![]() |
Bà Tô Lệ Thu (phải) và bà Xuân Lan thảo luận dự báo thời tiết trên đất liền, trên biển hằng ngày tại đài thông qua hệ thống camera kết nối với 18 tỉnh, thành miền Đông, miền Tây - Ảnh: Thanh Đạm |
Suốt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, không một lãnh đạo, chuyên viên, nhân viên nào của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ được phép vắng mặt. Lệnh trực 100% cũng được áp dụng cả đêm. Số liệu từ các trạm quan trắc dồn dập chuyển về qua email, fax và cả điện thoại trực tiếp.
Căng như dây đàn
![]() |
Chợ Cà Mau trong mưa bão (12-1997) -“Sau cơn bão Linda năm 1997, tôi về Kiên Giang, Cà Mau vẫn còn thấy tàu vỡ, nhà sập, thi thể ngổn ngang!” - bà Xuân Lan kể về cơn bão Linda hình thành bất thường, rồi tiến thẳng rất nhanh vào vùng bán đảo Cà Mau. Họ dự báo bão chính xác, nhưng người dân và một số cán bộ địa phương chủ quan, không có kinh nghiệm phòng chống bão nên hậu quả nặng nề - Ảnh: Võ An Khánh |
“Nghề dự báo khí tượng không có người số 1, số 2, mà là sự góp sức dây chuyền và trách nhiệm của cả tập thể…” - bà Xuân Lan tâm sự về nghề nghiệp. Chỉ lên những bảng dự báo thời tiết, những tấm bản đồ hình gió, mây to đùng treo đầy trên tường, bà Lan diễn giải: quá trình săn bão như việc tổ chức một cuộc chiến. Khi có bão hình thành tức là khi có dấu hiệu quân địch đang mon men áp sát, các trạm quan trắc sẽ là những người lính trinh sát đầu tiên ghi nhận, đo đạc thông tin.
Ngay sau đó, các số liệu này được chuyển về trung tâm phân tích, dự báo để có kế hoạch phòng chống. Thời điểm quan trắc cũng được qui định phối hợp cùng lúc với tất cả trạm quan trắc trên thế giới. Cả khu vực miền Nam có hơn 150 trạm quan trắc, rải rác từ giàn DK1-7, đảo Thổ Chu ngoài biển đến các miền duyên hải, núi cao, kể cả trong thành phố. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, số trạm quan trắc này vẫn khá mỏng, đặc biệt là trên biển. Những người săn bão phải khai thác thêm nhiều nguồn dự báo quốc tế.
Trong đợt trận “bão kép” Habigis và Mitag trong năm 2007, giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ Phạm Văn Đức từng triệu tập họp khẩn, yêu cầu tất cả cán bộ, chuyên gia săn bám từng phút đường đi của cơn bão. 11 người của Phòng dự báo khí tượng chia thành ba ca, “trực chiến” 24/24 giờ.
Bão ở trong lòng
![]() |
Kỹ sư Trương Thị Thủy - Phòng dự báo khí tượng - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - đang chấm, vẽ phân tích trên bản đồ dự báo khí tượng - Ảnh: Thanh Đạm |
Cũng chẳng rõ vì sao công việc nhọc nhằn báo bão lại rơi vào đôi vai gầy yếu của các phụ nữ. Trong căn phòng giản dị, chỉ có các bản đồ, bảng dự báo, máy tính, thật nhiều bút chì màu, ngoài trưởng phòng Nguyễn Minh Giám là nam, tất cả dự báo viên khí tượng đều là nữ. Trẻ nhất là Ngọc Anh, 27 tuổi, lặc lè mang con trong bụng đi báo bão. Bà Lan, bà Thu… đều là những người đã 30 năm trong nghề. Họ không nhớ hết được bao lần “bắt bệnh” ông trời, nhưng họ không quên những kỷ niệm nặng nề.
“Vẫn biết con người không thể chống chọi hoàn toàn được thảm họa thiên nhiên, nhưng không gì buồn bằng mình biết trước mà đành bó tay” - bà Thu tâm sự về áp lực nặng nề của công việc. Dự báo có nghĩa không thể tuyệt đối chính xác. Nhưng dự báo bão không cho phép sai. Nếu sai, hậu quả sẽ ảnh hưởng cả vùng miền, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu sinh mạng người. Thiên nhiên ngày càng phức tạp, khó lường, thì việc “bắt bệnh” ông trời cũng ngày càng nặng nề hơn.
Những chuyên gia săn bão càng tâm sự về công việc càng thấy rõ lòng đam mê nghề nghiệp của họ, dù đó là nghề không phải ai cũng muốn dấn thân. Có lẽ, vì vậy mà những người như bà Lan có gia đình ở vùng túi bão miền Trung vẫn bình tĩnh làm việc đến cùng trong những ngày cuồng phong tàn phá.
Bão ở trên trời, bão ở trong lòng, nhưng họ vẫn vượt qua…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận