Khoảnh khắc xuất thần của nghệ sĩ Phương Anh trên sân khấu
Buồn đến nao lòng - đó là cảm xúc của nhiều khán giả khi xem Đoạn trường vinh hoa. Nhưng sau những tiếng sụt sùi, là tình yêu, là sự quý trọng của những con người mang trái tim nhỏ nhưng lại chứa đựng những giấc mơ lớn: gìn giữ bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Hướng đến phong cách điện ảnh trực tiếp, Đoạn trường vinh hoa dẫn khán giả đến với đoàn hát tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh - một trong những gánh hát hiếm hoi còn sót lại.
Ngày qua ngày, gánh hát rong ruổi những chuyến biểu diễn ở khắp các miếu cổ, đình làng, khu đất trống... tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Máu nghề tuồng cổ
Nhiều khán giả hẳn sẽ có cảm xúc vui, buồn, xót xa, xen lẫn suy tư khi xem bộ phim này.
Những nghệ sĩ trong đoàn đa phần trung niên nhưng phong cách diễn vẫn còn lanh lẹ và giọng ca khỏe. Ấn tượng nhất là nghệ sĩ Phương Anh - con gái của bà bầu Phương Ánh.
Dù đã U40 nhưng chị vẫn là đào chính trong đoàn. Thương làm sao, trên sân khấu, chị biến thành bà hoàng, công chúa với xiêm y diêm dúa, lộng lẫy thì trong hậu đài Phương Anh lại nằm vật ra thở, xức dầu đánh gió... để làm giảm đi cơn đau.
Trên giường bệnh thở oxy, run cầm cập... nhưng Phương Anh vẫn nhớ nghề, say mê xem tiết mục mình diễn qua chiếc điện thoại bé tẹo...
Sau ánh hào quang nghệ sĩ, là một cuộc đời nhiều nước mắt hơn niềm vui. "Khi bức màn buông danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường".
Người làm phim hòa nhập gánh tuồng
Đoạn trường vinh hoa là bộ phim với đề tài khá bình thường - chỉ là những câu chuyện đời thường của một gánh hát tuồng cổ ở miền Tây Nam Bộ - trong khi những dự án khác của VTV mang tầm vóc lớn lao.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết anh muốn tìm kiếm những điều đặc biệt trong những cái tưởng chừng như bình thường ấy.
"Thế nhưng bốn ngày đầu tiên khi bắt tay dự án, tôi đã không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ đến khi nhìn thấy những đứa trẻ say mê ngồi xem vở diễn đến cuối, tôi đã biết mình sẽ phải làm gì", đạo diễn nhớ lại.
Sau những cuộc họp êkip sản xuất, Lê Mỹ Cường quyết định thực hiện dự án một mình, cùng với đồng nghiệp còn rất trẻ bay cấp tốc từ Hà Nội vào - Thanh Nguyễn.
Khán giả hòa mình vào những câu chuyện trên sân khấu - Ảnh: ĐPCC
18 tháng thực hiện phim với hơn 100 giờ quay để cuối cùng gói trọn bộ phim trong 50 phút phim mang đậm chất điện ảnh lại rất đời, khiến người xem như đắm chìm vào số phận của những người nghệ sĩ rong ruổi theo đuổi ước mơ của mình...
Để tạo ra những thước phim ấn tượng ấy, những người làm phim đã từ chỗ xa lạ biến mình thành một thành viên của gánh hát, bắt được những khoảnh khắc đắt giá đưa vào phim.
Đạo diễn Mỹ Cường cho rằng: "Đó đúng là duyên, chúng tôi xuất hiện đúng thời điểm, có mặt trong những sự kiện quan trọng của gánh hát mà dù chúng tôi có hay không làm phim thì nó vẫn diễn ra".
Còn với Thanh Nguyễn, bộ phim tài liệu dài tập đầu tiên đã giúp anh "học hỏi được nhiều từ các cô chú trong đoàn hát. Chi phí, tiền bạc... những thứ liên quan vật chất dường như không có tác động đến niềm đam mê của họ.
Dù có 10 triệu, 5 triệu hay 500.000 đồng... vừa đủ tiền xăng xe họ vẫn đến diễn, điều này gợi lên suy nghĩ cần dung hòa những điều mình mong muốn để sống trọn vẹn với đam mê".
Lần đầu tiên phim của VTV đặc biệt ra rạp
Với mong muốn phim không chỉ phát sóng trên truyền hình, Đoạn trường vinh hoa đã rong ruổi tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ với 9 suất chiếu trước khi lên sóng. Các suất chiếu đều thu hút khán giả đến xem. Thậm chí khi chiếu ở Idecaf ngày 2-11, gần 100 khán giả đã phải ra về vì không còn chỗ.
Trước nhu cầu ấy, Đoạn trường vinh hoa đã được sự đồng hành của nhà phát hành BHD để phim ra rạp từ ngày 13-11 trong hai tuần với các suất chiếu giới hạn.
Đây là bộ phim đầu tiên của VTV đặc biệt được chiếu màn ảnh rộng. Toàn bộ lợi nhuận thu về từ phim sẽ được tặng cho cô Ba Phương Ánh cùng các thành viên trong đoàn tuồng cổ và thực hiện một số hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ môn nghệ thuật này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận