06/08/2017 09:27 GMT+7

Under the Shadow và The Salesman.: Những vết đứt không lành

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Mùa hè năm ngoái, Kiarostami - nhà làm phim lớn người Iran - trút hơi thở cuối cùng. Nhưng những giọng nói của xứ sở Ba Tư một thời không vì thế mà tắt mất.

Cảnh trong phim The Salesman - Ảnh: Wigwam Films
Cảnh trong phim The Salesman - Ảnh: Wigwam Films

Những vết đứt gãy giấu kín mà Kiarostami kể trong Ten vẫn vọng lại trong hai bộ phim tiêu biểu mới của Iran: Under the ShadowThe Salesman.

Vẫn là những vết đứt gãy sâu hoắm bị bỏ lơ giữa một xã hội Iran chưa bao giờ thôi rạn vỡ.

Những vết đứt gãy ngày ngày người ta thản nhiên bước qua, không hề ngoái lại, nhưng trong hai bộ phim này những vết đứt gãy không còn ở dưới dạng ẩn dụ, mà được tạo tác thành những “sinh thể” hiện hữu có hình thù, thậm chí có mạch sống riêng của nó.

Những bóng ma bò ra từ vết nứt

Shideh ngẩng lên nhìn trần nhà phòng khách: vết nứt toác ngoằn ngoèo như một con nhền nhện vươn ra những chiếc chân đen dài gớm ghiếc.

Vết nứt có ở đó sau vụ tấn công của Iraq vào thành phố Tehran, quả tên lửa khổng lồ chọc thủng tòa nhà nơi Shideh sống. Cô và con gái thuộc về số ít cư dân còn bám trụ lại thành phố chết chóc này.

Năm 1980, Saddam Hussein cùng quân đội Iraq tiến vào Iran với hi vọng sẽ là một “cuộc chiến thần tốc”, nhưng cuối cùng lại trở thành một trong những cuộc chiến kéo dài nhất thế kỷ 20, cướp đi sinh mạng hơn 1 triệu người.

Under the Shadow mở miệng những vết thương rớm máu của Tehran, nơi “những cuộc đời bị đẩy vào bóng tối với nỗi sợ hãi sinh sôi nảy nở”.

Một đêm nọ khi đang say giấc, Shideh choàng tỉnh và thấy một bóng người không rõ mặt thập thò nơi góc cửa, cô chuồi khỏi giường đuổi theo nó, nhưng chỉ kịp nhìn nó mất hút vào vết nứt trên trần phòng khách.

Vết nứt ấy không chỉ là dấu chứng của đạn bom, mà còn là cái nôi của những bóng ma lởn vởn trong thế giới một người đàn bà Hồi giáo: những giấc mơ nằm lăn lóc trong một cuốn sách vứt chỏng chơ trong gió, những luật lệ nghiêm khắc luôn trừng mắt đe dọa, không để họ chạy thật xa.

Đoạn giữa bộ phim, khi Shideh hoảng loạn ôm con chạy khỏi căn nhà nguyền rủa, cô bị toán cảnh sát bắt lại và suýt chút nữa bị bỏ tù vì tội ra đường mà không khoác chiếc khăn trùm chador. “Bộ dạng này là gì thế hả? Bộ đang ở Thụy Sĩ hay sao?” - viên cảnh sát quát nạt.

Djinn - ác quỷ trong Under the Shadow - được lấy nguyên mẫu từ hồn ma độc ác ở truyền thuyết xa xưa của người Ả Rập. Phần lớn người Hồi giáo tin rằng djinn hoặc có cánh, hoặc xuất hiện trong hình hài của rắn rết, cũng có khi ở hình dạng con người. Djinn của đạo diễn Babak Anvari thì khác.

Djinn của Babak Anvari là một chiếc khăn trùm chador. Một chiếc khăn trùm chador với hai màu đen trắng, rộng thùng thình, phần phật mở toang ra rồi trùm lên nhốt lấy những người phụ nữ.

Bên trong tấm chador: miền mê cung thì tăm tối, người đàn bà thì giãy giụa. Họ gào thét khản giọng tìm một lối thoát, nhưng không ai kéo họ ra.

Ai sẽ khâu vết nứt một cuộc hôn nhân?

Ngay từ cảnh mở đầu, The Salesman đã là một lời thách thức: một chiếc giường ngủ, bên trên có hai chiếc gối và đống chăn nhàu nhĩ. Phô bày hình ảnh giường ngủ của một cặp vợ chồng, một chuyện không tưởng đối với người Iran.

Một chốc nữa thôi, ở phía sau chiếc giường ngủ khác người ta thấy hàng loạt vết nứt toang hoác, loang lổ trên bức tường dán giấy in hoa như một dự báo tai họa cho những gì diễn ra kế tiếp.

Vợ chồng Emad và Rana chuyển tới căn hộ mới ở Tehran sau khi tòa nhà nơi họ sống bỗng nhiên sụp đổ. Căn hộ mới của Emad và Rana, nhưng là căn hộ cũ của một người đàn bà đàng điếm. Lần nọ khi Rana đang ở nhà một mình, cô bất ngờ bị một gã đàn ông lạ mặt tấn công.

Những vết nứt, vô số vết nứt xuất hiện trong The Salesman: vết nứt của căn hộ cũ, vết nứt nơi bao lơn căn hộ mới - những vết bong tróc, lở lói, xám xịt của một khu dân cư ngoại vi, nơi trú chân của những người lao động hoặc những ổ mại dâm và tất nhiên, vết nứt - vết thương trên đầu Rana, một vết thương đã được băng trong lớp gạc trắng nhưng vẫn ố màu máu và thuốc sát trùng.

Là những diễn viên không chuyên, Emad và Rana sống trong hai cuộc đời song hành: một là cuộc đời thực, hai là cuộc đời trong vở kịch Death of a Salesman - vở kịch kinh điển của Arthur Miller kể về một “giấc mơ Mỹ” đến hồi tan vỡ.

Hai cuộc đời - một thật, một ảo - không lẫn lộn nhưng nhập nhằng, không chập thành một nhưng lại soi chiếu lẫn nhau.

Vở kịch của Miller là câu chuyện về người chào hàng Willy chết chìm trong những ảo mộng cuộc đời, để rồi phút chót nhận ra ông chỉ là phế liệu bị thải bỏ của cái nhà máy nhẫn tâm mang tên tư bản.

Còn Emad, anh mải miết tìm cách lần ra hung thủ hại Rana để trút cơn tức giận, trong khi điều Rana thật sự cần chỉ là cô không muốn ở nhà một mình và anh hãy ở bên cô...

Vết thương trên đầu Rana sẽ sớm lành lại. Và Emad và Rana có thể sẽ tìm được một căn hộ mới không vết nứt. Nhưng làm sao khâu được những vết nứt của một cuộc hôn nhân?

Tầm thường, lặt vặt, cả Under the Shadow hay The Salesman đều kể lại những cuộc đời như thế, những cuộc đời quẩn quanh một căn nhà, xoong nồi, chăn đệm, những món đồ chơi, những vết nứt trên tường.

Nó nhắc người ta nhớ tới một bài thơ Iran đương đại: “Trong ngôi nhà đi mướn, em cởi áo khoác, treo lên chiếc móc bụi bặm, xỏ đôi dép lê, dừng lại và rồi ngồi lên chiếc ghế, nhắm đôi mắt mở, chẳng biết đang ngồi trong nhà của ai, viết một bài thơ về những món đồ tàn tạ”. 

Chỉ tiếc là chuyện đời Tehran chẳng đẹp như một bài thơ. 

Under the Shadow - phim dài đầu tay của Babak Anvari, ra mắt tại Liên hoan phim Sundance và được giới phê bình gọi là “viên ngọc ma quái tới từ Iran”. 

Trong khi đó, The Salesman giúp Asghar Farhadi lần thứ hai giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, điều mà 60 năm qua mới chỉ có ba người làm được: Federico Fellini, Ingmar Bergman và Vittorio de Sica. 

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên