17/03/2013 08:03 GMT+7

Những tháng ngày trốn chạy

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Cuộc sống sau chiến tranh của Billy Kelly là những ngày như chạy trốn. Chạy trốn quá khứ? Chạy trốn nỗi mặc cảm? Ông cũng không thể hiểu được...

Billy Kelly và ước nguyện cuối

HPKlpaVR.jpg
Billy Kelly (bìa phải) có mặt ở Khu chứng tích Sơn Mỹ hôm 16-3 với 504 đóa hồng - Ảnh: Trà Giang

Rời cây súng, Kelly đi học luật ở hai trường nổi tiếng nhưng không bao giờ trở thành luật sư. Ông rẽ hướng làm nghề pha chế rượu (bartender) và sống cuộc sống về đêm ở các quán bar New York (Mỹ) trong gần 25 năm kể từ ngày rời VN.

Giống nhiều cựu binh khác, ông chưa bao giờ lập gia đình, có chăng chỉ là những mối quan hệ ngắn ngủi vài tháng. Ông thừa nhận luôn tự dựng một bức tường xung quanh bản thân và không muốn ai đến quá gần mình... Những người bạn đồng nghiệp trong quán rượu ông làm cũng thế. “Cả ba người làm bartender chỗ tôi làm đều là lính về từ VN. Chúng tôi thỉnh thoảng đùa với nhau vài câu về VN nhưng trong gần 25 năm trời không bao giờ nói chuyện với nhau về quá khứ bắn giết. Không bao giờ biết về gia đình, bạn gái hay cuộc sống của nhau”.

Mau mắn, hài hước, Kelly kiếm tiền dễ dàng ở New York phù hoa. Có những ngày chàng cựu binh kiếm cả ngàn đôla, và có những ngày cả ngàn đôla bay vèo trong các cuộc vui chơi. Kelly thú nhận mười năm đầu làm nghề là mười năm ông như uống rượu thay nước.

Kelly không giải thích được vì sao mình lại uống nhiều đến thế. Phải chăng vì dòng máu Ireland trong người? Vì căn bệnh rối loạn sau sang chấn PTSD mà sau này các bác sĩ phát hiện và ông phải uống thuốc nhiều chục năm nay? Vì những sám hối mà ông luôn muốn tránh phải đối mặt từ ký ức? Ông không tài nào trả lời được. Ông tự biện giải cho mình: “Bartender có lẽ là nghề thích hợp nhất vì tôi không thể hoạt động bình thường trong cuộc sống thực”.

Bỏ rượu từ năm 1987, Kelly khoe 27 năm qua ông không thèm đụng đến bất cứ thứ nước có cồn nào. Nhờ đó ông thay đổi cuộc đời mình tốt hơn.

Từ năm 1997 ông đều đều làm những chuyến đi về VN vài tháng mỗi năm, tìm đến giúp những ngôi làng ở đó. Tiền dành dụm được từ chơi chứng khoán và tiền trợ cấp từ chính phủ ông để dành làm từ thiện. Ông xăn tay áo phụ xây trường học cho trẻ con, cấp học bổng cho học sinh (ông khoe số tiền góp cho học bổng đến nay đã khoảng 20.000 USD và ông thường nhờ bạn bè tìm những học sinh để trao học bổng giùm). Năm 2007, khi đoàn nạn nhân da cam VN sang Mỹ, ông lại tháp tùng các nạn nhân trên chặng đường rong ruổi ở bờ Đông cũng như khi ra tòa...

Năm, bảy năm trở lại đây, Kelly sống tách biệt hoàn toàn trong ngôi nhà gỗ bên hồ ở Stockholm - một khu dân cư vắng người tại New Jersey. Ông hầu như sống khép kín, chỉ chìm đắm với gần 3.000 cuốn sách xếp kín căn nhà nhỏ của mình. Những lúc ông thấy vui vẻ nhất là những chuyến đi để lên tiếng chống chiến tranh tại Gaza, Pakistan, Ai Cập hay khi trở về VN.

Kelly không giải thích được lý do ông lẩn tránh xã hội xung quanh. Bản thân ông chỉ nhận thấy rằng quãng thời gian đó trùng với thời điểm ông tìm được khu nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Ngãi. Nhưng Kelly không phải là cựu binh đầu tiên lẩn tránh cuộc sống thực tại mà tôi từng gặp. Ở New York, có những cựu binh không bước chân ra khỏi nhà từ khi trở về từ VN. Có cựu binh khác lúc nào ngủ cũng phải bật tivi vì vẫn sợ “du kích” tấn công. Chuyện các cựu binh “ngậm súng vào miệng” để ra đi cho khỏi ray rứt chẳng phải chuyện hiếm.

Tổng kết lại cuộc chiến, Kelly ngậm ngùi: “Tôi là một phần của cỗ máy chiến tranh đó, thứ quái thú khổng lồ phá hủy tất cả những gì trên con đường nó đi qua. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi nghĩ rằng sự có mặt của chúng tôi ở VN có gọi tử tế thì cũng là sự lạm dụng quyền lực, còn tệ hại thì chính là sự thảm sát”.

Thật lạ, một đời hoang dại, một thời cầm súng trên chiến trường, vậy mà giờ đây Kelly khẳng định ông tin về một thế giới sau cuộc sống. Ước muốn của ông là được rắc tro xác của mình gần khu nghĩa trang kia với hi vọng được làm bạn với những người một thời bên kia chiến tuyến của mình.

“Tôi muốn chôn cất vậy, không hiểu Chính phủ VN có đồng ý không?” - ông hỏi tôi, như thể tôi là người có thể giúp ông thực hiện được mong ước cuối đời này.

Cầu siêu ở Sơn Mỹ

Sáng 16-3, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM đã phối hợp với ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) khai mạc cuộc trưng bày ảnh, panô về tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ tại VN. Nhiều đoàn du khách nước ngoài đã đến xem.

Tối 15-3, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã tổ chức lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ. Lễ cầu siêu cho vong linh 504 người dân bị thảm sát được tiến hành trang nghiêm. Những điệu bài chòi ai oán về nỗi đau của người dân trong vụ thảm sát đã được cất lên, những ngọn nến lung linh trong khuôn viên di tích, những hoa đăng được thả trên dòng mương để tưởng nhớ những người đã khuất.

Như thường lệ, cựu binh Mỹ Mike Boehm (đại diện Tổ chức Madison Quakers) lại cất lên tiếng vĩ cầm dưới chân tượng đài chứng tích với mong muốn xoa dịu nỗi đau của những thường dân vô tội. Kết thúc lễ tưởng niệm, theo lời bài hát, 504 bong bóng và chim bồ câu được thả lên trời cầu nguyện cho thế giới được hòa bình.

TRÀ GIANG

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên