Ngày 22-7 - ngày xét xử thứ 12 của phiên đại án "chuyến bay giải cứu", 54 bị cáo đã được nói lời sau cùng. Tòa nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào 14h ngày 28-7.
Lại lẩy Kiều trước tòa
Là 1 trong 21 người bị truy tố về tội nhận hối lộ nói lời sau cùng, trong gần 10 phút trình bày, ông Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhắc về 22 năm công tác, 5 năm là phó chủ tịch tỉnh, đã làm việc ngày đêm, cả lễ Tết, để giải quyết công việc cho dân.
Ông Tân lại mượn hai câu thơ "Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc / Ly trắng đào hồng tự nở hoa" để nói về gia đình mình và cho biết cha mẹ hai bên, vợ và con ông đã vượt qua được "những khó khăn thách thức rất lớn" do ông gây ra.
Đồng thời gửi lời xin lỗi sâu sắc đến vợ, cha mẹ hai bên gia đình, những người thân luôn quan tâm đến ông. "Điều tiếc nuối duy nhất là tôi đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của một vị đại diện doanh nghiệp. Tôi rất thấm thía hành vi phạm tội của mình", ông Tân nói và lẩy Kiều: "Trót đà gây việc chông gai / Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng".
Tiếp tục, cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói "tận đáy lòng mình", xin lỗi Đảng, Nhà nước, các công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lưu trú có thu phí tại Quảng Nam. Xin lỗi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, các sở ban ngành thuộc tỉnh...
"Trong những năm qua, tôi thiết nghĩ đại dịch đã cướp đi tính mạng sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng ở Việt Nam đại dịch này còn gây thêm một nỗi mất mát lớn nữa, đó là mất cán bộ và sẽ còn mất nhiều cán bộ nữa do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan của từng người. Đây là nỗi buồn rất sâu sắc, nỗi buồn đau nhân thế vô bờ bến duy nhất của tôi", bị cáo Tân giãi bày và cho hay "sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra với mình". Theo ông, "đó là sự trả nghiệp hoàn hảo".
Trong khi đó, cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng, 50 tuổi, cúi mặt xin lỗi Đảng, Nhà nước và đặc biệt là công dân thủ đô "khi sai phạm đã làm xấu hình ảnh một Hà Nội thanh lịch hào hoa".
"Những ngày vừa qua là những ngày đau khổ nhất trong cuộc đời bị cáo. Sau đây, tòa có tuyên án thấp với sai phạm của bị cáo nhưng từ nay đến hết cuộc đời là phán xét của lương tâm", ông Dũng giãi bày và cho biết rất đau xót, ăn năn, hối cải, mong hội đồng xét xử "mở lượng hải hà".
Được quyền nói lời sau cùng, bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cũng "rất ân hận, xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi những người dân đã đặt lòng tin vào bị cáo". "Bị cáo đi công tác bốn năm, sau dịch bệnh trở về lại vướng ngay vào vòng lao lý. Bị cáo hiểu sâu sắc lỗi lầm của mình. Tôi chỉ có một mong mỏi được trở về gặp mẹ. Tất nhiên là rất mong manh", cựu đại sứ phân trần và hứa sẽ chấp hành tốt nhất án phạt tù để sớm được trở về tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho gia đình.
Khóc nghẹn
Là người đầu tiên trong nhóm 23 bị cáo đưa hối lộ trình bày, bị cáo Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, phân trần rằng kể từ ngày khởi tố vụ án đến nay đã hơn 500 ngày, ngày nào ông cũng không thoát khỏi suy nghĩ hối hận, dằn vặt về các hành vi vi phạm. Ông "xin cúi đầu nhận tội".
Ông Sơn cho hay trong vụ án này doanh nghiệp của ông vừa là người vi phạm vừa là bị hại và là nạn nhân của cơ chế xin - cho, văn hóa phong bì, sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
"Tôi mong hội đồng xét xử có một bản án công tâm, mang tính nhân văn, giáo dục, răn đe hơn là một bản án trừng phạt, để tôi có thể quay về với gia đình, chăm sóc mẹ già 88 tuổi, đã trong cơn thập tử nhất sinh trước hai ngày bị cáo bị bắt", ông Sơn khóc, nói.
Còn bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, cho biết sau khi phát hiện lỗi lầm của mình, bà mong muốn được ra tự thú nhưng sau đó lại xảy ra vụ việc đáng tiếc (vụ chạy án - PV).
Kết quả cuối cùng bà đã giúp cơ quan điều tra mở rộng vụ án ở nhiều bộ, ban ngành và điều này đã được nhiều điều tra viên trong vụ án ghi nhận. "Cuối cùng, bị cáo xin giảm án cho anh Nguyễn Anh Tuấn (cựu phó giám đốc Công an Hà Nội). Bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý. Nếu được, bị cáo xin hội đồng xét xử cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh", bị cáo Hằng khóc nghẹn, nói.
Trước đó, trả lời xét hỏi, khai về mối quan hệ với bị cáo Hằng, ông Tuấn nói: "Coi Hằng như em gái, rất thương". Khi vụ án bị điều tra, Hằng tìm đến ông Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ giúp không bị xử lý hình sự.
Mẹ không ở nhà với các con nữa
Bị cáo Trần Thị Mai Xa, giám đốc Công ty cổ phần giáo dục và du lịch Masterlife, cho hay với bản lĩnh là người đứng đầu doanh nghiệp, bà chưa bao giờ có suy nghĩ tiêu cực. "Tuy nhiên, khi nghe viện kiểm sát đề nghị mức án, tôi mất đi toàn bộ năng lượng".
Bà Xa khóc và cho biết mấy hôm trước tâm sự với hai con nhỏ: "Có thể thời gian tới mẹ sẽ đi công tác dài, không còn ở nhà với con nữa".
Vì vậy các con của bà "rất hoảng hốt mỗi khi thấy mẹ ra khỏi nhà". "Bị cáo sai rồi, đưa cũng đã đưa, nhận cũng đã nhận, nhưng kết quả đạt được là hàng trăm ngàn đồng bào về nước an toàn", bà Xa nói và mong hội đồng xét xử "dùng trái tim mình nhìn nhận thấu đáo nhất", dù bất kỳ lý do gì thì doanh nghiệp đã đưa được người dân về nước an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận