25/09/2017 16:31 GMT+7

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Câu lạc bộ những nước sở hữu tàu sân bay có tới 13 thành viên nhưng có những nước rất ít khi được nhắc đến tên. Đó là những nước nào?

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 1.

So sánh kích thước của một số tàu sân bay các loại trên thế giới - Ảnh chụp màn hình

Nhà quan sát quân sự Andrei Kotz đã chỉ ra 5 tàu sân bay ít được người khác biết đến nhất trên trang Sputnik ngày 25-9. Tính đến tháng 9-2017, trên toàn thế giới có khoảng 41 tàu sân bay các loại còn hoạt động.

Việc định nghĩa như thế nào là một tàu sân bay vẫn còn có sự khác biệt giữa các nước. Ví dụ như Nhật Bản, để tránh những yêu cầu nghiêm ngặt của Hiến pháp hòa bình, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chỉ gọi các tàu sân bay trực thăng của nước này là tàu khu trục chở trực thăng.

Dựa trên đặc điểm hoạt động, có thể chia thành 2 loại cơ bản và phổ biến nhất hiện nay: tàu sân bay hỗ trợ phóng và hạ cánh cưỡng bức (cáp hãm đà, CATOBAR) và tàu sân bay dành cho máy bay cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). 

Tàu sân bay Chakri Naruebet (Thái Lan)

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 2.

Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan - Ảnh chụp màn hình Sputnik

Chakri Naruebet là tàu sân bay nhỏ nhất trong các tàu sân bay hiện đại còn hoạt động. Kỳ hạm của Hải quân Thái Lan dài 182m, lượng choán nước hơn 11.500 tấn, chỉ nhỉnh hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ một chút.

Boong tàu có thể triển khai trực thăng và máy bay STVOL. Tuy nhiên, sau khi các máy bay AV-8A Harrier có trong biên chế nghỉ hưu, Chakri Naruebet trở thành tàu sân bay trực thăng đúng nghĩa. Mặc dù vậy, con tàu trị giá hơn 336 triệu USD do Tây Ban Nha chế tạo thường bị chế giễu là "du thuyền hoàng gia" bởi các khoang dành riêng cho các thành viên hoàng tộc trên tàu.

Sao Paulo (Brazil)

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 3.

Quyết định mua tàu sân bay Sao Paulo của Brazil bị xem là màn phô diễn sức mạnh hơn là vì nhu cầu của quân đội - Ảnh: AP

Sao Paulo là tên của tàu sân bay duy nhất của Brazil, được hạ thủy năm 1960. Năm 2000, sau 40 năm phục vụ trong Hải quân Pháp, con tàu được bán lại cho Brazil với giá 30 triệu USD. 

Mang dáng dấp của một tàu sân bay hiện đại, song Sao Paulo chưa bao giờ có cơ hội trình diễn sức mạnh đúng nghĩa. Tàu được thiết kế để có thể mang theo 14 máy bay A-4 Skyhawk và trực thăng đổ bộ. 

Song sau khi được mua từ Pháp, những khó khăn từ quá trình hiện đại hóa đã khiến Sao Paulo nằm bờ. Tháng 2-2017, Hải quân Brazil tuyên bố tàu sân bay Sao Paulo sẽ bị loại biên vào năm 2018.

Với việc không có tàu khác thay thế, giấc mơ tàu sân bay của Hải quân Brazil coi như đã chấm dứt. 

Charles de Gaulle (Pháp)

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 4.

Charles de Gaulle là tàu sân bay loại CATOBAR đúng nghĩa - Ảnh: REUTERS

Tàu sân bay duy nhất của Pháp được đặt tên theo cố tổng thống Pháp, đại tướng Charles de Gaulle và được xem là "người em may mắn" của tàu sân bay Sao Paulo bán cho Brazil. Hạ thủy năm 1994, Charles de Gaulle là tàu sân bay hạt nhân duy nhất trên thế giới ngoài đội tàu của Mỹ.

Con tàu 42.000 tấn này có nhiều dịp thể hiện sức mạnh cơ bắp khi tham gia hỗ trợ chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya năm 2011. Năm 2015, sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, tàu Charles de Gaulle tiến hành không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đất Syria. Năm 2016, nó còn tham gia chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Iraq.

Ông Kotz đánh giá Charles de Gaulle là một trong những tàu sân bay có khả năng công thủ khá toàn diện.

Cavour (Ý)

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 5.

Tàu sân bay Cavour của Ý - Ảnh chụp màn hình Sputnik

Con tàu dài 244m, nặng 28.000 tấn được biên chế vào tháng 6-2009 này được thường được xem là tàu sân bay đổ bộ. Tàu Cavour có khả năng chuyên chở tới 24 xe tăng hoặc 50 xe bọc thép hạng nặng trong khoang.

Mặt boong được thiết kế để các loại tiêm kích cất cánh thẳng đứng như AV-8B Harrier II và thậm chí cả F-35 có thể hoạt động.

Tàu sân bay Cavour hầu như chưa tham gia tác chiến, phục vụ như một trung tâm chỉ huy di động và làm nhiệm vụ nhân đạo ở Haiti năm 2010.

Juan Carlos 1 (Tây Ban Nha)

Những quốc gia sở hữu tàu sân bay ít người biết - Ảnh 6.

Tàu sân bay Juan Carlos 1 của Tây Ban Nha có mặt boong thiết kế theo kiểu nhảy cầu - Ảnh: REUTERS

Juan Carlos 1 là tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Tây Ban Nha. Con tàu dài 230m, lượng choán nước 27.000 tấn. Xét về thiết kế, Juan Carlos 1 là sự kết hợp giữa tàu đổ bộ trực thăng và tàu sân bay cho máy bay cánh bằng cất cánh thẳng đứng.

Tàu được biên chế tiêm kích cất cánh thẳng đứng AV-8 Harrier II, có thể mang theo 46 xe tăng Leopard 2E hoặc 1.200 lính thủy đánh bộ.

Tàu Juan Carlos 1 có khá nhiều anh em trên thế giới như HMAS Canberra của Úc hoặc TCG Anadolu  của Thổ Nhĩ Kỳ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên