01/08/2012 10:25 GMT+7

Những việc nên làm khi mới làm sếp

KHỔNG THU HÀ (Theo dailymuse & blog.penelopetrunk.com)
KHỔNG THU HÀ (Theo dailymuse & blog.penelopetrunk.com)

TTO - Được thăng chức đồng nghĩa bạn phải gánh trên vai nhiều trọng trách hơn và chịu nhiều áp lực hơn. Để thành công trên cương vị mới, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

cHQcuWH6.jpgPhóng to
Ảnh: apcdfoundation.org
TTO - Được thăng chức đồng nghĩa bạn phải gánh trên vai nhiều trọng trách hơn và chịu nhiều áp lực hơn. Để thành công trên cương vị mới, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

Trang bị kiến thức quản lý

Khi bạn được thăng chức, kiến thức chuyên môn chỉ là một phần trong công việc của bạn chứ không phải là tất cả. Để đảm nhiệm tốt vai trò mới, bạn cần có kỹ năng và kiến thức quản lý tốt để giám sát cấp dưới và hoàn thành tốt công việc được giao.

Bạn có thể tham gia những khóa học về quản lý, tham khảo qua sách, báo, Internet, học hỏi kỹ năng quản lý từ cấp trên và từ những nhà quản lý giỏi khác mà bạn biết.

Khi làm lãnh đạo, có thể bạn phải đối mặt với những tình huống khó khăn hoặc trớ trêu. Bạn cảm thấy bế tắc, không tự tin với quyết định của chính bản thân mình.

Trong trường hợp này, hãy chia sẻ vấn đề với một người từng trải hơn bạn. Kiến thức và quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu năm của họ sẽ giúp bạn đi đúng hướng hơn.

Một người bạn, một người thân hay một chuyên gia nhân sự đã từng làm ở vị trí của bạn hoặc cao hơn bạn nhưng có thâm niên trong nghề chính là người “tri kỷ” của bạn lúc này.

Khi chưa được thăng tiến, mục tiêu nghề nghiệp của bạn là hiệu quả công việc của cá nhân. Thế nhưng khi đã ngồi vào ghế quản lý, bạn phải biết cách khích lệ, động viên tinh thần làm việc cho nhân viên cấp dưới. Sự đồng lòng hiệp lực của họ chính là hiệu quả công việc của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi cung cách làm việc, đừng nên ôm đồm tất cả các công việc, dù đó là công việc rất dễ dàng với bạn. Thay vào đó, bạn hãy phân công công việc cho cấp dưới, và đừng bao giờ nghĩ rằng làm “đỡ” cho nhân viên bạn sẽ tranh thủ được sự yêu mến của họ, vì như vậy là bạn đang tự tạo cho họ thói quen ỷ lại, thiếu trách nhiệm với công việc.

Bạn sẽ thất bại nếu cứ tỏ ra là một người sếp độc đoán, chuyên chế và luôn tự cao tự đại. Bởi nếu không biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân viên cấp dưới, bạn đã vô tình tạo nên khoảng cách lớn với họ, từ đó dẫn dến những bất đồng trong công việc.

Nếu nhân viên không đề đạt bất cứ điều gì với bạn, bạn cần là người chủ động trò chuyện, chia sẻ và lắng nghe họ. Hãy hỏi nhân viên của mình rằng họ cảm nhận thế nào về công việc? Mức thù lao họ nhận được có xứng đáng không? Khó khăn trong công việc họ gặp phải là gì? Họ muốn kiến nghị gì để hoàn thành công việc tốt hơn?...

Ngoài ra, nếu chỉ biết hành xử theo kiểu lối mòn, khuôn mẫu mà không biết học hỏi và tiếp nhận ý kiến, tri thức của những người xung quanh, đồng nghiệp và cả nhân viên cấp dưới thì chính bạn đang thu hẹp tầm nhìn của mình. Những "điểm trừ" này sẽ biến bạn thành một vị sếp trì trệ, tụt hậu và khó lòng chinh phục được cấp dưới.

Muốn nhân viên cấp dưới thực thi nhiệm vụ bạn giao một cách có hiệu quả, trước hết bạn phải tỏ ra là người đi đầu gương mẫu. Với những nội quy trong công việc, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt, sẵn sàng nhận lỗi và tự phê bình mình trong công việc khi phạm sai lầm.

Che giấu, không thẳng thắn nhận khuyết điểm tức là bạn đang hạ thấp vị trí cũng như phẩm chất của mình trong mắt nhân viên, và lời nói của bạn sẽ không còn trọng lượng với họ.

Hãy chứng tỏ với cấp dưới của mình rằng bạn luôn là người nghiêm túc trong công việc, và bạn cũng như tất cả các nhân viên đều phải tuân thủ những nội quy công việc đã đặt ra trước đó mà không có bất cứ sự ưu tiên nào.

Thân thiện chính là “con đường ngắn nhất” để các nhân viên "cộng điểm" cho bạn. Gần gũi với đồng nghiệp xung quanh sẽ giúp bạn hiểu hơn về họ và về chính bạn. Từ đó bạn sẽ khắc phục được những điểm yếu của bản thân, phát huy những thế mạnh.

Sự sát cánh và gắn bó chặt chẽ của bạn với nhân viên cũng là động lực quan trọng để kích thích tinh thần làm việc, nâng cao hiệu quả làm việc. Vậy thì tại sao bạn không tìm cách kết bạn với những nhân viên cấp dưới?

Làm sếp cũng giống như người “cầm cân nảy mực”, bạn phải luôn phân xử rõ ràng mọi vấn đề. Bạn cần sẵn sàng kỷ luật, khiển trách những nhân viên mắc sai lầm và cũng đừng chần chừ khen thưởng, đãi ngộ với những nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hay có thành tích xuất sắc trong công việc.

Hãy tỏ ra là người chí công vô tư, không nên đặt tình cảm riêng tư cá nhân vào trong công việc, nó sẽ khiến bạn khó xử và đưa ra những quyết định không khách quan. Bạn có quyền kết thân hoặc yêu mến bất cứ đồng nghiệp nào ngoài đời, đó là tự do cá nhân, nhưng trong công việc hãy chắc chắn rằng tình cảm bạn dành mọi nhân viên đều công bằng như nhau.

KHỔNG THU HÀ (Theo dailymuse & blog.penelopetrunk.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên