07/05/2018 14:48 GMT+7

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Phân biệt, kỳ thị đẳng cấp là vấn nạn nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Hàng triệu người thuộc giai tầng Dalit (nằm ngoài hệ thống Varna của Hindu giáo) thường xuyên chịu đựng sự hành hạ và thậm chí là bị giết.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Sagar Shejwal - một nạn nhân của nạn phân biệt đẳng cấp tại Ấn Độ - Ảnh: Sudharak Olwe

Một cuộc triển lãm ảnh tư liệu về giai cấp Dalit vừa được tổ chức tại thành phố Mumbai (Ấn Độ). Nhà nhiếp ảnh Sudharak Olwe đã ghi lại những định kiến lạc hậu của xã hội Ấn Độ đối với hàng triệu người vốn được xem là "đẳng cấp thứ 5".

Nếu như đẳng cấp thứ 4 của hệ thống đẳng cấp Vanar là Sudra được sinh ra từ chân của thần Brahma nên họ bị khinh bỉ coi rẻ và chịu nhiều sự đau khổ thì những người thuộc tầng lớp Dalit còn thiệt thòi hơn rất nhiều.

Trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục… họ đều là nạn nhân. Bất chấp Ấn Độ đã ban hành luật bảo vệ tầng lớp Dalit, hơn 40.000 tội ác chống lại họ được ghi nhận chỉ trong năm 2016.

Sau đây là một vài câu chuyện qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Sudharak Olwe.

Tìm thấy trên cánh đồng

Tháng 5-2015, anh Sagar Shejwal (24 tuổi), sinh viên ngành điều dưỡng, đến thị trấn Shirdi thuộc bang Maharashtra để dự đám cưới một người bạn.

Trong chuyến đi, Shejwal ghé vào một cửa hiệu bán rượu cùng 2 người anh em họ. Bỗng chiếc điện thoại anh rung lên, nhạc chuông là một bài hát ca tụng nhà lãnh đạo B. R. Ambedkar - một biểu tượng của đẳng cấp Dalit.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Mẹ (trái) và chị (phải) của Sagar Shejwal - ảnh: Sudharak Olwe

Một nhóm 8 người đàn ông đang ngồi nhậu bên ngoài cửa hiệu cảm thấy khó chịu. Họ bắt Shejwal phải đổi nhạc chuông. Trận khẩu chiến sau đó leo thang thành bạo lực. Nhóm đàn ông dùng chai lọ đánh Shejwal trước khi chở anh đi nơi khác trên một chiếc xe máy.

Cảnh sát phát hiện thi thể của chàng thanh niên vài giờ sau trên một cánh đồng. Pháp y kết luận nạn nhân bị nhiều vết thương gây ra do một chiếc xe máy cán qua người nhiều lần. Nhóm hung thủ được phép nộp bảo lãnh để tại ngoại.

Tìm thấy trong một mỏ đá

Manik Udage (25 tuổi) bị đánh đến chết bằng một thanh roi thép hồi năm 2014 vì anh tổ chức một sự kiện ăn mừng sinh nhật của vị danh nhân B. R. Ambedkar.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Anh trai và mẹ của Manik Udage - ảnh: Sudharak Olwe

Nơi tổ chức sự kiện là một khu phố ở thành phố Pune, nơi có nhiều gia đình thuộc đẳng cấp cao sinh sống. Họ yêu cầu anh dời địa điểm khác nhưng Udage từ chối. Theo lời kể của gia đình, 4 người đàn ông xuất hiện ở nhà họ lúc rạng sáng ngày 1-5 và đưa anh Udage đi.

Thi thể của anh được phát hiện trong một mỏ đá 2 ngày sau. Nhóm hung thủ hiện đã bị tống giam, tuy nhiên gia đình anh Udage cho biết họ vẫn cảm thấy bị đe dọa.

Treo cổ trên cây

Nitin Aage, chàng thanh niên 17 tuổi đến từ một ngôi làng tên Kharda, được phát hiện treo cổ trên một cái cây ngày 28-4-2014.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Cha mẹ của Nitin Aage - ảnh: Sudharak Olwe

Theo cảnh sát, người ta nhìn thấy Nitin nói chuyện với một cô gái thuộc một cộng đồng có địa vị cao hơn ở trường học. 3 người đàn ông, gồm anh trai cô gái đó, đã quấy rối Nitin trong một thời gian vì họ nghi cặp đôi có quan hệ tình cảm.

Cảnh sát cho biết nạn nhân bị đánh đập ở trường, rồi bị mang đến một ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình cô gái và bị siết cổ đến chết. 13 người đàn ông có liên quan đến vụ giết người được tha bổng hồi tháng 11-2017.

"Dàn cảnh tự tử"

Sanjay Danane (38 tuổi) được phát hiện treo cổ gần ngôi trường nơi ông làm việc hồi năm 2010. Cha mẹ Danane tố các đồng nghiệp thuộc đẳng cấp cao hơn đã giết ông vì mâu thuẫn trong công việc rồi dàn cảnh tự tử.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 5.

Cha của Sanjay Danane - ảnh: Sudharak Olwe

Cảnh sát bắt giữ tổng cộng 18 người, bao gồm giáo viên, ban giám hiệu và cả hiệu trưởng. Họ được cho phép tại ngoại cho đến nay.

Bị cắt mất nguồn nước

Cô bé 10 tuổi Rajashree Kamble qua đời do ngã khi đang đi lấy nước. Cha cô bé, ông Namdev, cho rằng con gái ông lẽ ra không gặp bất hạnh nếu khu dân cư Dalit của họ nhận được nguồn nước sinh hoạt.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 6.

Cha của Rajashree - ảnh: Sudharak Olwe

Tháng 2-2016, mọi giếng nước trong làng đều cạn kiệt do khô hạn. Hội đồng làng xoay sở cung cấp được nước cho các khu dân cư khác nhưng từ chối giúp nhóm người Dalit. Người cha đau khổ cố đi tìm công lý cho con gái nhưng ông không thể kiện trưởng làng và các vị chức sắc.

Bị đâm vì đào giếng

Ông Madhukar Ghadge (48 tuổi), bị giết bởi 12 người đàn ông đẳng cấp cao hơn vì tội... đào một cái giếng trên đất của mình. Đất của những người đó bao vây xung quanh đất của ông.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 7.

Con trai của ông Madhukar Ghadge - ảnh: Sudharak Olwe

Ông bị đâm bởi một hung khí "giống như giáo" khi đang đào giếng. Họ hàng nói ông đã qua đời khi họ đến được bệnh viện gần nhất. Gia đình ông Ghadge cho rằng người ta ganh ghét vì họ có giáo dục và tham gia hoạt động chính trị tại địa phương.

3 năm sau, một tòa án cấp thấp tha bổng tất cả 12 hung thủ vì thiếu bằng chứng. Đơn kháng nghị hiện đang bị treo ở tòa thượng thẩm Mumbai.

Bị chặt đầu và bị đốt

Vào cái ngày trước tuổi 19, 30-4-2009, Rohan Kakade không trở về nhà. Cha mẹ anh chạy đi tìm và phát hiện con trai vài giờ sau. Anh đã bị chặt đầu và bị thiêu.

Những tấm ảnh biết nói về nạn phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ - Ảnh 8.

Mẹ của Rohan - ảnh: Sudharak Olwe

Nhóm 5 hung thủ thuộc đẳng cấp cao hơn cho rằng anh Kakade quan hệ tình cảm với một trong nhữg chị em của họ. Nhưng cha mẹ anh nói hai người không yêu nhau, cô gái thỉnh thoảng có gọi cho anh nhưng họ là bạn bè.

Hơn 2 năm sau, đến lượt cha Kakade qua đời. Mẹ anh tiếp tục vác đơn đi tìm công lý nhưng tất cả tòa án đều tha bổng đám hung thủ.

Cộng đồng dậy sóng vì diễn viên gốc Á bị phân biệt đối xử Cộng đồng dậy sóng vì diễn viên gốc Á bị phân biệt đối xử

TTO - Vụ việc hai diễn viên gốc Á Daniel Dae Kim và Grace Park rút khỏi bộ phim Hawaii Five-0 mới đây lại làm dấy lên những tranh cãi xung quanh việc phân biệt chủng tộc ở Hollywood.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên