Hình ảnh cuối cùng của Muội mà cô giáo và học sinh một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM nhìn thấy cách đây hơn 4 tháng là cảnh em vùng vẫy cố thoát khỏi vòng tay của người đàn ông trước cổng trường. Người đó là ba Muội...
Kỳ 1: Vỡ tổ
Phóng to |
Chị Bích Hạnh và con gái luôn quấn quýt bên nhau, trước khi cháu bị ba “bắt cóc” - Ảnh tư liệu gia đình |
Bản án ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên xử ba Muội được quyền nuôi con. Và ông đã tự thi hành án. Chú Phong- một phụ huynh của bạn học Muội- không “cứu” được Muội. Mẹ Muội không đến kịp.
Kiếm tìm trong vô vọng
Nhìn chị Đoàn Thị Bích Hạnh (ngụ ở đường Trần Não, quận 2, TP.HCM) chuẩn bị đồ đạc xuống Đồng Nai thăm con, bà Lê Phước Thanh (tổ trưởng tổ dân phố 76, phường An Khánh, đường Lương Định Của, quận 2) lắc đầu ngán ngẩm: “Đã bảo nó thôi đi mà, có tìm cũng không thấy con đâu, có đi thăm cũng không được gặp con, để tâm sức làm việc khác. Con cái dù ai nuôi thì vẫn là con mình nhưng nói nó đâu có nghe...”.
Người bạn đồng hành của chị Hạnh là anh Sang, tài xế taxi của Hãng Mai Linh. Mấy tháng rồi, anh Sang liên tục chở chị đi Đồng Nai. Biết là đi Đồng Nai vậy nhưng cũng chẳng có điểm đến nào cố định. Để tìm con, chị “quần nát” TP Biên Hòa: tìm đến nhà anh, đến cơ quan anh, đến tòa án nộp đơn kêu cứu. Không thấy con, chị tính đến cách tìm đến tất cả các trường học. Rời nhà từ sáng sớm, nhiều hôm chị trở về khi đồng hồ đã điểm gần nửa đêm.
Anh chị vốn là bạn bè của nhau trước khi chị lập gia đình. Anh công tác ở thành phố Biên Hòa, chị sống chăm con và làm việc tại TP. HCM. Bất hòa giữa họ ngày càng nhiều. Tháng 1- 2004 Muội chào đời thì một tháng sau hai người ly thân. Năm 2005, họ ra tòa ly dị. Cả hai bản án ly hôn sơ thẩm và phúc thẩm tuyên cho anh được quyền nuôi con, dù từ nhỏ đến khi Muội 8 tuổi, bé vẫn sống với mẹ. Đến ngày người chồng tổ chức bắt con thì chị như một con thú bị thương, quẫy đạp, kêu cứu khắp mọi nơi.
Còn anh, sau khi bắt con về Đồng Nai, đã rút học bạ, chuyển trường cho Muội nhưng không cho chị biết địa chỉ trường mới. Sau bốn tháng tìm kiếm mòn mỏi, một người quen mới cho chị hay bé Muội đang được học ở một trường tiểu học tại TP Biên Hòa.
Phát hiện được dấu vết của con rồi, chị cũng không dễ dàng đến thăm con bởi anh không muốn điều đó. Anh liên tục thay đổi nơi ở của bé Muội mà không cho chị biết. Quá nhớ con, chị lại leo lên taxi chạy đến nhà anh cầu may. Chúng tôi còn nhớ mãi ánh nhìn thất vọng của chị khi nhìn thấy chiếc ổ khóa to đùng trước cổng nhà anh vào một đêm mưa tầm tã giữa tháng 8-2012. Trong nhà đèn tắt tối om. Chị nói, giọng nhẹ hẫng như rơi vào khoảng không: “Vậy là ổng lại bắt con nhỏ đi gửi chỗ khác. Nhưng máu tôi còn chảy, tim tôi còn đập thì tôi còn đi tìm con, bất cứ giá nào...”.
“Cướp” con
Giống như chị Hạnh, hàng trăm phụ nữ khác cũng kiếm tìm con, giành quyền nuôi con với chồng sau ly hôn...
Cái ngày khủng kiếp nhất trong cuộc đời của chị Nguyễn Thị Mai Thanh (ngụ tại quận 4, TP.HCM) là ngày chị hay tin chồng mình đã đem giấu bé Kiwi đâu mất. Hai vợ chồng làm việc tại TP.HCM. Do con còn nhỏ, chị gửi bé về cho ông bà nội trông giúp. Thời gian này giữa hai vợ chồng bắt đầu có những bất đồng và có ý định ly hôn. Một ngày khi trở về quê đón con, chị được cha mẹ chồng cho hay: “Ba nó về ẵm đi rồi!”. Thanh khóc lóc, van xin cha mẹ và các chị chồng chỉ chỗ ở của bé Kiwi. Nhưng những gì chị nhận được chỉ là những cái lắc đầu và câu nói cửa miệng: Không biết!
Thanh cuống cuồng gọi điện: anh khóa máy. Chạy đến công ty anh làm việc, đồng nghiệp nói anh đã đi công trường, chồng chị vốn là một kỹ sư xây dựng. Bỏ hết công ăn việc làm, chị bắt đầu rong ruổi tìm anh trên những công trường xa. Có khi tìm tới được công trường này thì người ta lại cho hay anh đã sang công trường khác. Số điện thoại thường dùng anh cũng bỏ. Đến khi Thanh sắp ngã gục vì tuyệt vọng thì điện thoại chị đổ chuông. Anh gọi về từ một số máy lạ hoắc, thông báo ngắn gọn là Kiwi vẫn khỏe và nói chị đừng tìm con và anh nữa. Gọi xong cuộc điện thoại đó, anh tháo sim vứt đi, hòng cắt đứt mọi đường liên lạc của vợ.
Thanh kể: “Lúc đó tôi đã nghĩ đến tất cả mọi cách. Coi phim Hong Kong thấy người ta có thể tìm ra chỗ ở bằng cách theo dõi một cuộc điện thoại, tôi cũng lân la nhờ người hướng dẫn. Nghe có người chỉ ở đâu có thám tử giỏi tôi cũng tìm tới. Tiền dành dụm bao nhiêu năm đi làm tôi rút ra hết, chỉ mong tìm được con”. Suốt nửa năm trời chị như người mất hồn. Hơn một lần chị nghĩ đến cái chết.
Một ngày nhận được tin báo của thám tử phát hiện được nơi chồng giấu bé Kiwi, Thanh liều lĩnh vạch ra trong đầu một kế hoạch: phải cướp lại con. Chị thuê một chiếc ôtô, mướn thêm vài vệ sĩ, trở về nhà thông báo cho gia đình biết để huy động thêm anh em, bà con theo giúp. Không còn nhận ra cô sinh viên khoa ngữ văn gốc miền Tây hiền lành, chân chất ngày nào. Nỗi đau mất con đã biến Thanh thành một con người khác: sắc sảo, chua chát và liều lĩnh hơn bao giờ hết.
Theo tin báo, chồng Thanh gửi con tại nhà một người chị ở quê. Xe chạy đến nơi, Thanh bịt kín khẩu trang, vô ngồi quán nước gần nhà để theo dõi động tĩnh. Trước đó, chị đã lên gặp công an xã thông báo việc mình sẽ bắt lại con và đề nghị được giúp đỡ. Bài binh bố trận xong đâu đấy, chờ khi cửa nhà vừa hé mở, chị đi thẳng vào nhà người chị, tháo bỏ khẩu trang bịt mặt, giành lại đứa nhỏ mà người chị đang bồng. Giọng Thanh lạnh tanh: “Ai đụng tới con tôi, tôi liều mạng”. Nói rồi, chị bồng con đi như chạy ra cửa.
Chiếc xe hơi bắt đầu lao đi trên đường quê. Có tiếng đập cửa thình thịch. Nhìn ra cửa xe, tim Thanh như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Chồng chị đang ra sức đập điên cuồng vào cửa kính. Thì ra khi trở về nhà, được người chị báo tin, anh đã phóng xe máy hết tốc lực đuổi theo. Đột ngột tay lái xe anh bị máng vào cửa xe hơi. Anh bị lôi theo một đoạn rồi té ngã. Thanh nín thở nhoài người nhìn lại. Khi thấy anh lồm cồm ngồi dậy được, chị mới yên lòng kêu tài xế nhấn ga chạy tiếp.
Đến lúc này Thanh mới nhìn lại Kiwi. Nửa năm xa cách, giờ được ôm con trong lòng, chị như người chết đi sống lại. Lo sợ chồng sẽ tiếp tục đuổi theo, Thanh kêu tài xế chạy xe thẳng lên Đà Lạt. Tại Đà Lạt, chị thuê phòng tại một nhà nghỉ hẻo lánh. Ngày ngày mỗi khi có việc cần ra đường, Thanh đều khoác áo, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Sống luẩn quẩn ở Đà Lạt gần một tháng, khi tình hình đã tạm yên, Thanh mới dám bồng con về lại Sài Gòn, dù nỗi ám ảnh mất con lần nữa vẫn chưa chấm dứt.
____________
Kỳ tới: Chim non lìa tổ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận