Ngô cũng có ghế ngồi nhưng vừa chạy đi bỏ vỏ hộp sữa vào thùng rác quay lại, ghế của Ngô đã bị một phụ huynh khác ngồi mất. Ngô mếu máo: “Ghế của con mà...”. Tôi cũng thấy ngại quá, đưa mắt nhìn phụ huynh chiếm ghế nhưng vị ấy thản nhiên như không, đành an ủi con: “Không sao con, ngồi xuống đất giống bạn Bích Huyền cho vui kìa”.

Tưởng bé quên, ai dè tuần sau, khi em bé đòi chơi đồ chơi, mẹ khuyên Ngô nên nhường đồ chơi cho em bé với lập luận quen thuộc, Ngô tỉnh bơ: “Có lúc người nhỏ cũng phải nhường người lớn chứ, như bữa khai giảng con nhường ghế cho bác đeo cà vạt đấy”.

XUÂN QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên