10/11/2012 08:32 GMT+7

Những phận người chông chênh

QUỲNH ANH
QUỲNH ANH

TT - Phòng xét xử. Hai bị cáo - hai anh em ruột - cúi mặt sau vành móng ngựa. Cha mẹ bị hại ngồi ôm di ảnh con trên hàng ghế thứ nhất. Hết nước mắt. Chỉ còn những ánh nhìn trống rỗng.

W0ReKqWv.jpgPhóng to

Trong đám đông, cha mẹ bị cáo ngồi co ro, nép bên họ là cô con dâu mới cưới hơn một năm. Cả ba người hình hài ai cũng mỏng lét. Và những đôi mắt trũng nước.

Theo cáo trạng, trong quán cà phê, Trần Văn Phúc và Phan Tiến D. (22 tuổi, cùng ở phường An Cựu, TP Huế) xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Bị D. đánh, Phúc bực tức về lấy dao đi đánh trả. Gặp anh ruột là Trần Văn Hữu đi xe máy về, Phúc nhờ anh chở đến nhà D. đồng thời kể việc mình bị D. đánh. Gặp D., Hữu dùng tay đánh vào mặt D. nhiều cái. Phúc xông vào gạt anh ra, rút dao đâm D. liên tiếp năm nhát khiến D. bị thương nặng dẫn đến tử vong. Ngày 27-9-2012, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa lưu động tại UBND phường An Cựu, TP Huế xét xử Phúc - Hữu về tội “giết người”.

Nỗi lòng chông chênh...

Phần thẩm vấn, Trần Văn Phúc (20 tuổi) và Trần Văn Hữu (27 tuổi) khai nhận hành vi phạm tội. Thẩm phán nhận định lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với các lời khai của người làm chứng, các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án. Trước khi tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo có thỉnh cầu gì, đại diện theo pháp luật của người bị hại có yêu cầu gì? Phúc tha thiết: “Xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh bị cáo”. Thẩm phán giải thích: “Theo quy định, bị cáo chỉ được phép thỉnh cầu cho bản thân mình, không có quyền xin cho người khác”. Phúc ngẩn người rồi im lặng. Hữu cũng im lặng.

Cha mẹ D. yêu cầu tòa xử Phúc và Hữu mỗi bị cáo 30 năm tù. Trong đôi mắt trũng sâu của cha mẹ Hữu, Phúc nước mắt chảy xuống làm mặt mày họ phờ phạc. Đến lúc tòa tuyên án phạt Hữu 11 năm tù, Phúc 19 năm tù, hai anh em bị dẫn đi, hai ông bà vừa gạt nước mắt vừa ôm giỏ đồ ăn lật đật chạy theo con, nửa chừng phải chạy ngược lại với con dâu đang khuỵu xuống trên hành lang phòng xét xử.

Buổi chiều sau phiên tòa, tôi tìm đến nhà các bị cáo. Ngôi nhà vốn tuềnh toàng, càng hiu hắt khi ngày sập tối. Giữa nhà, chiếc mâm chỏng chơ bát canh chỉ nước với rau và chén mắm dưa cà. Người cha lúi húi bưng nồi cơm từ bếp lên, cũng là lúc người mẹ vừa về, dựng chiếc xe đạp cũ kỹ cạnh tường nhà. Bà thở hổn hển: “Sáng ra phiên tòa, nhưng chiều tôi không thể bỏ buổi phụ thợ nề vì sợ đứt bữa”. Rồi bà kể: “Chồng lớn hơn tôi 13 tuổi, bị bệnh lao nên nhiều năm nay không làm được việc gì. Hai vợ chồng với ba đứa con (bà chỉ vào con gái út còn nhỏ đang ngồi chơi một mình nơi góc nhà) chủ yếu trông vào công việc phụ thợ nề của tôi. Mấy năm gần đây bệnh túi mật làm sức khỏe tôi suy kiệt thì may Hữu, Phúc đi làm có tiền phụ giúp gia đình. Hữu lấy vợ, có con. Nhà lại thêm hai miệng ăn, thu nhập ít, còn khổ lắm. Góp nhặt mới chắp vá được căn nhà như vầy. Hàng xóm thương người này cho bộ bàn ghế, người khác cho tiền làm cái nền... Phận nghèo đành chịu, nhưng gắng sống sao cho không phụ cái tình của mọi người. Không ngờ...Chông chênh quá!”.

Nay càng thêm chông chênh khi cả hai đứa con đi tù. Nhà thiếu cơm đói áo nên ban ngày vợ Hữu phải ẵm con nương nhờ mấy bữa cơm bên ngoại, tối lại về “bên này” cho cha mẹ chồng đỡ tủi. Người mẹ khổ sở: “Đám tang D., vợ chồng tôi nhờ bên công an nói một tiếng để xin qua thắp hương nhưng cha mẹ D. không cho. Day dứt lắm nhưng chẳng biết làm sao!”.

Đường chông chênh

Sáng 31-10, trời lúc mưa lúc tạnh. Trong căn nhà trống huơ trống hoác của mẹ ruột, vợ Hữu cùng hai bà mẹ - mẹ ruột và mẹ chồng - tỉ mẩn chia những món ăn và mấy thứ đồ dùng vào hai bao nilông lớn để đưa lên trại tạm giam gửi vào cho chồng và em chồng.

Để đến được trại tạm giam, vợ Hữu và mẹ chồng phải đi gần 10km, qua những vạt mồ mả hoang lạnh. Trời đang tạnh bất ngờ mưa ào xuống, vợ Hữu cuống quýt dừng xe, tròng vội chiếc áo mưa che cho hai mẹ con rồi tiếp tục lầm lũi chạy dưới trời mưa xám xịt. Mẹ chồng ngồi lặng lẽ phía sau, cố giữ chặt túi đồ. Những cơn gió lớn cuộn lên tứ phía trống trải, luồn vào áo mưa khiến chiếc xe chao qua chao lại, chông chênh trên đường gồ ghề những ổ gà ổ trâu trũng nước.

Không phải ngày thăm nên dãy bàn thăm nuôi được chia nửa bằng lớp kính dày vắng lặng, những chiếc điện thoại im lìm. Đặt hai bịch đồ xuống thềm ximăng, vợ Hữu vội vã đến ô cửa, nơi có người đứng phát phiếu kê khai các mặt hàng gửi vào, nhận hai tờ phiếu rồi ngồi thụp xuống, dùng băng ghế dài kê sát tường làm bàn hí hoáy viết. Đồ gửi vào gồm mì ăn liền, cơm, cá nục kho khô, bánh, kẹo, muối, mấy nải chuối, xà phòng giặt, kem và bót (*) đánh răng... Đồ ăn hay đồ dùng đều được gửi bằng nhau. Mẹ chồng cũng ngồi thụp bên cạnh, sau một lát phân vân tính toán, bà nói với con dâu: “Để mẹ mua thêm cho hai đứa hai gói kẹo”. Rồi bà cười méo mó: “Ở trong đó tụi hắn thèm, tội nghiệp. Nhưng nhà nghèo quá, cũng chỉ gửi được các món rẻ tiền nhất. Mỗi tháng trại cho gửi đồ ba lần, nhưng gia đình tôi cắt xén khoản này khoản kia, lâu lâu mới gửi cho anh em nó một lần”.

Thủ tục chuyển đồ đã xong, nhưng mẹ chồng và con dâu dùng dằng chưa muốn về. Hai phụ nữ gầy gò, càng nhỏ thó hơn giữa khoảng sân rộng trong mưa lạnh. Họ nuốt nước mắt lẫn nước mưa, ngóng vào khu nhà giam giữ sau những bức tường và cánh cổng im lìm.

Có thể những cú đánh, những nhát dao của Hữu, Phúc sẽ dừng lại nếu họ biết mình sẽ phải ở đằng đẵng trong tù. Nhưng tất cả đã quá muộn. Để gặp con, cha mẹ Phúc - Hữu phải mười mấy năm lặn lội đến trại giam. Còn đối với cha mẹ D., đường đến nghĩa địa càng chông chênh, sầu thảm hơn bởi rút cuộc chỉ có thể “gặp” một nấm mồ.

_______________

(*) bàn chải.

QUỲNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên