Chủ nhật, ngày 26 tháng 6 năm 2022
Những 'vệ sĩ' của biển xanh
TTO - Yêu biển, mong muốn gìn giữ môi trường song song với khai thác hải sản, du lịch bền vững… là động lực giúp những ngư dân làng chài xưa thành những 'vệ sĩ' bảo vệ biển quê hương.

Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển phường Thọ Quang phát tờ rơi tuyên truyền cho tàu bè ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đó là câu chuyện về Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), hơn 12 năm qua đã tình nguyện làm "mắt thần" giữ biển.
Tâm huyết
Trời về chiều, từ khu dân cư ven biển Thọ Quang, đội xe máy với gần chục thành viên trong màu áo xanh dương hướng về phía bán đảo Sơn Trà. Họ chia thành từng tốp nhỏ, tiến gần đến những tàu thuyền neo đậu ven bờ, vẫy tay cười rồi chào hỏi và bắt đầu câu chuyện.
Lão ngư Nguyễn Dinh (67 tuổi) rút những tờ rơi có khoanh vùng rõ các điểm giới hạn đánh bắt hải sản với ký hiệu rõ ràng. Các vùng cấm khai thác có ký hiệu gạch chéo. Chăm chú lắng nghe lời ông Dinh, các ngư dân nhanh chóng hiểu quyền và nghĩa vụ trong khai thác hải sản thông qua hình ảnh trực quan.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (46 tuổi, ngư dân quê ở Nghệ An) cho biết ít có nơi nào anh đến mà gặp những nhóm người đi tuyên truyền, nhắc nhở về quy định đánh bắt tâm huyết như ở đây.
"Anh em đi biển nhiều khi chưa rõ địa hình, đặc thù hay quy định nơi mình đánh bắt. Cũng có nhiều người biết nhưng vẫn làm ngơ. Có mấy đội nhiệt tình nhắc nhở như vậy thì anh em cũng rõ hơn và ai cũng ý thức thực hiện" - anh Tuấn nói.
Không chỉ nhắc nhở ngư dân, tổ "tuần tra" đặc biệt này còn kiêm nhiệm vụ nhắc nhở du khách vui chơi, tham quan ở Sơn Trà.
Ông Dinh cho biết biển Sơn Trà rất đẹp, chính vì vẻ đẹp hoang sơ đó mà những năm trở lại đây khi du lịch phát triển, khách đến rất đông, tất nhiên phát sinh khó khăn trong việc quản lý các rạn san hô ven bờ trong khi chính quyền không thể túc trực để nhắc nhở du khách mãi được.
Sự xuất hiện của những "vệ sĩ" áo xanh ở các khu vực Bãi Bắc, Bãi Hục Lỡ - Vũng Đá, Bãi Nồm… khiến du khách ý thức hơn, nhắc nhở nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường biển và nguồn san hô quý ven bờ.
Giữ biển cho con cháu
Mấy ai có thể ngờ những tuyên truyền viên rành rọt về biển, về luật lệ ấy lại là những ngư dân. Nhưng ông Dinh bảo rằng cũng chính vì mình là ngư dân nên nói thì người ta dễ nghe, dễ cảm.
Gia đình ông Dinh vốn nhiều đời bám biển, bản thân ông cũng đã thôi nghề nhiều năm nhưng khi nghe tin Sở NN&PTNT phát động lập tổ bảo vệ nguồn lợi biển thì ông dốc ý kêu gọi bà con tự nguyện tham gia.
Không một đồng lương, phụ cấp, ông và hơn 20 thành viên từ 20 đến 80 tuổi, đa phần là những ngư dân nhiều năm bám biển mưu sinh, có cả những người làm nghề kinh doanh dịch vụ du lịch biển, vẫn từng ngày miệt mài công việc.
"Mình giữ biển cho mình, và cho thế hệ con cháu đời sau cũng được hưởng cái đẹp, cái giàu có của biển quê hương. Mong sao chúng tôi góp phần nào cùng cơ quan chức năng và người dân, du khách chung tay bảo vệ nguồn lợi của biển để biển ngàn đời nuôi dưỡng ta" - ông Trần Tin, một thành viên trong tổ, chia sẻ.
Không chỉ làm công tác tuyên truyền, Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn là "mắt thần" bắt trộm trên biển. Đã có hàng trăm vụ đánh bắt tận diệt, trộm san hô vùng lộng được phát hiện nhờ những "mắt thần" này. Ông Dinh nhớ lại, có hôm trời khuya lắm, ca trực của ông bắt gặp chiếc thuyền đánh bắt trong vùng cấm.
Anh em tiến lại nhắc nhở thì đối phương cự cãi. Ấy vậy mà sau một hồi nghe các thành viên nói chuyện, chủ thuyền cũng đã hiểu ra và vui vẻ chấp hành. "Làm sao cho họ phục và họ nhớ để không dùng luật, không phải xử phạt mà mọi thứ vẫn êm xuôi thì mới là như ý" - ông Dinh nói.
Từ mô hình Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở phường Thọ Quang, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) đã nhân rộng thêm ba tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các quận sát biển.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến nay các tổ đã phát hiện gần 300 vụ việc vi phạm khai thác thủy hải sản ven bờ.
-
TTO - Ngoài việc mong muốn trung ương nên đánh giá đúng để phân bổ nhân sự sao cho hợp lý, một số bạn đọc cũng đề nghị trong thời buổi kỹ thuật số này, TP.HCM cần mạnh dạn cải cách để giảm tải nhân lực.
-
TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, sáng 26-6, Công an TP.HCM đã mời ông Đặng Anh Quân lên làm việc. Trước đó, ông Quân từng tham gia nhiều buổi livestream với bà Nguyễn Phương Hằng.
-
TTO - Xung quanh những phiền hà trong việc cấp căn cước công dân gắn chip, nhiều bạn đọc tiếp tục hiến kế, đưa ra giải pháp nhằm giúp tránh tình trạng quá tải như hiện nay. Trong đó, có bạn đọc đề xuất phối hợp với lực lượng Đoàn thanh niên.
-
TTO - Các cuộc biểu tình tiếp diễn tại nước Mỹ ngày 25-6, giờ địa phương, để phản đối phán quyết của Tòa án tối cao về quyền phá thai. Tổng thống Joe Biden cho biết "tôn trọng" tòa án nhưng sẽ tìm "giải pháp" khác.
-
TTO - TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng biên chế được trung ương giao, trong đó có 3.601 công chức và 2.104 viên chức. Nhưng đây thực sự có phải là con số dôi dư?
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận