Laurence Rayer, kỹ sư IT người Úc, hào hứng với biển hiệu: Đừng để Táo quân mang rác lên chầu - Ảnh: NVCC
"Ông Táo không thích cưới (cưỡi) túi nilông, ông Táo chỉ thích cưới (cưỡi) cá chép thôi. Thỏa (thả) cá, đường (đừng) thỏa túi nilông"... Xem lại clip những anh Tây bập bẹ tiếng Việt để truyền thông điệp ngăn ngừa thải túi nilông xuống sông Hồng trong ngày tết truyền thống ông Công, ông Táo của CLB Keep Hanoi Clean (KHC) thật dễ thương làm sao.
14 tấn rác một lần dọn
Đó là con số giật mình, không chỉ với các anh Tây mà cả ta cũng phải hoảng hốt. Chúng ta đã làm gì với dòng sông trải cùng lịch sử nước Việt?
Nhưng đây mới chỉ hai ngày với 130 thành viên của CLB KHC tham gia và mới làm sạch được quanh khu vực chân cầu Long Biên trong dịp tết ông Táo 2017. Công ty Môi trường Hà Nội nhận rác đi tiêu hủy, cân đong hẳn hoi.
Phạm Bảo Minh Tâm, thành viên nhiều năm tham gia KHC, kể: "Nặng đến nỗi gãy cả cán cân nhà máy rác, thế là cả nhóm hô hào nhau bốc lên các xe tải đưa đi xử lý".
Cũng đã có nhiều CLB với các bạn trẻ tham gia truyền thông điệp ngừng xả rác, nhất là túi nilông xuống sông Hồng. Nhưng thực hiện một cách chuyên nghiệp và đông đảo thành viên nhất có lẽ ít nhóm đọ được với KHC của anh chàng người Mỹ James Joseph Kendall.
Người dân Hà Nội chắc hẳn không lạ hình ảnh "ông Tây nhặt rác" hay "ông Tây móc cống" mà chính họ đã đặt biệt danh cho James hồi anh mới một mình móc rác ở những con kênh hôi thối giữa lòng Hà Nội.
Bây giờ anh đã lập CLB, kêu gọi được cả ngàn thành viên tham gia với mục tiêu giữ cho Hà Nội sạch đẹp. Năm 2016, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tự tay gắn logo lên ngực áo cho James và CLB vinh dự nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội" mùa thứ 9.
James nói tiếng Việt khá sõi, giọng ấm áp: "Tôi muốn giữ vệ sinh sông Hồng được sạch sẽ, bởi vì con sông cho lượng nước rất lớn đối với Hà Nội, nước sạch quan trọng lắm!".
James lại vui vẻ kể việc dọn rác: "Bọn tôi đã làm nhiều năm rồi, có lẽ là ba hay bốn năm gì đó, không chỉ làm ngày lễ, cả ngày thường cũng đến các bãi xa hai bên sông để làm.
Ở các gầm cầu bọn tôi đã dọn nhiều lần, lượng rác giảm hẳn, những chỗ khó lấy rác, không có đường lên xuống tôi phải thuê thuyền để vớt. Một ngày được vài tiếng thôi vì giá thuê đắt. Tôi đang lên kế hoạch cho một chương trình sắp tới đi dọn những chỗ khó và xa hơn nữa của sông Hồng".
Ngày lễ lớn như ông Công, ông Táo, lượng rác thải nguy hại như túi, chai nhựa thường bị người dân tiện tay thả xuống sông cùng những chú cá vàng.
Hoặc thả cá xong vứt bừa bãi trên mặt cầu, bãi sông, cuối cùng thì gió lại cuốn xuống sông. James đã nghiên cứu rất kỹ phương án dọn rác trong ngày lễ này, anh huy động gần như toàn bộ thành viên có mặt ở Hà Nội, phân chia từng ngày, từng phần công việc, từng nhóm người làm...
Hành động thực sự mới mong thay đổi được ý thức người dân chứ quảng cáo chỉ là hình thức, nên hạn chế in nhiều băngrôn, biển hiệu, vì chính chúng sau đó cũng trở thành rác.
James Joseph Kendall
Dòng sông là nguồn sống
James đặc biệt chú trọng đến việc làm thế nào để tuyên truyền thay đổi được nhận thức của người dân. Đấy mới là mục tiêu lớn, hiệu quả của việc làm sạch môi trường.
Anh quay video ngộ nghĩnh, mời những người bạn ngoại quốc tập nói tiếng Việt phát đi thông điệp. Đồng thời in biển cầm tay, băngrôn có màu sắc, nội dung bắt mắt.
Tết ông Táo năm 2020 vừa qua thật đặc biệt. CLB KHC thu hút được nhiều thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ những hình ảnh, clip mà James lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều ngoại kiều sinh sống lâu năm tại Hà Nội, thậm chí họ chỉ đến du lịch một lần cũng nhiệt tình tham gia.
Laurence Rayer, một quản lý người Úc trong lĩnh vực IT, đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Anh chọn vị trí, nơi chuyển đường cho làn xe lên cầu, treo một tấm băngrôn phía sau, một tay cầm biển hiệu nhỏ, tay kia vẫy chào. Laurence nở nụ cười thân thiện, đứng nhiều giờ liên tục để truyền thông điệp.
Laurence tâm sự tham gia chương trình vì muốn giúp đỡ đất nước mến yêu này: "Tôi nghĩ điều quan trọng là nếu bạn muốn một quốc gia trao cho bạn thứ gì đó thì bạn phải trả lại thứ đó. Sông Hồng là một biểu tượng của quốc gia và rất quan trọng với Việt Nam, vì thế nếu sông được làm sạch thì sẽ trở thành điểm lý tưởng để thu hút du khách".
Sarah- Gabrino, người Philippines, là một giáo viên, anh đến Việt Nam thăm bạn và sau đó quyết định quay lại làm việc vì mến đất nước này.
Một lần xem chương trình tình nguyện do KHC tổ chức, anh đã thốt lên: "Đó là việc tốt và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải hành động, làm điều gì đó dù nhỏ để giữ cho Hà Nội sạch sẽ.
Tuy nhiên, Sarah- Gabrino cũng tâm sự anh thấy buồn vì có bao nhiêu là rác. "Vào ngày thứ ba, chúng tôi đi thuyền sang bên kia sông, có quá nhiều rác, và trong khi chúng tôi đang nhặt rác thì một số người vẫn tiếp tục thả rác từ trên cầu xuống.
Tôi rất đau lòng khi chứng kiến những gì dòng sông phải chịu đựng. Chúng ta phải bảo vệ dòng sông này và ngăn chặn người ta vứt rác ở đây".
Scott Mat, 26 tuổi, một họa sĩ đường phố người Mỹ, cũng tích cực tham gia dọn rác sông Hồng. Anh xắn quần quá đầu gối, lội xuống ven sông, thả cá, thả tro giúp người dân và anh giữ lại túi bóng.
"Tôi thấy mọi người thả cá cho tổ tiên nhưng thả cả túi nhựa xuống dòng sông, hành động không đẹp chút nào và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" - Scott chia sẻ.
Anh Douglas, thành viên CLB KHC, trực tiếp dùng tay dọn rác ô nhiễm - Ảnh: NVCC
Cười... xin rác
Trong ba ngày lễ Táo quân, James, đội trưởng KHC, đã phân chia, bố trí công việc một cách bài bản.
Ngày thứ nhất, chọn vị trí tuyên truyền và đặt biển hiệu, bao tải đựng rác; ngày thứ hai nhắc nhở, hướng dẫn mọi người bỏ rác vào nơi quy định, ngày thứ ba mệt nhất khi phải xuống dưới chân cầu thu gom rác đã "cố tình" bay xuống sông cùng cá chép.
Một thành quả mà tất cả thành viên KHC đều hết sức vui mừng là lượng rác thu gom chỉ còn 800kg, giảm nhiều so với những năm trước. Đồng thời giúp ngăn ngừa được khoảng 13.000 chiếc túi nilông không bị vứt xuống sông.
"Tôi đã cảm phục các anh Tây khi họ móc rác từ những tảng đá bằng tay trần. Tôi tham gia cùng KHC nhiều lần rồi, công việc dọn rác ở sông Hồng đã thay đổi cảm xúc của tôi, từ một người xấu hổ thành thấy tự hào khi nhặt rác.
Đặc biệt anh James đã dạy tôi hãy hành động vui vẻ, cử chỉ lời nói nhẹ nhàng, hãy dùng từ xin rác: chị thả cá xong cho em xin lại túi bóng nhé, thay vì dùng lời lẽ nặng nề yêu cầu họ phải bỏ rác vào thùng. Mình đã thực hành điều đó và mang lại hiệu quả bất ngờ" - Phạm Bảo Minh Tâm, một thành viên Việt Nam, chia sẻ.
Mivis De La Colina, người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ Cuba, đã tham gia nhiệt tình chương trình dù chỉ đến Việt Nam du lịch.
"Thật tuyệt khi gặp những người quan tâm đến môi trường, thật tuyệt khi có bao nhiêu người đưa ra lời đề nghị, hợp tác và hiểu thông điệp của họ, điều quan trọng là giáo dục mọi người.
Ngoài ra, thật thú vị khi tôi được trực tiếp tham gia vào truyền thống nghi thức cúng các vị thần. Hiểu được rằng truyền thống không bị mất đi mà vẫn được nối tiếp cho xã hội đương thời. Còn gì linh thiêng hơn khi nghi lễ đó thực hiện trong một môi trường trong lành không có rác".
Ở đầu đường Nguyễn Duy Hiệu (phố cổ Hội An) có ngôi nhà nhỏ với tấm biển hiệu xinh xắn: nail studio. Và một cặp vợ chồng Úc đã dành hết thời gian làm việc để kiếm tiền trợ giúp "tụi nhỏ".
Kỳ tới: Đến Hội An làm nail, xây trường cho trẻ nghèo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận