04/06/2005 00:53 GMT+7

Những tượng đài vô danh

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Thượng tá Hồ Trọng Bình đích thân cầm lái chiếc Uoat mang biển số Lào. Cũng như hầu hết các chiến sĩ trong đoàn quy tập, anh không mặc quân phục mà là một bộ đồ màu xanh công nhân, mũ tai bèo cùng màu trông chẳng khác gì thợ xây dựng. Đó là cách ngụy trang của những người lính.

cG4KmNUe.jpgPhóng to
Các chiến sĩ đang đào tìm hài cốt liệt sĩ trong núi rừng Khệt Phằn

Bọn phỉ có tài thánh cũng không phân biệt được bộ đội với công nhân, lính tráng với chỉ huy. Thoáng chốc chiếc Uoat rẽ qua khu vực Cánh Đồng Chum chạy giữa khoảng đồng mù bụi nhằm hướng rừng Phu Phả Xay, đi vào mũi Phu Cút...

Bốc mộ dưới tầm súng phỉ!

“Có những đợt hằng tuần luồn rừng lầm lũi nhưng phải về tay trắng vì không tìm được mộ” - thiếu tá Trần Thanh Nghị, mũi trưởng mũi Phu Cút, có nước da thâm tái màu sốt rét, nói. Kinh nghiệm của anh cho biết do cuộc chiến trước kia quá khốc liệt nên căn cứ những người lính tình nguyện thường ở nơi thâm sơn cùng cốc và chính nơi này lại diễn ra những trận chiến quyết tử, nên phần lớn những người nằm lại đều rất khó tìm, thậm chí có những lúc vô vọng!

Mặt khác, những vùng rừng hiểm trở không chỉ về vị trí địa lý mà còn là nơi tàn quân phỉ trà trộn để phục kích với dã tâm không cho lính quy tập vào lấy mộ. Vì vậy hành trình tìm mộ đồng đội ngày càng gian khó hơn.

Mỗi năm những người lính quy tập chỉ có bảy tháng để đi tìm mộ - đó là vào mùa khô (từ tháng mười một năm trước đến hết tháng năm năm sau). Vì thế đợt này không tìm được mộ thì phải đánh dấu để đợt kế tiếp quay trở lại tìm cho ra. Hành trang của các anh là tấm bản đồ khu vực, máy đo tọa độ, la bàn định hướng; danh sách các liệt sĩ do các đơn vị chiến đấu cũ trong Nam, ngoài Bắc và cả Lào cung cấp; súng tiểu liên AK, đạn, lương khô, biđông nước, cuốc, xẻng, tăng võng và nhang, vải... Tất cả khoảng 25kg nằm gọn trên vai đủ tác chiến hàng tuần lễ mỗi đợt vô rừng.

Phía trước mặt bao giờ cũng là rừng núi thâm u đèo dốc và những toán phỉ trá hình được trang bị súng bộ binh AK, AR15 với đủ loại lựu đạn, mìn chống tăng, mìn cao su tự tạo treo trên cây, gài giữa lối mòn.

Bom Loọng - một địa bàn cực kỳ hóc hiểm được lính quy tập nhắc đến với ký ức đầy máu lửa “trong chiến tranh hễ bộ đội ta tiến vào là có hy sinh”. Đây là nơi được bộ đội Phathet Lào, quân tình nguyện VN và phía đối phương là lính đánh thuê Thái Lan cùng cố vấn Mỹ (trước năm 1975) thừa nhận là một “Điện Biên Phủ” thu nhỏ trong lũng hẹp giữa bao quanh vô số dãy núi cao ngất ngưởng. Bây giờ Bom Loọng là một trong những “địa chỉ đỏ” của lính quy tập ngày đêm tiếp cận.

Kể chuyện về Bom Loọng, thiếu tá Nghị nhớ lại: “Giữa mùa khô năm nay được dân bản Vàng Tồng và Loong Khảo chỉ cho ba ngôi mộ, anh em liền tổ chức hành quân. 12 người đi bộ ròng rã ba ngày đường rồi đột ngột bí mật chuyển mũi sang hướng khác đề phòng phỉ gài bẫy dọc đường. Vào đến nơi thấy lô cốt, băng đạn, bao cát nằm la liệt.

Những trái mìn đen sì còn treo lủng lẳng trên hàng rào dây thép gai chạy vòng quanh khu đồi bạc phếch cỏ lau. Linh tính cho biết có điềm chẳng lành nên tôi triển khai cho anh em cẩn thận dò mìn để mở tuyến. Pằng! Pằng!... Bất ngờ phía bên kia đỉnh núi trước mặt bọn phỉ lia sang hai loạt đạn tiểu liên. Nghị hô: “Nằm xuống! Bên kia có địch”.

Anh trấn an ngay vì theo đường đạn, anh biết chúng bắn súng với ý đồ cảnh báo phía bên kia là địa bàn của chúng, không nên tiến xa hơn. Nghị chia 12 người thành ba tốp. Một tốp cảnh giới, hai tốp đi tìm mộ. Bốn ngày dò tìm, ba ngôi mộ lần lượt được phát hiện. Nghị lệnh tiếp cho anh em vừa cảnh giới vừa tranh thủ đào hầm để khi đang bốc mộ có thể đánh trả nếu phỉ đột nhập.

Sau hai giờ đào bới dưới tầm súng phỉ, cả ba ngôi mộ đã được cất bốc vào balô. Đây là ba trong tổng số 62 ngôi mộ được mũi Phu Cút quy tập trong mùa khô 2005. Nghị cho biết sở dĩ ba ngôi mộ này quy tập nhanh là do kinh nghiệm của bộ đội VN: khi có chiến sĩ hy sinh, không đưa ra được thì chôn lại cạnh gốc cây, tảng đá và hướng mộ thường quay mặt về phía đông - phía Tổ quốc, để sau này đồng đội dễ xác định.

Câu chuyện bản Na

Từ Phu Cút tôi sang mũi Khệt Phằn đóng chốt ở bản Pà Chay, huyện Mường Pẹt. Mũi chỉ có 14 lính nhưng đảm nhận công việc quy tập mộ toàn bộ khu rừng thuộc huyện Mường Pẹt, trong đó trọng điểm căng thẳng nhất là bản Na.

Bản Na ở cách xa địa điểm đóng chốt của mũi Khệt Phằn tới 22 giờ đi bộ. Là bản không có dân nhưng phỉ hoạt động suốt ngày đêm nên lính quy tập gọi là “bản nóng” hay “bản phỉ”. Thiếu tá Hoàng Ngọc Lân, đoàn phó đoàn quy tập kiêm mũi trưởng Khệt Phằn, kể cuộc đụng độ mới cách đây năm ngày của Giồng Lầu Già - cán bộ huyện đội Mường Pẹt - khi lọt vào ổ phục của bọn phỉ đói.

Hôm ấy Già đang từ rừng ra thì bị bốn tên phỉ vây lại trên điểm cao 1663. Chúng buộc Già phải quay về mua một số đèn pin, thuốc tây và muối. Nếu sai hẹn chúng sẽ huy động lực lượng xuống đốt cháy cả bản. Già tức tốc về báo cáo huyện đội rồi bàn kế hoạch cài bẫy. Lần thứ nhất Già mang đủ hàng vào cho phỉ. Vì tin nên lần hai phỉ yêu cầu mua tiếp giày, dép, gạo và hẹn phải trao hàng ở điểm cao 1473. Y hẹn Già vào, đang trao hàng thì một trung đội bộ đội Lào phục sẵn bắn chết bốn tên phỉ và làm bị thương hai tên khác.

Đầu năm 2003 được bạn báo tin khu vực phía tây bản Na có một trạm xá cũ của ta trên điểm cao 1472 có thể còn nhiều mộ liệt sĩ nằm lại, thiếu tá Lân dẫn mười anh em lên đường trong đêm. Đến mờ sáng vừa chạm đỉnh núi Nậm Ngừm. Sau mười phút nghỉ, mỗi người ăn một vắt xôi chấm muối, uống một ngụm nước rồi bắt đầu chinh phục đỉnh núi.

Vách núi gần như dựng đứng. Anh em dàn cự ly mỗi người cách nhau 1m, chân đạp đá phía dưới, tay bám đá phía trên để đu người lên qua từng vách đá. Do mưa phùn, tay Lân bám đá bị trượt, chân dẫm mạnh vào tảng đá phía dưới thì tảng đá bị lở. Rầm! Lân rơi theo tảng đá ở độ cao 7m. “Rất may tôi ở cuối đội hình và chiếc ba lô 25kg đệm ngay dưới lưng, nếu không thì...”.

- Vậy anh vượt đỉnh Nậm Ngừm bằng cách gì? - Tôi hỏi.

- Lính thả dây xuống, tôi lại bám đá, bám dây bò lên. Lên đến nơi quần áo rách tả tơi.

Qua được Nậm Ngừm, cỏ tranh ken dày, cao lút đầu người, không định được phương hướng và vị trí nghi có mộ nên phải đốt cỏ tranh. Khổ nỗi mới đầu mùa khô cỏ chưa kịp héo nên đốt mãi vẫn không cháy. Cả đoàn phải cắt rừng đi chui trong rừng cỏ, đi mãi, đi mãi vẫn không tìm ra mộ. Nhiều anh em đã đi qui tập hàng chục năm cho biết: các anh linh thiêng lắm, mình cứ khấn, các anh sẽ chỉ cho.

Anh em thắp nhang khấn: “Các anh ơi, chúng em từ bên nhà sang tìm đưa các anh về đây, các anh đã nằm quá lâu trong rừng nước bạn rồi, nếu có linh thiêng cho chúng em thấy được phần mộ để đưa các anh về…”. Sau lời khấn, chỉ một lúc lùng sục thì Sơn - một chiến sĩ trẻ, năng nổ của đoàn - reo lên từ cuối đám cháy: “Mộ đây rồi anh em ơi”.

Ai cũng đầm đìa nước mắt. Ngôi mộ đầu tiên mà Sơn phát hiện được là một ngôi mộ “tươi”, đào lên còn nguyên hình hài người lính trong bao nilông gói thật kín. Lân cho anh em đào rộng mộ rồi cùng nhau luồn tay phía dưới đưa toàn bộ khối nilông còn lùng nhùng lên. Khi vừa mở nilông ra ai cũng bàng hoàng vì người nằm trong đó như đang nằm ngủ, đầu quấn băng, chân nẹp bột.

Không còn cách gì hơn, Lân lại thắp nhang khấn tiếp: “Xin người chiến sĩ vô danh cho anh em được làm lễ hỏa thiêu, vì đường rừng về nước xa xôI, chúng em chỉ có thể mang hài cốt về mà không thể đưa cả thi hài…”. Ngọn lửa được nhóm lên, thi hài người lính tan biến rất nhanh chỉ còn lại bộ hài cốt trọn vẹn.

Từ ngôi mộ “tươi”, anh em phát hiện cả một nghĩa trang nằm theo hình bậc thang từ thấp lên cao, theo tầng 8 mộ, tầng 19 mộ, tầng 21 mộ, tầng 25 mộ… Ai cũng mừng vì rồi đây sẽ có nhiều đồng đội của mình được đưa về nước. Ba chuyến điều quân vào bản Na trong suốt mùa khô năm 2003 đến nay mũi Khệt Phằn đã phát hiện và qui tập đến 225 ngôi mộ.

Lân nói: “Theo sơ đồ bàn giao của các đơn vị, hiện bản Na còn 400 ngôi mộ nằm lẩn khuất trong rừng sâu. Đây là địa bàn rất khó phát hiện mộ vì bản Na là vùng chiến trường đặc biệt - cửa mở vào Loong Chẹng nên có nhiều đơn vị phối hợp tác chiến. Khổ nỗi hồ sơ chôn cất các liệt sĩ không đầy đủ. Có khi đơn vị này chôn cất xong rồi điều ra, đơn vị khác được điều đến có người hy sinh, chôn tiếp.

Cho nên mới xảy ra trường hợp có đợt danh sách chỉ báo 13 mộ nhưng lại tìm thấy 18 mộ. Nhưng thấy được mộ là mừng lắm rồi. Những chuyến đi không tìm ra mộ, cả đơn vị buồn rầu, không ai nói với ai một lời. “Các đồng chí ấy chưa được yên nghỉ, chưa được về với người thân thì chúng tôi nào có dám nghỉ ngơi!”. Các chiến sĩ trong đơn vị quy tập nói với tôi như thế trên đường hành quân vào bản Na.

Rừng Lào sừng sững những chóp núi cao, trong ánh hoàng hôn, tôi cảm nhận đó như là những tượng đài, mà đâu đó trong khắp miền rừng núi này đều thấp thoáng những tượng đài của hàng ngàn người lính vô danh đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế…

----------

* Kỳ cuối: Bay qua đỉnh Phy Phả Xây

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 1: Đêm Thượng Lào cuối mùa khô

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên