13/04/2019 10:26 GMT+7

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 6: 'Gạch nối' trên hành lang xuyên Á

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Nếu ví cây cầu như gạch nối đôi bờ sông, gạch nối đầu tiên trên bản đồ hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua 4 quốc gia chính là cầu Tiên Sơn ở Đà Nẵng.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 6: Gạch nối trên hành lang xuyên Á - Ảnh 1.

Cảng Đà Nẵng - nơi xuất phát điểm của hành lang kinh tế Đông - Tây - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cây cầu "kinh tế"

"Nhiều khi sự hào nhoáng, lung linh của những cây cầu trên sông Hàn dễ khiến người ta bỏ quên mất ý nghĩa, vai trò đích thực của nó" - ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, đã nhắc vậy khi nói về cầu Tiên Sơn.

Đến lúc này, cả 6 cây cầu trên sông Hàn đều "mỗi cầu một vẻ", tô điểm cho thành phố cuối sông đầu biển này.

Cầu Tiên Sơn trông tương tự những cây cầu khác trên cả nước, nhưng lại đóng vai trò quan trọng khi âm thầm mang gánh nặng vận tải hàng hóa cho thành phố và cùng lúc nhiều quốc gia.

Năm 1998, Hội nghị bộ trưởng tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 8 tổ chức tại Manila (Philippines) đã nêu ra sáng kiến về hành lang kinh tế Đông - Tây (East - West Economic Corridor).

Hành lang này dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Điểm đầu của tuyến đường xuyên Á này là cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng và điểm cuối là TP cảng Mawlamyine (Myanmar).

Để khai thông hành lang này cùng với việc đào hầm xuyên đèo Hải Vân, mở rộng cảng biển Tiên Sa, một hạng mục quan trọng được khởi công là bắc cầu lớn qua sông Hàn để những chuyến xe tải trọng nặng không hạn chế có thể "một ngày ăn cơm ba nước".

Năm 2002, cây cầu này được khởi công nối giao lộ Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương ở bờ đông với giao lộ 2 Tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh bên phía bờ tây.

Theo ông Trần Dân - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, cầu Tiên Sơn là cầu đầu tiên ở Khu 5 được thiết kế dùng loại dầm dự ứng lực Super-T chiều dài hơn 40m.

Đến cuối thế kỷ trước, công nghệ thi công dầm cầu ở nước ta chủ yếu học từ Liên Xô (cũ) với dầm nối nhịp có chiều dài tối đa khoảng 33m. Tuy nhiên, sau này khi học hỏi công nghệ tiên tiến từ một số nước trên thế giới, chiều dài dầm nối nhịp đã được gia tăng.

Chiều dài dầm nối nhịp tăng đồng nghĩa với trụ cầu bớt lại, giúp giảm chi phí thi công. "Trước khi thi công cầu Tiên Sơn, tại hai đầu đất nước người ta đã bắt đầu dùng công nghệ dầm dự ứng lực Super-T. Một số cầu nhỏ tại miền Trung cũng đã dùng công nghệ này, nhưng còn nhiều khuyết điểm nên chưa vươn tới chiều dài hơn 40m như thi công tại cầu Tiên Sơn" - ông Dân cho biết.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa lần đầu cán mốc hơn 8,6 triệu tấn. Không biết đã có bao nhiêu tấn hàng ngày đêm đi qua cầu Tiên Sơn vươn đi khắp mọi nẻo đường xuyên Á. Chỉ biết rằng đây là cây cầu duy nhất trên sông Hàn cho phép những chuyến xe container qua lại.

Và nếu xét về vai trò, 5 cây cầu ở cuối sông Hàn chủ yếu làm nhiệm vụ giao thông nội ô, giao thông du lịch thì cầu Tiên Sơn có thể nói là cây cầu "chuyên trị" vận tải hàng hóa.

Con số 6/7 khu công nghiệp, công nghệ tập trung đều nằm phía bờ tây sông cần những chuyến hàng qua cầu Tiên Sơn để đi tới cảng Tiên Sa cho thấy tầm quan trọng của cây cầu này.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 6: Gạch nối trên hành lang xuyên Á - Ảnh 2.

Bản đồ hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua bốn quốc gia bắt đầu từ Đà Nẵng - Đồ họa: T. Đạt

Cái tên phức tạp

Có một điều thú vị là từ thời điểm khánh thành ngày 19-2-2004 mãi đến năm 2010, cầu Tiên Sơn lại mang tên Tuyên Sơn. Trong cách gọi của người dân lẫn các văn bản hành chính, bao gồm nghị quyết HĐND TP, vẫn thường gọi cây cầu bắc qua sông Hàn nối quận Ngũ Hành Sơn với quận Hải Châu thời điểm đó là cầu Tuyên Sơn.

Bảng giới thiệu hai đầu cầu bằng các ngôn ngữ khác nhau cũng khắc tên cầu là Tuyên Sơn.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, tên gọi chính thức của công trình xây dựng cây cầu này là Dự án cầu Tuyên Sơn TP Đà Nẵng. "Trong các phát âm của người Quảng thì Tiên Sơn và Tuyên Sơn khó phân biệt do khẩu hình không chúm môi" - ông Tiếng giải thích.

Đến cuối năm 2010, HĐND TP Đà Nẵng mới ban hành một nghị quyết đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn và chính thức đặt lại tên cầu là Tiên Sơn. Nghị quyết này cũng đặt tên công trình nhà thi đấu thể thao do Nhà nước đầu tư có hình chiếc đĩa bay nằm bên cạnh cầu Tiên Sơn là Cung thể thao Tiên Sơn.

Trước đó, vào tháng 7-2010, HĐND TP Đà Nẵng cũng đặt tên Tiên Sơn cho 21 đường phố ở phường Hòa Cường Nam, từ Tiên Sơn 1 đến Tiên Sơn 21.

Ông Tiếng cho rằng điều khác biệt của cầu Tiên Sơn so với các cây cầu còn lại trên sông Hàn không những nằm ở tầm cỡ quốc gia và khu vực, mà còn độc đáo ở tên gọi cây cầu.

Đó là quá trình mà những người xứ Quảng hay cãi nhau để xem cách gọi nào - Tuyên Sơn hay Tiên Sơn - là đúng với ý tưởng của cha ông xưa khi đặt địa danh này.

"Có người nói ở dưới là Tiên Sa thì ở trên phải là Tiên Sơn mới đúng, nhưng lập luận này cũng không có căn cứ. Cá nhân tôi cho rằng nghị quyết HĐND khẳng định Tiên Sơn là đúng.

Nhưng mà cuộc tranh luận về chữ nghĩa thì chưa dừng, bởi đến khi chưa tìm được những chứng cứ quan trọng về văn bản học dạng chữ Hán gốc của địa danh này từ nguồn thư tịch cổ đáng tin cậy để có cơ sở chắc chắn là Tuyên hay Tiên thì những người Quảng vốn hay cãi chắc cũng chưa dừng tranh luận" - ông Tiếng nói.

cau da nang 1

Cầu Tiên Sơn, cây cầu vận tải hàng hóa chính qua sông Hàn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong số 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, cầu Tiên Sơn là cầu duy nhất được đầu tư xây dựng và quản lý bởi Bộ Giao thông vận tải. Cầu thuộc gói thầu số 5 của dự án mở rộng cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn 1 (1999-2004) trên hành lang kinh tế Đông - Tây, đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách.

Cầu dài hơn 500m với 4 làn xe và lối bộ hành, được khánh thành ngày 19-2-2004. Thời điểm ấy trên sông Hàn có cầu Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý (cũ), nhưng cả ba vốn tải trọng hạn chế nên khi đưa vào sử dụng, cầu Tiên Sơn mang ý nghĩa là cây cầu mở đường để Đà Nẵng hội nhập và vươn mình thành thủ phủ của miền Trung.

---

Kỳ tới: Giữ lại cây cầu ký ức

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 1: Khát vọng nối đôi bờ sông Hàn Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 1: Khát vọng nối đôi bờ sông Hàn

TTO - Hiếm có nơi nào mà sự hiện diện của những cây cầu ngoài ý nghĩa về giao thông lại mang những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt như tại Đà Nẵng.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên