18/09/2014 06:05 GMT+7

​Những ngày thường giữa khơi xa

MẠNH THƯ (Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu)
MẠNH THƯ (Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu)

TT - Sáng 30-11, Sang chơi bên đồn hỏi chuyện anh em đội viên: "Giũa gì đấy? Ra biển chơi đi!".

Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938) - Ảnh tư liệu
Đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1938) - Ảnh tư liệu

- Cảm ơn, để bận khác! Bận giũa lưỡi câu!

À hay! Ông này ở tiểu ban bắt cá. Có chuyện viết rồi đây!

- Ông câu chơi đấy chứ?

- Không, cách tiếp tế khó khăn, anh em tôi tự túc. Trong đất liền đời sống đã đắt đỏ, giá hàng đột ngột cao vọt lên với đồng bạc hạ giá, nếu thức gì cũng mua thì lương binh sĩ chả còn bao để giúp gia đình. Ở hoang đảo này giải quyết bằng cách nào nếu không chịu câu cá mà ăn!

- Đất này trồng tỉa được không?

- Cát san hô còn có gì màu mỡ? Ta ra vụ này là mùa rét còn nóng thế này. Ra ngoài giêng hai nóng nữa, tháng ba, tháng tư đã thấy thời tiết mùa hè, cát nóng như rang, cây nào lên được?

- Nuôi gia súc được không hở ông?

- Bò, dê thì tốt lắm. Thầy xem cây cối thế kia, thả chúng tự do thì chóng sinh sản, nhưng ở tháng ba đã về, chưa gây xong cơ sở thì ai muốn trông nom.

Cũng có cỏ đấy, ngày xưa nuôi bò phải giữ cỏ cho bò ăn. Thầy có thấy giếng nước (abreuvoir) xây trên cỏ đấy chứ? Nhưng nuôi gia súc phải có vốn, anh em tôi ai đưa ra được?

- Các ông chia công tác thế nào?

- Chia từng tiểu ban: tiểu ban bắt cá được miễn công tác vặt, tiểu ban bếp nước luân chuyển 10 ngày một lần, tiểu ban này ba người. Bắt cá thì chừng 6-7 người, không thay đổi, phần đông có nghề chài lưới, hoặc không thì cũng là người biết lội (bơi).

Ngoài ra còn phải trông nom vệ sinh, nhặt cỏ, rẫy đường, quét lối đi, lấy củi, không kể công tác chính của quân nhân: gác trên chòi canh hoặc đi tuần đêm quanh đảo.

- Gác trên chòi làm gì?

- Để đánh kẻng báo hiệu khi thấy bóng tàu, thuyền. Thuyền, tàu thấy từ xa, gõ hai tiếng kẻng, khi thấy tiến vào đảo thì gõ một hồi cấp báo.

Tàu bay đánh ba tiếng. Tàu bay nhìn thấy rõ hay khi khi mây u ám, chỉ nghe tiếng động cơ cũng đánh ba tiếng.

- Từ trên chòi có thấy rõ quốc tịch tàu thuyền qua lại không?

- Ít khi nhận rõ vì xa quá. Với lại họ có kéo quốc kỳ mới phân biệt được. Máy bay thì xem cờ vẽ đằng lái, cao ba nghìn thước thì cũng chịu, có khi không nhận rõ kiểu máy bay là Dakota hay Box-car, chứ đừng nói đọc số máy. Qua Hoàng Sa là máy bay đi Hương Cảng, Philippines.

- Tàu gì qua lại miền này?

- Tàu buôn và tàu tuần tiễu hải phận. Cũng có tàu đánh cá của một công ty ở Hong Kong, hình như của người Anh, thủy thủ phần đông là Nhật. Cũng có hôm thấy thuyền mành giương đến ba buồm.

Đây là giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa. Cha bà Kim Quy là ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Đây là giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa. Cha bà Kim Quy là ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

***

Trưa 30-11, trời êm biển lặng. Mặt trời chói lòa, biển như một cái bể dầu loang loáng, chân trời xa mờ mờ sương. Vắng lặng mênh mông, vài đợt sóng xô lên bãi bị cát khô hút hết.

Xa tắp, vài bóng cô quạnh đứng dưới nước, mực nước đến ngang hông, lặng lẽ buông cần. Chẳng ai nói với ai nửa lời, chăm chú nhìn phao và chăm chú nhìn đàn cá lượn lờ.

Thỉnh thoảng một người giật cần, một con cá cong mình vùng vẫy đầu dây cước. Ông ta gỡ cá buộc vào xâu. Kiên nhẫn như thế hàng 2-3 giờ cho đến khi nào xâu cá đã dài mới bì bõm lội lên, hút - để tự thưởng - một điếu và nghêu ngao trên đường về.

Ở một góc biển khác, trên những tảng đá mấp mô, sóng vỗ tung tóe, những chàng trai khỏa thân đứng rình đàn cá. Trước mặt họ chỉ có nước với trời.

Nước dồn dập đến, bọt trắng rào rào trên mặt biển xanh ngắt màu bích ngọc, gió trùng dương thổi lộng mớ tóc đen mun.

Sức vóc vạm vỡ của họ, dáng điệu tự nhiên của họ nổi lên như cắt trên một khung cảnh hùng vĩ, trông đẹp và khỏe làm sao!

Tản bộ trên cầu thấy luôn những con còng (cua) màu xanh, mình dẹt, to bằng cua đồng ở trung châu. Còng đi rất nhanh, thấy bóng người là chạy vụt xuống nấp dưới khe đá.

Yên lặng một lúc các chú lại bò lên đi nghênh ngang, mặc những con sóng ào đến. Trên những tảng đá rêu xanh còng càng nhiều. “Ốc mượn hồn” bò chậm chạp trên cát.

Những hôm đầu tháng trăng non, những hôm giữa tháng trăng tròn, nước triều rút. Biển cạn, nhấp nhô trên mặt nước nông những tảng đá san hô.

Cả phía đông nam đập nổi một vùng, lởm chởm những cành san hô gãy, những vỏ ốc vỡ. Xa ra hàng 3 cây số làn sóng xanh lượn lờ.

Biển nhiều san hô sắc nên ra biển phải đi giày, thứ giày đế cao su có cổ như kiểu pantaugas, để cả giày mà lội nước bì bõm.

Từ tinh sương, cả đảo - trừ những người bận - gọi nhau dậy ăn sáng để còn ra biển. Có những người đi sớm từ 5g, lội nước ngang bụng, ra xa đến 4 cây số, đến nơi nước xuống ngang ống chân để có nhiều thì giờ.

Đi như thế người nào cũng mang theo dụng cụ: một thanh sắt để bẩy đá, một con dao để cắt gân ốc, một túi rết (muselière) để nhặt nhạnh.

Ra muộn, 6g -7g, lúc nước cạn sát bờ, cạn đến cổ chân, nghe vang vang từ xa dội lại tiếng “cách cách” đập vỏ ốc mà tuyệt nhiên không thấy bóng người.

Dưới những tảng đá san hô xâm xấp nước thường luẩn quẩn mấy con cá, mấy con cua, đôi khi mấy con mực nhỏ và nhiều thứ ốc.

Ra biển ai không đi biển? Hoạt động cho đỡ buồn, cho quên thời gian, cho đỡ ốm, cho biết. Trời mênh mang, biển mênh mang, không khí trong lành, cảnh vật tưng bừng với ánh bình minh rực rỡ.

Biển thêm xanh, rong thêm biếc, mây biến sắc lúc mặt trời trườn khỏi mặt biển mờ sương lam. Gió phần phật tà áo, thổi tung mớ tóc, gợn mặt biển những con sóng nhấp nhô.

Những người khách lạ

Dưới đây là đoạn trích trong Hoàng Sa qua những nhân chứng, Tập san Sử Địa số 29, phát hành tại Sài Gòn tháng 1-1975:

Người Việt vốn quý khách. Khách tới, đi canô hay xuồng nhỏ vào đảo là được tiếp đón niềm nở. Nhất là khi khách gặp cơn hoạn nạn cần phải cứu giúp.

Khách lạ tới là những lúc vui vẻ. Nhưng đôi khi anh em cũng thấy những triệu chứng khác thường.

Một lần, trước năm 1970, một bọn người không rõ quốc tịch lên bờ xin nghỉ ngơi. Họ nói tàu đánh cá của họ bị bão.

Khách lạ thì ta có từ chối bao giờ đâu. Rồi các anh lính Việt Nam bỗng chú ý đến bọn này vì họ đem theo một tấm giấy lớn, mở ra thì biết là tấm bản đồ của quần đảo Hoàng Sa.

Thế rồi chẳng có gì xảy ra cho tới giữa tháng 1-1974.

Sau vụ xung đột ở Hoàng Sa lúc đó (tức trận hải chiến Hoàng Sa), anh em mới vỡ lẽ các tàu đánh cá là tàu do thám ngụy trang. Vì lúc dự trận, trên đài chỉ huy của tàu cá Trung Quốc kéo ra hai cây đại liên, còn hai bên mạn tàu có những ô vuông chĩa ra những họng súng...

TRẦN THẾ ĐỨC

MẠNH THƯ (Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên