08/04/2015 08:22 GMT+7

​Những phận người bên cầu Long Biên

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Cách trung tâm thành phố chưa đến 2km nhưng cuộc sống của người dân ở làng nổi bên chân cầu Long Biên dường như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống sôi động, ồn ào ở thủ đô.

Gọi là làng nổi hay làng phao bởi 26 hộ dân nơi đây đều dựng bè sống trôi nổi ven sông Hồng.

Những ngôi nhà lụp xụp tại làng nổi bãi giữa sông Hồng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Dù nước sông lạnh buốt kèm theo mưa phùn nhưng bà Nguyễn Thị Thủy (76 tuổi) vẫn mò mẫm ven mé sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên để gom những mảnh ván, củi trôi dạt hay chai lọ có thể bán được.

Mặc ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi, chồng bà Thủy) đứng trên bè quát bà đi lên không thì cảm lạnh, bà Thủy vẫn cố lội dưới dòng nước cho đến khi đôi bàn tay tái buốt, không cử động được mới chịu trở vào ngồi bên bếp lửa.

Ai lại không muốn về quê, ai cũng muốn lên bờ chứ có ai muốn sống lênh đênh như thế này? Nhưng về quê làm gì? Không nhà cửa, không tiền bạc, mỗi lần về quê phải ở nhờ nhà anh em, họ hàng. Về quê còn thấy xấu hổ, còn mặc cảm hơn nên đành ở đây thế này
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG

Tảo tần khó nhọc

Nếu trời nắng ráo, bà Thủy chỉ cần kê hai viên đá, lắp hai thanh sắt trên bờ sông là đã có chỗ để đun nấu. Còn như trời rét hay mưa thì ông Thành đóng cọc phủ một tấm bạt lên trên để làm bếp. Củi ướt, nền đất ẩm cộng với gió lạnh, bà Thủy nhóm mãi nhưng bếp lửa không cháy. Đôi vai người già run lên bần bật. Mãi không nhóm được bếp, bà lập cập bỏ đi lên bè.

Hơn 40 năm trước, ông Thành và bà Thủy gặp nhau ở ga Long Biên. Cảm thương hoàn cảnh không quê hương, không người thân thích của nhau, ông bà nên duyên vợ chồng. Mấy chục năm ông bà sống lang thang khắp Hà Nội, cứ bị đuổi chỗ này lại dạt sang chỗ kia.

Từ năm 2011, ông bà dạt đến bãi giữa sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên này. Họ dựng một chiếc phao nổi trên mặt nước, che chắn bằng tấm bìa, gỗ để tránh mưa nắng. Hằng ngày bà đi nhặt rác, còn ông ai thuê gì làm nấy.

Nay ở tuổi gần 80, bà không còn sức đi nhặt rác, ông cũng không còn đủ sức đi làm thuê. Hằng ngày bà quanh quẩn quanh mé sông này lo cơm nước. Ông chuyển qua việc đi nhặt rác để kiếm cơm.

Từ cuối năm 2014, biết câu chuyện của ông bà, nhiều người tìm đến thăm. Mọi người kêu gọi nhau làm cho ông bà chiếc bè mới thay chiếc bè cũ đã sắp mục nát. Người cho tiền, người cho ván, người cho thùng phuy... lần lượt như vậy cũng đủ đóng chiếc bè.

Thiếu bao nhiêu ông bà đi nhặt vỏ bao bì, thanh gỗ rồi mang về đóng dần. Chúng tôi ngồi trên chiếc bè mới đóng chưa kín, gió từ dưới mặt sông Hồng thốc lên lạnh buốt. Nước lên làm chiếc bè lắc lư như muốn đổ nhưng bà Thủy thì phấn khởi lắm.

Bà luôn miệng: “May quá, được mọi người giúp cho chiếc bè, vậy là yên tâm sống hết đời rồi”. Cái lạnh dường như không thấm vào đâu so với cụ già ở độ tuổi 80 đã quen nắng gió này. Bà Thủy cười bảo: “Lạnh đã có củi, mưa đã có bè”.

Nỗi niềm làng nổi

Cũng như ông Thành bà Thủy, 26 hộ dân nơi đây đều dựng bè sống trên mặt nước ven sông Hồng. Mỗi cư dân của làng nổi là một mảnh đời khác nhau. Có người bỏ chồng hoặc bỏ vợ rồi phiêu dạt đến Hà Nội, có người vì làng quê nghèo quá phải bỏ đi kiếm ăn, có người vì chiến tranh loạn lạc...

Họ sống lang thang khắp nơi trước khi về trú ngụ tại làng nổi này. Họ bảo mình là những người “có quê để nhớ nhưng không có quê để về”. Năm 1989, khi ông Nguyễn Đăng Được và vợ là bà Kiều Thị Hoa bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống, họ dạt về bãi giữa sông Hồng này rồi lập nên làng nổi.

“Ngày ấy lau sậy, cỏ gai mọc đầy, đi đến đâu phải dùng dao phát đến đấy. Chúng tôi dựng lều ở đây rồi đi làm thuê cuốc mướn sống qua ngày. Mấy năm sau mới mua được chiếc bè để ở. Mới đó mà giờ đã 25 năm” - bà Hoa nói. 25 năm, có lúc dân ở làng nổi này lên đến 30 hộ nhưng rồi có gia đình có điều kiện đã chuyển lên phố ở.

Ông Được bà Hoa vẫn ở lại đây, là cư dân lâu nhất của làng nổi này. Ai thuê gì họ làm nấy. Ông Được đi bơm nước thuê, nhặt rác. Bà Hoa vừa đi nhặt rác, vừa giúp việc nhà. 25 năm họ vẫn sống trên chiếc bè nổi ven sông, giờ có thêm hai đứa con cũng đi làm thuê giống bố mẹ. Bà Hoa bảo từ ngày các con đi làm, miếng ăn của gia đình ông bà đã đỡ chật vật hơn.

Thật khó có thể tin cách trung tâm thủ đô chưa đầy 2km nhưng cuộc sống của gần 100 người dân nơi đây lại hoàn toàn cách biệt với thế giới ngoài kia: không nhà mái ngói, không đất đai, không điện, không trường học, không nghề nghiệp...

Cư dân của làng nổi sống chủ yếu bằng nghề đi nhặt rác và làm thuê. Trên bờ sông cạnh chiếc bè của mình, mỗi gia đình đều dựng một chiếc lều nhỏ khoảng 1m2 mà họ che chắn rất kỹ. Đó là nơi để đựng và tích trữ phế liệu, rác thải mà người dân nhặt được.

Khi chiếc lều đã đầy, họ sẽ mang lên phố bán để kiếm tiền đong gạo. Mấy chục năm qua, trẻ con nơi đây chưa ai học được lên cấp III. Bố mẹ là dân tứ xứ, trẻ sinh ra có em không được đăng ký khai sinh. Các em theo lớp học tình thương cho biết đọc biết viết rồi nghỉ học đi làm phụ bố mẹ.

Là xóm trưởng của xóm nổi, ông Nguyễn Đăng Được bảo nhiều lần ông đã về tận quê của các hộ dân rồi vận động bố mẹ làm giấy khai sinh để các em được đến trường. Dẫu vậy, cuộc sống khó khăn nên sự học của các em đều dang dở.

Bà Phạm Thị Lĩnh, một người dân sống lâu năm tại làng nổi bãi giữa sông Hồng, và cháu ngoại. Bà Lĩnh cho biết mình bắt đầu đóng bè xuống sông Hồng sinh sống từ cuối năm 2000 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Lời hẹn xa xăm

Dù mắt đã mờ, chân đã run nhưng hằng ngày bà Trần Thị Xuân (75 tuổi) đều chống gậy đi quanh bãi giữa sông Hồng xem có nhặt nhạnh được gì không. Đi qua chiếc cầu nối từ bờ sông xuống bè, bà phải bò vì nếu đi sẽ bị té ngã. Mỗi ngày, bà Xuân nhặt rác và bán được 10.000-15.000 đồng, có bữa về tay không.

27 năm trước, vợ chồng bà Xuân rủ nhau lên Hà Nội kiếm sống. Họ hẹn nhau ngày có điều kiện sẽ trở về quê. Lời hẹn 2 năm, 10 năm rồi đến nay đã 27 năm vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Ngồi bên bếp than hơ đôi bàn tay, bà Xuân nói: “Đói quá, đi nhặt rác không được nên ông tìm cách vẽ, dán con rồng, con phượng rồi lên phố bán cho trẻ em. Hôm trước lễ Giáng sinh đông người vậy mà cũng không bán được con nào. Thôi thì có nhiều ăn no, có ít ăn đói. Trời cho khỏe mạnh sống được ngày nào thì biết ơn ngày đó”.

Khi chúng tôi hỏi sao không trở về quê hoặc lên bờ sống để cuộc sống ổn định hơn, bà Nguyễn Thị Hồng, xóm phó của làng nổi, thở dài: “Ai lại không muốn về quê, ai cũng muốn lên bờ chứ có ai muốn sống lênh đênh như thế này? Nhưng về quê làm gì? Không nhà cửa, không tiền bạc, mỗi lần về quê phải ở nhờ nhà anh em, họ hàng. Về quê còn thấy xấu hổ, còn mặc cảm hơn nên đành ở đây thế này”.

Câu trả lời ấy của bà Hồng cũng giống câu trả lời của hàng chục người dân làng nổi mà chúng tôi đã gặp. Nhiều người lựa chọn nơi đây vì ở trên bè, họ đỡ được khoản tiền thuê nhà. Với những người dân mỗi đêm phải đi bộ cả chục cây số để nhặt rác kiếm tiền đong gạo thì số tiền thuê nhà mỗi tháng là cả một vấn đề lớn.

Buổi chiều, mấy chục chiếc bè theo nước sông Hồng dâng lên. Khi nước rút, nhiều chiếc bè mắc kẹt lại trên bờ. Trẻ con, người lớn lại cởi áo nhảy xuống mé sông để neo dây, dời cọc, đẩy chiếc bè xuống lòng sông.

Nước sông Hồng đục ngầu, lạnh buốt nhưng dường như họ đã quá quen với dòng nước này, với cái lạnh, cái rét nên không ai than thở gì. Họ lại còn tự bảo nhau rằng sống ở đây phải giữ gìn an ninh trật tự vì “có được một chỗ ở là quý lắm rồi!”.

Không có cơ chế để hỗ trợ dân

“Các hộ dân sinh sống ở bãi giữa sông Hồng chủ yếu là dân từ khắp nơi đổ về. Họ sống ở trên bè dưới lòng sông, không có đất đai, nhà cửa, không có hộ khẩu nên phường không quản lý.

Thỉnh thoảng phường có cùng một số cơ quan đơn vị đến thăm, tặng quà những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng khuyên người dân nên về quê hoặc lên bờ ổn định cuộc sống nhưng đa số họ đều không đi do không có điều kiện.

Mọi chế độ hỗ trợ người dân đều phải làm theo chính sách. Dân không có hộ khẩu ở phường, phường không quản lý, không có cơ chế nên không thể hỗ trợ dân được. Ví dụ không thể giúp họ vay vốn để làm ăn...” - ông Lê Đăng Lễ, phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội, cho biết.

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên