16/04/2013 06:29 GMT+7

Những ngọn nến cong lung linh

TÂM LỤA - VŨ TUÂN
TÂM LỤA - VŨ TUÂN

TT - Hoa hậu đăng quang lúc ngồi xe lăn, cô gái khác nhận giải gương mặt khả ái nhất không thể tự tay cầm hoa và kỷ niệm chương từ ban giám khảo... Đó là những hình ảnh xúc động của đêm chung kết cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật mang tên “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”.

Hoa hậu người khuyết tật: Tôi là ngọn nến hai lần cong Cô gái khiếm thính đi thi hoa hậu

GBasPJku.jpgPhóng to
Niềm hạnh phúc của thí sinh Nguyễn Thị Hậu khi trở thành “á hậu 1” của cuộc thi, bên cạnh cô trong giờ phút vinh quang là người chồng của mình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tối 14-4, khán phòng tầng 7 khách sạn Melia (Hà Nội) chật cứng người xem. Trên sân khấu, 10 thí sinh tham gia đêm chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” thì có tới năm thí sinh phải ngồi xe lăn, một thí sinh không thể nghe nói, một thí sinh bị cụt một cánh tay...

Khiếm khuyết lớn nhất là đầu hàng số phận

Thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Hải Dương) mặc bộ váy trắng tinh khôi với giấc mơ làm công chúa. Vòng xe lăn của cô trên sân khấu trong phần thi trang phục tự chọn nhận được nhiều tràng vỗ tay của mọi người. Thí sinh Lê Thị Thúy Đoan (Hà Nội) chọn cho mình bộ váy lộng lẫy như một nàng tiên cá, với ý tưởng nàng tiên cá phải đánh đổi giọng hát của mình để đến với tình yêu, cũng giống như cô dù không thể nói nhưng không bao giờ ngừng yêu thương cuộc đời này...

"Tôi thầm mong rằng rồi ngày mai trở lại cuộc sống thường ngày, các em sẽ bớt vất vả, bớt cô đơn khi có sự thông cảm và chia sẻ của toàn cộng đồng"

Anh Trịnh Công Thanh

Với đôi chân bị tật, Trần Thị Hồng Thanh vẫn xoay người bước những bước khập khiễng và hoàn thành phần thi tài năng của mình với bài hát Nỗi buồn mẹ tôi. Và Thanh đã run run rồi nghẹn giọng khi mẹ bước lên sân khấu ôm chầm lấy con gái. Nhiều người trong khán phòng không cầm được nước mắt. Thí sinh Lê Thị Thúy Đoan chọn thể hiện tiết mục múa hoa sen. Nhìn Đoan múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu nhạc trên sân khấu, ít ai ngờ cô gái ấy lại là người khiếm thính.

“Vào thời điểm đôi chân tôi không thể bước đi được nữa, tôi đã nhận ra mẹ yêu tôi nhiều biết nhường nào! Mẹ gần như suy sụp sau khi cuộc phẫu thuật của tôi không thành công. Nhưng rồi mẹ đã cố gắng, cố gắng vì mẹ hiểu rằng tôi còn cần có mẹ ở bên chăm sóc, cố gắng vì mẹ là điểm tựa duy nhất cho cuộc đời tôi”- Với bài hùng biện xúc động về tình yêu thương của mẹ trong phần thi tài năng và trả lời tự tin trong phần thi ứng xử, cô gái khuyết tật vận động Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã nhận giải nhất của cuộc thi.

Tự nhận mình là “ngọn nến hai lần cong” khi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh và sau ca phẫu thuật năm lớp 8 thất bại, Ngọc bảo mình chưa bao giờ muốn thôi tỏa sáng. Với câu hỏi trong phần thi ứng xử “Hãy giải thích và bình luận về câu nói rằng ngọn nến thẳng hay ngọn nến cong khi được thắp lên đều cháy sáng lung linh”, các thí sinh ai cũng trả lời tự tin bằng chính câu chuyện cuộc đời mình. Họ là những ngọn nến cong sáng lung linh bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, như lời của thí sinh Đoàn Lê Thu: “Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là đầu hàng số phận”.

Hạnh phúc

Đó là cảm xúc của thí sinh, của ban tổ chức, của rất nhiều người xem sau đêm chung kết “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Nỗ lực của những thành viên trong ban tổ chức đã được bù đắp bằng những nụ cười rất tươi của 10 cô gái trong đêm chung kết, của hàng trăm người khuyết tật theo dõi cuộc thi, được bù đắp bằng khán phòng đầy ắp khán giả mà không ai bỏ về, bằng sự lưu luyến của người xem khi chương trình đã kết thúc mà vẫn nán lại nhìn các thí sinh hát trên sân khấu...

“Khi ngồi lặng lẽ quan sát các thí sinh lộng lẫy và tự tin thể hiện trên sân khấu, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc vì đông đảo khán giả là người khuyết tật và người không khuyết tật đều cảm thấy chương trình thú vị, xúc động và không hề bi lụy. Hạnh phúc vì nhiều thí sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn nở nụ cười thường trực trên môi với tinh thần lạc quan và yêu đời. Và hơn hết, tôi hạnh phúc vì lần đầu tiên người khuyết tật được trân trọng đến như vậy, lần đầu tiên người khuyết tật thấy thích thú và hào hứng đến như vậy”- anh Trịnh Công Thanh (thành viên ban tổ chức) xúc động chia sẻ.

Có giải thưởng nhưng không có tiền thưởng song ai cũng hạnh phúc có lẽ chỉ có ở “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Nguyễn Thị Ngọc Hòa - cô gái đến từ TP.HCM - chia sẻ: “Em chưa bao giờ đi đến nơi nào xa thế và gặp nhiều người đến thế. Trước khi thi em lo quá, nhưng lên sân khấu thấy các chị ai cũng cười tươi mà em hết lo”. Còn bà Trần Thị Giầu (48 tuổi, mẹ của Nguyễn Thị Ánh Ngọc) nói về niềm tự hào khi Ngọc đăng quang bằng điều hết sức giản dị: “Sau khi phẫu thuật cột sống thất bại, Ngọc phải ngồi xe lăn. Tôi trở nên suy sụp, còn Ngọc trở thành người nâng đỡ tinh thần cho bố mẹ bằng nghị lực của mình. Hôm nay tôi gặp các cháu khuyết tật ở đây ai cũng xinh đẹp, ai cũng có nghị lực tuyệt vời.

Câu hát nắng lên

Kết thúc đêm thi, câu hát mà các em trong Chi hội Người điếc Hà Nội biểu diễn bằng tay trong đêm chung kết vẫn còn vang vọng mãi: “Từng đêm mẹ vẫn khóc, mẹ vẫn khóc/ Trách cuộc đời, tội thân em/ Ngày qua, cơn đau đến, cơn đau đến/ Em đau đớn, đau đớn nỗi thân em/ Xin cho em thôi khóc/ Xin cho qua đêm tối/ Bình minh ngày đang tới/ Sẽ thắp lên đời em/ Một hi vọng mới/ Sẽ qua hết bóng đêm/ Mong ngày mai nắng lên/ Cuộc đời này sẽ khác...”.

TÂM LỤA - VŨ TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên