07/05/2007 04:04 GMT+7

Những người quay phim chiến thắng Điện Biên

NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG
NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG

TT - Ít ai biết rằng trong đoàn quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa có một “lực lượng đặc biệt”, đó là hai tổ quay phim chiến trường. Họ gánh trên mình một trọng trách lớn lao đối với cả dân tộc: ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc lịch sử của nước nhà trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

TQB3VtSH.jpgPhóng to
Nguyễn Thụ - đứng bên máy quay, cùng đoàn làm phim trở lại Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu
TT - Ít ai biết rằng trong đoàn quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa có một “lực lượng đặc biệt”, đó là hai tổ quay phim chiến trường. Họ gánh trên mình một trọng trách lớn lao đối với cả dân tộc: ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc lịch sử của nước nhà trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tổ quay phim chiến trường

53 năm sau, trong căn phòng nhỏ 104, nhà D4, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Ngọc Quỳnh - một phụ quay trong tổ làm phim chiến trường - bồi hồi kể lại những ký ức quay phim Điện Biên Phủ: “Tổ quay phim hồi đó gồm bốn người, được tuyển chọn gấp từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Tôi - Nguyễn Ngọc Quỳnh - lúc đó là phóng viên ảnh của Tổng cục Chính trị; anh Nguyễn Tiến Lợi xuất thân từ một hiệu ảnh gia đình, đi kháng chiến, trở thành phóng viên nhiếp ảnh đại đoàn 308 và được chỉ thị quay chính; anh Quý Lục được điều về xây dựng ngành điện ảnh khi đang công tác tại UBND tỉnh Yên Bái, làm phụ quay; Nguyễn Sinh - một thanh niên người dân tộc Thái - làm nhiệm vụ khuân vác máy móc và đảm bảo công tác hậu cần. Ngay sau khi thành lập, tổ làm phim nhận được lệnh của ban lãnh đạo ngành điện ảnh: chuẩn bị tham gia chiến dịch”.

Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, quay phim chính tại chiến trường Điện Biên Phủ - nguyên phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam đã về hưu, nhớ lại: “Tuy nhận được lệnh chuẩn bị tham gia kháng chiến, nhưng cả bốn chúng tôi đều không hề biết phía trước mình là chiến trường Điện Biên Phủ”. Hành trang lên đường được chuẩn bị thật cẩn thận và chu đáo, nhưng cũng không thể tìm đâu được hơn chiếc máy quay hiệu Paillard-Bolex 16 ly của Thụy Sĩ. Loại máy này ở các nước tiên tiến người ta thường dùng để quay chơi trong các gia đình, các chuyến du lịch, còn điện ảnh phải quay loại máy chuyên nghiệp cỡ 35 ly. Tuy vậy với chúng ta thời điểm đó có được một chiếc máy 16 ly cũng là quí rồi...

Tổ làm phim hành quân lên phía bắc. Ngày nghỉ, đêm đi, núi rừng trùng điệp, hoang vu. Trên đường hành quân, có những lúc mệt quá anh em bám vai nhau vừa bước, vừa ngủ “chợt giật mình nhớ ra mình đang mang chiếc máy quay duy nhất phục vụ chiến dịch, lỡ vấp ngã hỏng máy xem như phải quay về. Cơn buồn ngủ tan biến”. Tháng 6-1953, tổ quay phim xuất phát từ Việt Bắc, băng qua bến Âu Lâu (Yên Bái), vượt đèo Lũng Lô và Pha Đin (dài trên 30km) nhập vào đại đoàn 308, lên Tuần Giáo rồi tiến sát cứ điểm Điện Biên Phủ.

Xung trận

Đúng 17g ngày 13-3-1954, quân ta đánh đồi Him Lam, trận phản kích đầu tiên vào tiểu đoàn lê dương. Trận đánh mở màn ở đồi Him Lam thật ác liệt. Ông Nguyễn Tiến Lợi hào hứng: “Chúng tôi quay cảnh quân ta xung phong đánh đồn, cảnh máy bay địch ném bom... Cứ thế, quen dần với chiến trường, những thao tác máy cũng thuần thục hơn. Cả tổ theo sát chiến sĩ xông vào những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất như đồi phía đông C1, C2, D1, D2…”. Điện Biên vào mùa mưa, chiến hào lầy lội, nhão nhoét bùn đất và cả máu. Có lúc ta và địch chỉ cách nhau 100m, giành giật từng tấc đất.

Ông Ngọc Quỳnh vẫn chưa quên thời khắc cam go ác liệt đó: “Khi ngồi trong lô cốt chiếm được của địch để quay chiến trận, vì ống kính máy quay quá nhỏ, tôi và anh Quý Lục phải thay nhau bò ra khỏi lỗ châu mai dọn những cành cây khô làm vướng ống kính để anh Tiến Lợi quan sát và quay được dễ dàng hơn. Dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi tiết kiệm phim”.

Ông Tiến Lợi đến giờ vẫn còn nguyên vẹn cảm giác sung sướng: “Được giao nhiệm vụ cầm máy chính, tôi phải chủ động quay cảnh nào thì hình dung trong đầu bố cục cho cảnh quay ấy”. Bộ đội xung phong, mình xách máy chạy theo. Lúc quay chỉ sợ hết phim, lo lắng không quay được những cảnh đắc ý, còn bom đạn chiến trường, lường hết làm sao được.

Bom nổ, rồi pháo nổ. Tức thở, tối tăm mặt mũi, rồi không biết gì nữa, không biết đã bao nhiêu lâu trôi qua. Tỉnh lại, mắt mũi, miệng toàn đất. Cây que, đất đá đè lên người. Tiếng anh Triệu Đại: “Còn sống không Quỳnh ơi?”. Tôi đáp: “Còn sống, máu ra nhiều quá, nhưng không nhìn thấy gì cả!”. Tự đào bới để thoát ra, hàng tiếng như thế. Rồi có tiếng thình thịch trên đầu. Có tiếng gọi: “Quỳnh ơi, Đại ơi, còn sống không?”. Nghe mà không trả lời được. Ra được bên ngoài mới thấy cái lô cốt đã tan tành, túi đựng phim của anh Triệu Đại bay đi đâu mất. Biđông nước của tôi đeo bên hông vỡ toác, nước thấm vào người chứ không phải máu. Mình còn sống! Chỉ kịp nghĩ vậy thôi rồi lại lao vào công việc mới. Đào hầm lấy chỗ ăn ở. Cây que làm giường, rải lá cây làm chiếu. Trông ai nấy từ đầu đến chân bụi đỏ quạch, vậy mà máy quay lúc nào cũng được anh Quý Lục bảo quản, lau chùi sạch bóng.

Tinh thần thép

Nguyễn Thụ thuộc biên chế đội quay phim thứ hai bao gồm đạo diễn Nguyễn Hồng Nghị, các quay phim Nguyễn Phu Cấn, Như Ái và Nguyễn Đăng Bảy. Đội này lên đây khi chiến dịch đã gần giai đoạn cuối. Chủ yếu hoạt động ở khu trung tuyến, quay các cảnh bộ đội, công binh, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp tế, vận tải lương thực, đạn dược, thuốc men cho chiến trường bằng các phương tiện thô sơ.

Lần đó, để kịp quay cảnh ta trao trả tù binh Pháp ở một bản làng người Thái, tổ quay phim phải đi đường tắt. Trời mưa, cỏ cây rạp xuống, cờ hiệu đánh dấu bom mìn mờ nhạt, lấm lem bùn đất. Tổ quay phim lạc vào một bãi mìn, người đi trước cào đất, bới cỏ để đi, người đi sau đặt chân lên dấu chân người đi trước. Bỗng có tiếng nổ. Anh Phu Cấn trong đội quay phim giật mình quay lại, thấy tấm dù của Nguyễn Thụ bị hất tung lên cao, mìn đã cắt nát một bàn chân của Nguyễn Thụ. Để cấp cứu anh, tổ quay phim buộc phải đưa đến một bác sĩ của Pháp đang cứu chữa cho thương binh Pháp ở gần đó, yêu cầu ông ta phẫu thuật cắt bỏ bàn chân cho anh Nguyễn Thụ. Thuốc mê, thuốc tê chẳng có, phải đổ cồn 90 độ sát trùng rồi cưa bằng dụng cụ và phương pháp thủ công. Vậy mà Nguyễn Thụ không kêu ca một lời nào. Những người có mặt trong cuộc phẫu thuật đều khâm phục.

Kết thúc chiến dịch và sau ngày thủ đô giải phóng, Nguyễn Thụ còn phải vào bệnh viện phẫu thuật hai ba lần nữa. Năm 1959, khi vết thương đã lành, Nguyễn Thụ cùng tổ làm phim đã trở lại Điện Biên Phủ làm bộ phim tài liệu Trở lại Điện Biên do ông làm đạo diễn, cùng với ba nhà quay phim là Tô Cương, Như Ái, Dương Đình Thọ. Bộ phim đã được tặng thưởng lớn Lumumba tại Liên hoan phim thế giới Á - Phi tổ chức ở Jakarta, Indonesia năm 1964. Tuy nhiên, Nguyễn Thụ đã mãi mãi ra đi trong một cơn bạo bệnh (năm 2002).

Những thước phim Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm vẫn được phát lại trong những ngày kỷ niệm chiến thắng điện Biên Phủ.

NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên