27/04/2018 15:59 GMT+7

Những 'sói biển' can trường

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Đội tàu đánh bắt xa bờ của những ngư dân vùng Lý Sơn (Quảng Ngãi) được mệnh danh là các “sói biển” bởi những chuyến lênh đênh trên biển hàng tháng trời, can đảm trước sóng gió và không từ bỏ biển trước những lần bị phá ngư cụ.

Những sói biển can trường - Ảnh 1.

Các đội tàu cá Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển đánh bắt dù cạnh đó là những tàu cá bằng sắt của Trung Quốc - Ảnh: T.L.

Buổi sáng ở cầu cảng Lý Sơn. Những chuyến tàu cá công suất lớn đang xếp thành dãy để đợi xuống cá. 

"Từ tết đến giờ biển êm nên tàu nào về cũng nhiều cá. Nếu mọi thứ cứ suôn sẻ, không bị phá ngư cụ thì bà con cũng kiếm ăn được" - ngư dân Trần Văn Lực, thuyền viên trên tàu cá QNg 96067, vừa xuống cá vừa ngước mặt nói.

Nghiệp đã "vận" vào người

Đứng ở cảng cá An Hải (huyện Lý Sơn), những tấm lưới mới được dỡ lên từ biển nằm phơi giữa nắng bốc mùi ngai ngái. 

Những chiếc tàu cá, sau chuyến biển trở về, đang neo mình chờ xuống cá trước khi nhập nhu yếu phẩm để ra lại biển.

Vùng biển Lý Sơn là một trong những nơi tiếp giáp gần nhất với ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Nhiều năm nay, liên tiếp các vụ tàu cá của ngư dân vùng này khi ra đánh bắt ở Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi. 

Không ít ngư dân sau những chuyến đi biển đã trở về trong cảnh trắng tay. Nhưng điều đáng nói là hầu như chưa một ngư dân nào bỏ nghề đi biển.

Nguồn cá ở ngư trường Hoàng Sa nhiều vô kể, vậy nên hễ gặp đúng luồng cá thì ngư dân cứ việc quây lưới... bất chấp tàu Trung Quốc vây, vờn. Nếu mình vì sợ mà bỏ biển thì coi như mình mất ngư trường

Ngư dân Bùi Nam

Ông Lực nói rằng nếu ai đã làm nghề biển rồi thì cái nghiệp ấy "vận" vào người, không cách nào dứt ra được. 

Dù nghề đi biển ngày càng đối diện với nhiều rủi ro nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật trên biển nên ngư dân càng đầu tư mạnh mẽ hơn cho những chuyến đi.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, ông Nguyễn Quốc Chinh, cũng đang là một ngư dân kiên trì với ngư trường truyền thống ấy. 

Mấy năm nay do sức khỏe nên ông lui về bờ, nhường chiếc tàu cá lại cho cậu con trai. Và tất nhiên Hoàng Sa vẫn là ngư trường mà con trai ông Chinh không thể bỏ.

Ông Chinh kể với ngư dân Lý Sơn, Hoàng Sa là một vựa cá mà từ tổ tiên cha ông họ đã đến lấy mang về. Từ sau năm 2000 đến nay, khi tình hình biển đảo có những diễn biến phức tạp thì việc ra khơi của ngư dân thêm phần khó khăn hơn. 

"Không biết ở đâu chứ với tụi tôi đi biển chuyến nào cũng gặp tàu Trung Quốc. Nhưng biển của mình thì mình cứ thả lưới, neo câu thôi" - ông Chinh nói.

Những sói biển can trường - Ảnh 3.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị rách mạn thuyền do tàu Trung Quốc đâm - Ảnh: TRẦN MAI

"Chưa một lần bỏ tàu"

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, huyện Lý Sơn có 107 tàu đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

 "Trước đây xã An Hải có 52 tàu nhưng tàu nhỏ đi xa không được nên ngư dân đồng loạt chuyển qua đầu tư tàu lớn. Thực sự nhiều ngư dân sau khi bị tàu Trung Quốc đập phá ngư cụ, nếu không vì yêu nghề, không vì biển là máu thịt thì nhiều người đã bỏ lưới lên bờ rồi" - ông Chinh nói giọng đầy trăn trở.

Trong đội hình tàu cá của An Hải khi trở về từ Hoàng Sa có con tàu trơ trụi chỉ còn khung gỗ, mạn thuyền thủng khắp nơi nhưng chủ tàu vẫn quyết tâm không bỏ biển. 

Những tấm lưới bị rách bươm được vá lại bằng sự bền bỉ, các lỗ thủng trên tàu được hàn lại... và tàu lại tiếp tục ra khơi.

Ngư dân Bùi Đại ở An Hải là một trong những trường hợp như vậy. Ông Đại nói rằng cho tới giờ tàu của ông không dưới 10 lần đối mặt với tàu Trung Quốc. 

"Đi biển quen rồi, không đi là bứt rứt lắm. Ra ngoài đó có anh em bạn bè, có sự hiện diện của tàu mình thấy trong lòng phấn chấn lắm" - ông Đại nói.

Cùng như ông Đại, tàu cá của ngư dân Dương Quang Sơn đã nhiều lần phải trở về trong cảnh đầy thương tích. 

Ông Chinh tâm sự mỗi lần chứng kiến tàu bà con mình trở về như thế, cả chính quyền lẫn biên phòng không kìm được lòng. 

"Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để bà con sửa lại tàu, nhưng khoản này chẳng thấm vào đâu. Bà con tự vay mượn rồi sửa tàu tiếp tục ra khơi chứ không ai bỏ biển" - ông Chinh nói.

Mới đây, khi đi theo tàu cảnh sát biển Vùng 2 vào Lý Sơn, chúng tôi tình cờ gặp lại Bùi Văn Phải - con "sói biển" nổi tiếng với hành động ôm lá cờ Tổ quốc khi bị tấn công trên vùng biển Hoàng Sa năm 2013. 

Đã năm năm kể từ ngày xảy ra vụ việc, giờ đây Phải đã đóng mới một con tàu lớn hơn con tàu trước nhiều, nhờ vốn vay từ nghiệp đoàn nghề cá. Có tàu lớn, Phải lại gọi bạn tàu tiếp tục dong cờ trực chỉ Hoàng Sa.

Dựa vào nhau để ra biển

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, trước những rủi ro trên biển, nhất là bị tàu nước ngoài tấn công, thời gian qua các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành với ngư dân.

Về phần mình, các nghiệp đoàn nghề cá cũng trở thành cầu nối, đưa ngư dân thành các tổ, các nhóm.

Các nhóm này ngoài việc hỗ trợ nhau về nghề còn tạo thành các mảng để cùng nhau ra biển.

Sự xuất hiện của đông đảo tàu cá trên một vùng biển sẽ tạo thành chuỗi, giúp bà con an tâm đánh bắt và giúp nhau khi gặp rủi ro trên biển.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên