27/09/2012 10:38 GMT+7

Kỳ 1: Vỡ tổ

MAI HƯƠNG - TÂM LỤA
MAI HƯƠNG - TÂM LỤA

TT - Điện thoại của chị réo vang, rồi một giọng nói ngập ngừng: “Chị ơi, em tới rồi. Em không tìm được nhà. Chị ra đón em vào với!”. Chị cúp điện thoại, bước ra đường, hai chân đi trên mặt đất mà ngỡ như người say. Kia rồi! Người đàn bà đang cắp nách một thằng bé.

Chuyện từ những tổ ấm vỡ

Trong xã hội hiện đại, ly hôn, nuôi con một mình không còn là chuyện lạ. Thế nhưng, dư chấn của những đổ vỡ đó mãi mãi tượng hình những vết thương. Câu chuyện từ những tổ ấm tan, dù có rất nhiều lý do bào chữa cho sự rạn vỡ, vẫn luôn là những câu chuyện buồn. Và vết thương đó có liền sẹo hay không, trong lòng người trong cuộc, mãi mãi là một dấu lặng.

Hai người phụ nữ sóng đôi. Hai cái bóng đổ dài lặng lẽ. Chị tự hỏi: “Trên đường phố tấp nập này, có ai biết được rằng mình đang đón người phụ nữ của chồng về nhà mình?”.

vqm9ujP1.jpgPhóng to
Chia tay nhau, chị H. nuôi hai đứa con trai. Anh bỏ gia đình đi xây tổ ấm mới - Ảnh: Gia Tiến

Mổ sống vết thương

Không phải tự nhiên mà người phụ nữ ấy tìm đến nhà chị H.K.H. (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Chị đã điện thoại mời cô đến, dù suốt bốn năm ròng từ ngày biết được chồng mình có người khác, điều chị sợ nhất và không muốn chấp nhận nhất là có một ngày người ấy sẽ đến. Cô ta sẽ bước vào nhà mình, nấu ăn trong gian bếp của mình, nằm trên chiếc giường của mình hay tệ hại hơn là mang chồng mình đi mất.

Nhắc lại chuyện cũ, chị H. vẫn gọi buổi chiều định mệnh ấy là ngày chị quyết định tự đem mổ sống vết thương đã âm ỉ, nhói buốt trong lòng mình suốt bốn năm. “Mổ mà không cần gây tê, gây mê, sau bốn năm dù biết nhưng vì sợ đau mà vẫn nâng niu một khối u ác tính càng ngày càng di căn và không còn khả năng cứu chữa” - chị H. chua xót.

Ở TAND TP. HCM, hầu như ngày nào cũng có 1-2 vụ ly hôn được đưa ra xét xử. Có cô gái trẻ lấy chồng nước ngoài vì muốn được xuất cảnh theo chồng, nhưng khi chồng không bảo lãnh cho cô qua nước ngoài được thì... đường ai nấy đi. Phiên tòa xét xử những vụ ly hôn như vậy thường diễn ra chóng vánh, vì cuộc hôn nhân của họ không xuất phát từ tình yêu, hội đồng xét xử không phải mất quá nhiều thời gian để hàn gắn họ. Có cặp vợ chồng đã vào hội người cao tuổi rồi vẫn kéo nhau ra tòa ly hôn vì “không thể chịu đựng nhau thêm được nữa”. Cũng có cặp vợ chồng già ra tòa ly hôn vì những nguyên nhân khó nói với hội đồng xét xử. Khi rời phiên tòa, người vợ mới cho biết vì mình đã “tắt lửa lòng” rồi mà ông chồng thì còn “sung” quá, đáp ứng không được nên dần dà nảy sinh mâu thuẫn...

Một thẩm phán TAND Q.2 cho biết: “Có những vụ ly hôn đầy nước mắt khiến những người xét xử như chúng tôi không khỏi đau lòng. Còn chung sống thì rất thương nhau, nhưng khi ra tòa họ nặng nhẹ với nhau không tiếc lời. Trong các vụ ly hôn mà chúng tôi xét xử, 80% trường hợp đàn ông không chịu chi phụ cấp nuôi con”.

Vừa bế con ngồi nép bên bậu cửa, giọng người phụ nữ kia đều đều: “Ảnh nói với em chị bị ung thư giai đoạn cuối. Vì cái nghĩa với chị mà ảnh không thể bỏ mặc chị trong những ngày cuối đời, kêu mẹ con em ráng đợi...”.

Tai chị H. ù đi. Tấm hình chụp chung với anh phóng lớn treo ngay giữa nhà vẫn còn đó, nụ cười của anh vẫn còn đó, tươi rói, ấm áp mà như cắt vào lòng chị. Nói đâu xa, cũng chính khuôn miệng hay cười đó đã vỗ về chị rằng: “Cô ấy bị đau thần kinh tọa nặng lắm, không sống được bao lâu nữa đâu, vì tội nghiệp nên anh mới giúp cô ấy vào thành phố chữa bệnh thôi. Anh với cô ấy chỉ là qua đường, rủi thay mới có đứa nhỏ”. Tin chồng, chị lập tức gom góp tiền trong nhà đi mua bảo hiểm an sinh cho đứa con riêng của chồng. Trong đầu chị đã nghĩ đến một ngày lỡ mẹ đứa bé mất đi, vợ chồng chị sẽ là người cưu mang nó.

“Ung thư giai đoạn cuối và đau thần kinh tọa, bệnh nào chết sớm hơn” - chị chua chát tự tìm câu trả lời, không còn nghe, không còn thấy gì xung quanh mình nữa. Hai đứa con trai của chị đã đi học về. Anh cũng vừa về. Đứng trước ba đứa trẻ, anh đưa hai tay về hướng đứa bé nhất - vẫn đang ở trong lòng người phụ nữ kia. Kịch đã hạ màn.

Chị có cảm giác đôi cánh của mình quá hẹp, không đủ sức che chở hạnh phúc, nâng niu tổ ấm cho các con mình. Từ ngày biết anh có “phòng nhì”, trừ khi có chuyện gì cần kíp lắm, bình thường vào những ngày được mặc định là anh sẽ về với người kia, chị không bao giờ gọi điện, nhắn tin sau 17g. Cách đây mấy hôm con trai bị bệnh, chị đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc 1g sáng.

Một mình trong bệnh viện với nỗi sợ mất con, chị hoảng loạn gọi điện cho chồng. Điện thoại đổ chuông nhưng không ai nghe máy. 9g hôm sau anh mới gọi lại, giọng ráo hoảnh, hỏi thăm đêm qua có chuyện gì mà gọi khuya dữ vậy. Lúc này lòng chị cũng đã ráo hoảnh.

Chị đã có quyết định cho riêng mình: thà mãi mãi phải một mình: một mình ngồi trong bệnh viện trong đêm chăm con, một mình đón con, một mình nuôi con còn hơn phải chờ đợi, bấu víu vào một niềm hi vọng đã mãi mãi vụt tắt. Họ chính thức chia tay nhau. Chị nuôi hai con trai, còn anh chấp nhận rời bỏ gia đình đi xây tổ mới.

Hạnh phúc mong manh

Khi hội đồng xét xử vào nghị án, chị lén lút nhìn anh nhiều lần rồi cất lời với giọng thút thít: “Anh cho tôi về, tôi thay đổi. Tôi sắp đi làm, bà ngoại già yếu, ai trông con, con còn nhỏ quá, lớn lên không có cha phải làm sao?”. Anh gạt phắt: “Cô hứa nhiều rồi, suốt đời cũng vậy thôi. Đừng đem con ra uy hiếp tôi”. Chị khóc to hơn, nói nghe câu được câu mất: “Sao anh biết tôi không thể thay đổi?”.

Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, tiếng khóc cộng tiếng quát vang cả phòng xử. Chừng không chịu được nữa anh bỏ đi, câu nói sau cùng rớt lại: “Đừng nói nhiều, tôi vẫn giữ nguyên quyết định, năm nay không ly dị được thì sang năm tôi đưa đơn lại”.

TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã bác yêu cầu xin ly hôn của anh N.H.S. với chị H.T.M.. Anh kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm ngày 14-9 anh trình bày: “Cổ ưa cáu gắt, nạt nộ. Con không ăn cũng chửi, không vừa lòng chồng cũng chửi, không có chuyện gì cũng thích chửi đổng. Nhà ba má thì sát bên cạnh. Tôi đi làm cả ngày, cổ ở nhà gây sự mắng chửi, đánh nhau cả với ba má”.

Chị ngồi bên cạnh khóc nấc, không nói được câu nào. Dù chị bảo ba má chồng quá đáng, chửi chị là đồ ăn bám, xúi chồng chị đâm đơn ly hôn, đánh chị bầm tím hết chân tay mình mẩy nhưng chị vẫn cương quyết muốn níu giữ gia đình. Hội đồng xét xử khuyên chị phải biết nhường nhịn, nếu muốn níu kéo gia đình thì phải thay đổi, kiếm việc làm, tránh ở nhà xô xát với gia đình chồng. Anh lạnh lùng bảo: “Tôi không chấp nhận, cô hứa sửa đổi bao nhiêu lần rồi vẫn chứng nào tật nấy”.

Cuối cùng, tòa phúc thẩm cũng không chấp nhận cho anh chị ly hôn vì mâu thuẫn của họ chưa đến nỗi trầm trọng và vì chị hứa sẽ thay đổi. Anh bước thật nhanh ra khỏi phòng xử, đi thẳng ra bãi giữ xe, không quên nhắc đi nhắc lại câu: “Tòa bác đơn này, tôi sẽ làm đơn khác!”. Chị lầm lũi theo sau nhưng không kịp, anh đã vọt xe đi mất hút. Chị thẫn thờ ra đón xe buýt về. Nhìn cảnh này không ai hình dung được họ từng có một gia đình hạnh phúc...

_____________________

Kỳ tới: Những vụ “bắt cóc”

MAI HƯƠNG - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên