Ông Kim Taek Soo luôn nhớ đến người đồng đội một thời bên kia biên giới. Ảnh: NY Times |
Không chỉ vậy, đội nữ bóng bàn Nam – Bắc Hàn thống nhất năm đó còn gây chấn động thế giới khi giành HCV đồng đội với 2 ngôi sao Hyun Jung Hwa và Li Bun Hui.
Những cuộc trò chuyện bí mật
Đó cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc nội chiến giai đoạn 1950-1953, các VĐV Hàn QUốc và Triều Tiên lại cùng khoác chung một màu áo. Những nhân vật lịch sử đó hiện giờ đang ở đâu? Người ta chỉ nắm được thông tin về các cựu VĐV Hàn Quốc – những người tiếp tục sự nghiệp thể thao thăng hoa của họ đối lập với các đồng đội một thời bên kia biên giới.
Trong hàng ngàn CĐV Hàn Quốc háo hức đón xem buổi lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018, Kim Taek Soo là một cái tên đặc biệt. Ông hiện là HLV tuyển bóng bàn nam Hàn Quốc và từng có một sự nghiệp lẫy lừng với 9 HCĐ thế giới. Nhưng Kim Taek Soo đặc biệt được nhớ đến nhiều ở giải năm 1991 khi tạo thành một cặp đôi ăn ý trong tuyển bóng bàn Nam – Bắc Hàn với VĐV người Triều Tiên Kim Kwok Chul.
Bà Hyun Jung Hwa và tấm hình người đồng đội cũ Li Bun Hui. Ảnh: NY TImes |
“Chúng tôi chỉ tập luyện cùng nhau 45 ngày trước giải. Nhưng chừng đó là đủ để chúng tôi lên trang nhất của mọi tờ báo. Khi đó, mọi người gọi hai người chúng tôi là bước đầu tiên của sự thống nhất”, ông Kim Taek Soo kể lại. Việc hai đội bóng bàn Hàn QUốc và Triều Tiên sát cánh ở giải năm 1991 thực sự là một sự kiện được chú ý hàng đầu khi đó Đặc biệt là khi vụ đánh bom khủng bố đe dọa Olympic Seoul 1988 (vào năm 1987) của Triều Tiên vẫn còn dư âm.
Ở Chiba 1991, hai đoàn VĐV Hàn Quốc và Triều Tiên ở cùng một khách sạn, chỉ khác tầng. Nhưng việc gặp gỡ ngoài giờ tập với các VĐV vẫn là cực khó. Kim Taek Soo cho biết, ông cùng người đồng đội bên kia biên giới Kim Kwok Chung đã nói chuyện với nhau rất nhiều, thi thoảng còn uống bia cùng nhau, nhưng tất cả đều diễn ra trong bí mật. Sau này, khi được hỏi về việc đã trao đổi những gì, ông Kim Taek Soo từ chối trả lời vì “không muốn khiến Kim Kwok Chul phải gặp phiền toái”.
Biến mất bí ẩn
Không giống như hai đồng nghiệp nam, Hyun Jung Hwa và Li Bun Hui không hề ngần ngại bày tỏ sự thân thiết trong suốt giải đấu năm 1991. Cũng chính hai cô đã lập nên kỳ tích khi hạ bệ đội bóng bàn nữ Trung Quốc – những người thống trị tuyệt đối làng banh nhựa thế giới khi đã giữ ngôi vô địch đồng đội suốt từ năm 1975 (8 giải đấu liên tục).
Đội bóng bàn nữ Nam – Bắc Hàn năm đó gồm 4 VĐV, với Hong Cha-Ok và Hyun Jung Hwa là người Hàn Quốc, còn Li Bun Hui và Yu Sun Bok đến từ Triều Tiên. Trong số này, Hyun và Li xuất sắc hơn cả và còn là một cặp đôi thân thiết trên sân đấu.
Trước giới truyền thông, Hyun không ngần ngại kể những câu chuyện của mình và Li cho giới truyền thông. “Cô ấy muốn tìm hiểu xem chúng tôi đã trở nên giàu có bằng cách nào và cách thức kiếm tiền của tôi, đặc biệt là những đồng tiền Mỹ. Tôi đã kể với Li về mọi chuyện và rồi chúng tôi trở thành bạn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về phương pháp tập luyện bóng bàn, về gia đình và tình yêu”, Hyun kể.
Những lá cờ đại diện cho Hàn Quốc - Triều Tiên hợp nhất ở Olympic Pyeongchang. Ảnh: NY Times |
Không chỉ vậy, Hyun còn giới thiệu với Li – người chỉ biết đến món cơm truyền thống của Triều Tiên về các loại thực phẩm mới ở Hàn Quốc như kim chi, cá, thịt, rong biển khô, ớt đỏ… Li còn nhận được một món quà đặc biệt từ Hyun – một cuộn băng cassette những bài nhạc tân tiến ở Hàn Quốc. Và rồi tình bạn của họ tiếp tục được duy trì? Thật khó trả lời cho câu hỏi đó bởi lẽ Hyun Jung Hwa, hay Kim Taek Soo gần như chẳng bao giờ gặp lại những người đồng đội bên kia biên giới của mình nữa.
Sau Giải vô địch bóng bàn thế giới 1991, Kim Kwok Chul hoàn toàn biến mất khỏi làng bóng bàn thế giới. Ngay cả Li Bun Hui – cô gái chỉ mới 23 tuổi năm đó cũng chỉ xuất hiện thêm một lần ở sân chơi thế giới – kỳ Olympic Barcelona 1992 một năm sau đó.
Li Bun Hui là một cái tên cực kỳ sáng giá của làng bóng bàn thế giới thời điểm đó khi cô giành HCB đơn nữ và HCĐ đôi nam nữ, bên cạnh kỳ tích HCV đồng đội ở Giải vô địch thế giới 1991. Ở Olmypic 1992, Li cũng giành HCĐ đơn nữ. Việc cô “mất tích” khỏi làng bóng bàn thế giới một cách khó hiểu tạo ra nhiều nuối tiếc.
Nhưng tiếc nuối hơn cả có lẽ là những đồng đội người Hàn Quốc ở giải năm 1991 của Li và Kim Kwok Chul. Ôn Kim Taek Soo cho biết suốt nhiều năm trời, ông đã dò hỏi tung tích của người đồng đội một thời nhưng đều không tìm được bất kỳ thông tin nào. “Tôi thực sự rất nhớ cô ấy, chúng tôi đã trở thành những người bạn một cách hoàn toàn tự nhiên”, Hyun nói.
Chiến tích giành HCV đồng đội nữ của các cô gái Hàn Quốc và Triều Tiên trở thành một kỳ tích tầm cỡ huyền thoại làng thể thao thế giới. Giới truyền thông có một hình ảnh quá tuyệt vời để ví von về “sức mạnh của sự thống nhất” khi các VĐV bóng bàn Hàn Quốc và Triều Tiên chứng tỏ thấy họ có thể chơi ăn ý đến thế nào, thậm chí là lật đổ tượng đài Trung Quốc.
Nhưng rồi tất cả mau chóng nhận ra, tình hữu nghị ở Chiba 1991 đã biến mất chỉ sau đó vài năm. Sự căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày một leo thang sau đó và thể thao rốt cuộc cũng chỉ là những hình ảnh mang tính giải trí.
Nhưng Kim Taek Soo khẳng định ông vẫn tin vào tinh thần hiệp nhất trong thể thao giữa các VĐV Hàn Quốc và Triều Tiên. Ở Olympic Pyeongchang 2018, những hình ảnh tương tự ở Chiba 1991 tái hiện khi đội khúc côn cầu của Hàn Quốc và Triều Tiên được sát nhập. Kim Taek Soo khẳng định, ông vui mừng nhưng không quá xúc động vì sự kiện này, đặc biệt là sau những gì ông đã trải qua.
“Không, không, tôi sẽ không chảy nước mắt vì điều này, nó không còn mang đến cảm xúc cho tôi. Đây là một thời điểm hoàn toàn khác ở Hàn Quốc. Liệu đội tuyển thống nhất này có mang đến kết quả gì khác hay không ư? Chỉ những chính trị gia mới có thể trả lời điều đó”, ông Kim Taek Soo trả lời khi được phỏng vấn ở Olympic Pyeongchang 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận