25/03/2019 10:12 GMT+7

Những người chữa lành vết thương tâm hồn cho gấu

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Có những con người dành tình yêu thương cho loài gấu. Họ âm thầm chăm sóc, điều trị vết thương trên thân thể và cả vết thương tâm hồn cho những con gấu tội nghiệp từng sống trong sợ hãi, bị đối xử tàn tệ.

Những người chữa lành vết thương tâm hồn cho gấu - Ảnh 1.

Cán bộ, nhân viên trung tâm đón gấu con Nora Jamjack và Sunshine về chăm sóc - Ảnh: THÙY TRINH

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là một dự án của Tổ chức Động vật châu Á, được thành lập từ năm 2005. Đây là nơi giải cứu và chăm sóc những con gấu bị săn bắt, buôn bán trái phép hoặc bị nuôi nhốt lấy mật. Hầu hết các con gấu được đưa về đây đều trong tình trạng kiệt quệ, tàn tạ. Hiện trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 178 con gấu được giải cứu.

Chúng tôi mong ước sẽ xóa bỏ được tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở trang trại hoặc gia đình. Các chú gấu hoàn toàn xứng đáng có được cuộc sống tốt đẹp hơn là ở trang trại.

ANNEMARIE WEEGENAAR

Mang cổ tích đến cho gấu

"Về đây gấu được sống, được vui vẻ, đùa nghịch, có bạn bè, có đồ chơi, được ăn no, được thường xuyên theo dõi sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng con. Thực đơn thì thay đổi theo mùa. Ngày lễ tết gì chúng cũng có quà. Cuộc đời chúng như là cổ tích" - chị Phan Thị Thùy Trinh, một nhân viên của trung tâm, cười bảo.

Trung tâm hiện có 76 nhân viên. Đội ngũ cán bộ chủ yếu là các chuyên gia thú y nước ngoài với hai bác sĩ thú y, hai y tá, ba quản lý gấu và một giám đốc quản lý cấp cao. 

Chị Annemarie Weegenaar, thường gọi là Anna, giám đốc quản lý gấu và đội thú y của trung tâm, người đã dành gần 10 năm để gắn bó với công việc chăm sóc, cứu chữa cho những con gấu tội nghiệp ở Việt Nam. Khi kể về những con gấu được giải cứu đưa về trung tâm, chị Anna xúc động, nhiều lần rơi nước mắt.

Chị bảo: "Những con gấu về đây trong tình trạng bị stress rất nghiêm trọng, sức khỏe vô cùng tồi tệ. Chúng tôi phẫu thuật, chăm sóc cho chúng, để chúng được vui chơi, quên đi nỗi đau, nỗi sợ hãi trước đây để sống cuộc sống thoải mái, vui vẻ và được yêu thương. Chúng tôi cố gắng từng ngày chữa lành vết thương trên thân thể và cả vết thương trong tâm hồn gấu. Thời gian đầu gấu mới về, chúng tôi rất khó tiếp cận vì gấu bị stress rất nặng, sợ con người, vì bị đối xử tàn tệ trước đó trong thời gian dài".

Có những câu chuyện thảm thương đến nỗi ám ảnh những người cứu hộ gấu. Có chú gấu con bị thợ săn đánh giập nửa người, hỏng một bên mắt! Chứng kiến cảnh mẹ nó bị thợ săn giết chết, gấu con bị tổn thương tâm lý nặng nề, bị ám ảnh đến mức sau này cứ thấy người đông là bỏ chạy dù đã là gấu trưởng thành.

Chị Anna cho biết: "Nhiều con khi được giải cứu đã mất thính giác, khứu giác. Có con bàn chân bị hoại tử! Có con yếu đến nỗi không đứng được nữa, khuỵu luôn. Có con gấu ở Nghệ An, trên đường đưa ra Hà Nội mình rất lo lắng như lo cho người thân bị bệnh hiểm nghèo, cứ sợ gấu chết dọc đường vì khi được giải cứu, nó không còn sự sống. Có con chúng tôi đặt tên là "Sống sót" vì cả một khu trang trại gấu bị chết đói hết, chỉ còn mình nó! Khi được giải cứu, nó chỉ còn da bọc xương, không đi nổi".

Hay như câu chuyện của Vandrew. Lúc nhóm cứu hộ đến, gấu đang bị nhốt trong lồng, đói khát kinh khủng đến nỗi Vandrew tự gặm nát cánh tay nó! Cánh tay bị hoại tử. Một bên mắt bị thối, bị mù. Khi về, các bác sĩ muốn giữ lại khuỷu để Vandrew đi lại thuận tiện nhưng không thể. 

"Các con khác gãy tay thì vẫn còn khuỷu chống, lết đi. Còn Vandrew cứ phải nhảy để di chuyển, nhìn rất tội nghiệp" - chị Anna kể, giọng đầy thương cảm. Khi nghe chị Anna nói, một nhân viên trung tâm ngồi bên xúc động khóc. 

"Ngoài điều trị y tế, thuốc men, điều kiện ăn uống, môi trường sống, điều quan trọng nhất là tình yêu thương của con người" - Anna bộc bạch.

Ở đây, gấu được gọi bằng những cái tên rất dễ thương: Olly, Rose, Dolly, Coco, Mausi, Moggy, Bubu, Nelson, Easy... Tên mỗi con gấu được đặt theo tên của người nhận tài trợ. 

"Chúng tôi phải nhớ tên từng con để gọi. Rung chuông gấu không vô nhà là phải gọi tên. Khi kiểm tra sức khỏe, phải gọi đúng tên gấu mới ra" - chị Anna cho biết.

Tuấn "gấu"

Là một trong những người chăm sóc gấu nhiều năm nhất trung tâm (12 năm), anh Đào Châu Tuấn được mọi người gọi luôn là Tuấn "gấu". Không chỉ là người chăm sóc, anh Tuấn còn thương chúng đến mức tự mày mò nghĩ ra cách làm các trò chơi cho gấu để chúng vui đùa, khuây khỏa và dần quên đi quá khứ đau thương.

"Tôi làm đồ chơi cho gấu từ ngày mới vào trung tâm làm - anh Tuấn cho hay - Mỗi con một hoàn cảnh, tình trạng thương tật khác nhau nên mình phải nghĩ cách làm đồ chơi thế nào cho phù hợp. Làm đồ chơi từ cái dễ đến khó. 

Những con gấu bị què cụt không leo trèo, không khám phá được, thấy thương lắm. Có lúc đêm về trằn trọc không ngủ được, cứ tưởng tượng ra những cái làm cho chúng nó. Nghĩ ra cái gì lại vẽ ngay ra giấy không sợ quên. Hôm nay nghĩ chưa ra thì hôm sau lại nghĩ tiếp".

Những ngày lễ tết, chẳng hạn như Noel, anh Tuấn cũng là một trong những nhân viên lo chạy chương trình tổ chức Noel cho gấu! "Chúng tôi làm quà cho gấu là bánh kẹo, trái cây để chúng ăn. Khi mình mở cửa chuồng, chúng ào ra, thi nhau tìm quà trên cây thông, con nào cũng hăm hở, nhìn thích lắm" - anh Tuấn cười bảo.

Hơn 10 năm trước, anh Đào Châu Tuấn cùng nhóm nhân viên cứu hộ lên tận Lai Châu giải cứu những con gấu đầu tiên đưa về trung tâm. Rồi anh cũng là một trong những người chăm sóc chúng. Đó là ba con gấu con nặng khoảng 4-5kg. Gấu mẹ bị thợ săn giết chết! 

"Lúc mới đưa về, do mất mẹ nên chúng cứ ưa âu yếm, lăn vào mình, nhìn thương lắm. Tụi mình "náo loạn" vì ba con gấu con. Chỉ riêng bữa tối đã phải cho ăn ba bữa: 18h, 23h và 4h sáng. Bác sĩ thú y nằm ngủ cùng gấu con, dỗ cho chúng ngủ, nói chung là bọn mình ăn ngủ ngay cạnh chuồng gấu! Giờ tụi nó ngót 2 tạ rồi!" - anh Tuấn cười bảo.

Những con gấu bị tổn thương về đây, nhiều con mất cả bản năng khám phá tự nhiên, thậm chí không biết tìm thức ăn như con khác vì mất cả khứu giác. "Như con 130 được giải cứu ở Quảng Ninh về, mất sáu tháng trời mình cho ăn mà nó vẫn cứ lùi lại đề phòng. Ngày xưa nó suốt ngày bị lấy mật. Lúc lấy mật người ta kéo nó ra đánh đập, đau đớn quá nên cứ thấy người là nó sợ" - anh Tuấn nói.

Lành tính hơn

gau-mylang2

Anh Đào Châu Tuấn trong một lần đưa gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam - Ảnh: THÙY TRINH

Thương gấu đến mức ngày được nghỉ hay dù bị ốm, mệt mỏi, kiểu gì anh Đào Châu Tuấn cũng vào thăm gấu. Không gặp là thấy nhớ gấu. Đợt anh bị sỏi thận, bác sĩ chưa cho về nhưng anh quyết về chỉ để xem mấy con gấu như thế nào rồi quay lại Việt Trì (Phú Thọ) chữa tiếp!

Anh chàng Tuấn "gấu" ấy là dân "thổ địa" Vĩnh Phúc, từng làm lái xe tự do, không biết gì về gấu, không yêu thích động vật. Vậy mà sau một thời gian rất ngắn làm ở đây, người đàn ông đó thay đổi hẳn.

"Mình đã nhiều lần đi giải cứu và tận mắt chứng kiến những con gấu bị đối xử tàn tệ, mình bắt đầu có tình thương với động vật. Dần dần, tính cách mình cũng thay đổi, điềm tĩnh hơn, lành tính hơn. Mình cũng không thích ăn thịt nữa, thích ăn chay hơn" - anh Tuấn chia sẻ.

Cứu cặp gấu to bị nhốt trong nhà dân 15 năm Cứu cặp gấu to bị nhốt trong nhà dân 15 năm

TTO - Hai con gấu nặng hơn 2 tạ bị nuôi nhốt trong một nhà dân tại Bình Dương suốt 15 năm qua đã được “giải cứu” để đưa về cơ sở bảo tồn tại Ninh Bình.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên