![]() |
Một cụ già ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi nhận quyết định cấp nhà tình thương |
Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên, dù ngành LĐ-TB&XH có cố gắng nhưng từ 1982-1988 Củ Chi chỉ xây dựng được 156 căn nhà. Con số ấy chẳng là bao so với hơn 3.000 hộ chính sách sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát.
Trước bức xúc đó, tháng 6-1989, Củ Chi phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện phóng sự Trở về điểm hẹn. “Điểm hẹn” ấy là xâu chuỗi những câu chuyện buồn thời hậu chiến. Đó là những bà mẹ đã hi sinh đến người thân cuối cùng nơi chiến trường nhưng hiện tại vẫn sống trong những căn chòi không đủ che nắng che mưa. Hòa bình đã về gần 15 năm mà vết thương chiến tranh đói nghèo vẫn cứa sâu vào lòng đất thép.
Xúc động với những thước phim ấy, khi thành phố chưa phát động, nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện đến Củ Chi thăm viếng, tặng quà các cha mẹ liệt sĩ. Nhiều người dân vẫn còn nhớ mãi hình ảnh cụ Đặng Vân - 70 tuổi, là cán bộ hưu trí - đã đạp xe từ nội thành lên Củ Chi để thăm, tặng quà với tấm lòng “của ít, lòng nhiều” nhằm chia sẻ những cơ cực của các gia đình liệt sĩ. Các trường học, bệnh viện cũng nhận con liệt sĩ vào học và trị bệnh miễn phí; Công ty Phát hành sách và thiết bị trường học đã tặng sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con liệt sĩ...
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Toàn xã hội chăm lo cho các gia đình chính sách khó khăn”, năm 1989 Thành ủy đã phát động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tập trung vận động nhân dân xây dựng nhà tình nghĩa. Phong trào đã nhanh chóng khơi nguồn và nhân rộng, từ công nhân, nông dân, trí thức đến đồng bào các tôn giáo, dân tộc, từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, học sinh, sinh viên đến thầy cô giáo, cán bộ, các lực lượng vũ trang, kiều bào đang sống ở nước ngoài...
Sau 23 năm, nhân dân TP.HCM đã góp tay xây dựng hơn 12.000 căn nhà tình nghĩa, trên 39.000 căn nhà tình thương. Không chỉ có giá trị về mặt vật chất đơn thuần mà đây còn là công trình của trái tim, của nhiều thế hệ, như Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết đã nói: “Thành phố của chúng ta là thành phố của tình thương”... |
Từ đó, hằng năm thành phố đều có chỉ tiêu vận động xây dựng nhà tình nghĩa, phong trào tự phát được tổ chức nâng lên liên tục, duy trì và phát triển một cách tự giác. Sau 23 năm (1982-2005), với hàng triệu bàn tay và tấm lòng, 12.872 căn nhà tình nghĩa với kinh phí gần 137 tỉ đồng đã được xây lên.
Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách đã cơ bản hoàn thành nhưng thành phố vẫn còn hàng vạn đồng bào lao động nghèo đang chịu cảnh dãi nắng dầm mưa dưới những căn nhà tranh tre trống trước hở sau. Năm 1998, thành phố tiếp tục mở cuộc vận động xây dựng nhà tình thương. Ngay buổi lễ phát động đầu tiên đã có 25 đơn vị đăng ký ủng hộ 204 căn nhà trị giá 1,2 tỉ đồng.
Liên tục các đợt vận động luôn vượt kế hoạch. Nhiều “ổ chuột” đã biến thành mái ấm. Nhiều cuộc đời “lành” lại từ những ngôi nhà của lòng nhân như trường hợp anh Lê Văn Thương ngụ tại P.7, Q.Bình Thạnh. Anh xúc động nhớ lại: “Gia đình tôi có năm người. Tôi chạy xích lô để kiếm sống. Nhà của tôi khi dỡ ra không còn vật dụng gì. Thấy vậy mỗi người cho một thứ, người cho cái cửa, người cho bộ bàn ghế, ấm nước. Anh em dân phòng đến xây nhà giúp”...
Về chương trình, ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - vui mừng cho biết: “Sau hơn 20 năm bắt tay xây dựng, thành phố có thể tuyên bố đã cơ bản giải quyết xong nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Hàng vạn nhà tình nghĩa, tình thương được xây lên trên thành phố mang tên Bác không chỉ là những con số trong báo cáo.
Đó là những con số có hồn vì được xây nên từ những chắt chiu, từ trái tim của hàng triệu đồng bào. Có được con số đó, chúng ta nhớ đến từng em học sinh ôm heo đất đi đóng góp, từng cụ già trước khi trút hơi thở cuối cùng còn trăn trối để lại chút tiền phúng điếu cho người sau”...
Chung sức xóa đói giảm nghèo
Theo tính toán của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TP, trong giai đoạn từ 1992-2003, nguồn vốn huy động để thực hiện cho chương trình bình quân mỗi năm vào khoảng 200 tỉ đồng, riêng ba năm 2001-2003 đạt tới mức 400 tỉ đồng/năm. Những đồng quĩ này đã được đầu tư trực tiếp cho người nghèo dưới nhiều hình thức: vay vốn, đầu tư dự án tổ giảm nghèo, đầu tư cho cơ sở tạo việc làm cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động, ủy thác vốn cho đoàn thể lập tổ giảm nghèo... Để đạt được con số hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, TP đã huy động rất nhiều nguồn. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tự nguyện tham gia, đùm bọc giúp đỡ người nghèo của từng người dân, từng cơ quan, từng doanh nghiệp... Người nghèo TP không chỉ được chăm lo về đồng vốn, cách làm ăn mà còn được chăm lo về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cải thiện nhà ở và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu; những xã phường nghèo nhất được đầu tư tập trung về cơ sở hạ tầng... Kết thúc giai đoạn 1 của chương trình, 115.000 hộ nghèo của TP đã được trực tiếp hỗ trợ thoát khỏi mức chuẩn nghèo của TP, hạ tỉ lệ hộ nghèo từ hơn 20% xuống chỉ còn 0,15% hộ dân TP. Hiện nay TP lại đang tiếp tục nỗ lực với mức chuẩn nghèo mới cao gấp đôi chuẩn nghèo vừa qua với mục tiêu lớn hơn: giúp người nghèo thật sự thoát nghèo, không phân biệt nông thôn, thành thị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận