21/03/2007 05:07 GMT+7

Những ngả đường lạc mất linh hồn

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Chẳng có ai trong cuộc đời này lại muốn mình trở thành một người không được bình thường. Chỉ vì hoàn cảnh, số phận đẩy đưa để rồi họ phải trở thành một con người mà linh hồn bị đánh mất. Đó là lời tâm sự của một bệnh nhân tâm thần trong lúc tỉnh táo hiếm hoi.

0Byn7j81.jpgPhóng to
Ảnh: Phi Long
TT - Chẳng có ai trong cuộc đời này lại muốn mình trở thành một người không được bình thường. Chỉ vì hoàn cảnh, số phận đẩy đưa để rồi họ phải trở thành một con người mà linh hồn bị đánh mất. Đó là lời tâm sự của một bệnh nhân tâm thần trong lúc tỉnh táo hiếm hoi.

Kỳ 1: Giữa tỉnh và mê

“Tôi không điên”

Ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh, thành cả nước. Cả nam lẫn nữ, trẻ em lẫn người lớn. Kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, nhà thơ đến nông dân, dân lao động, tiểu thương, nội trợ..., tất cả đều có. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau và lý do phát bệnh cũng rất khác nhau: có người bị di truyền bẩm sinh, có người bị mất trí sau một tai nạn, có người phát bệnh vì gặp một cú sốc trong đời như thất tình, mất tài sản, mất con, bị hãm hại...

Nằm lặng lẽ phía sau Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 là khu nghĩa trang dành riêng cho những người bệnh tâm thần. Có người chết vì bệnh, có người chết trong già lão, cô đơn...

Theo anh Nguyễn Hùng Hiệp, nhân viên quản lý nhà xác và nghĩa trang của bệnh viện, nghĩa trang có diện tích gần 4ha nhưng hiện nay đã quá chật. Số người chết theo thời gian nhiều thêm trong khi hiếm hoi lắm mới có mộ được thân nhân đến nhận, bốc cốt đem về. Khi có một bệnh nhân lìa đời, nếu bệnh nhân có thân nhân thì bệnh viện gọi điện báo tin cho người thân đến. Nhưng số thân nhân đến nhận xác chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Những buổi chiều ở các khu vườn hoa trong khuôn viên bệnh viện, người ta thường thấy một nữ bệnh nhân rất xinh đi thẩn thơ. Gặp người đàn ông nào đi qua, cô gái cũng gọi với theo: “Hùng ơi, anh đừng có bỏ em...”. Thấy tôi, cô chạy lại nắm lấy tay mà khóc rưng rức: “Anh ở đây mà em cứ ngỡ là anh đã bỏ em rồi”. Rồi như chợt tỉnh cơn mê, cô gái lắc đầu: “Không, anh đâu phải là anh Hùng của em”. H., tên cô gái, quê ở Cần Thơ, trước đây có người yêu tên Hùng, hai người rất yêu nhau nhưng gia đình H. lại ngăn cản vì muốn con gái mình lấy chồng Đài Loan. Đúng ngày cưới của H. với chú rể người Đài Loan hơn cô gần 40 tuổi, bỗng dưng H. lên cơn quơ tay múa chân loạn xạ, vứt cả hộp nữ trang sính lễ xuống con kênh trước nhà và bỏ đi lang thang từ xóm này qua xóm khác, vừa đi vừa gọi tên người yêu. Gia đình chữa trị khắp nơi không khỏi, cuối cùng phải đưa cô nhập viện.

Ở phòng khám của bệnh viện, hầu như không người bệnh nào thừa nhận căn bệnh của mình. “Tôi không điên, chỉ có mấy người điên mới nói tôi điên. Đừng ép tôi vào đây”, đó là câu nói cửa miệng của hầu hết bệnh nhân tâm thần ngày đầu nhập viện. Có người ôm chặt một con búp bê, bảo đó là con của mình, hỏi ra mới biết người phụ nữ này vừa có đứa con trai mới sinh chết non. Có người giữ chặt bên mình một hộp bánh bằng thiếc như sợ người ta cướp mất, khoe rằng trong đó có đến 10 tỉ đồng, đó là doanh nhân vừa bị phá sản trong một hợp đồng mua bán bất động sản.

T0LZMSGg.jpgPhóng to
Với những bệnh nhân tỉnh táo, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 có khu làm việc riêng dành cho họ. Trong ảnh: Họa sĩ Lê Viết Tuấn giới thiệu những tác phẩm do anh sáng tác trong thời gian ở bệnh viện - Ảnh: Phi Long
Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, trưởng khoa phục hồi chức năng, nói trong gần 30 năm gắn bó với bệnh viện, ông rất hiểu người bệnh. Mỗi người một bệnh lý, biểu lộ một thái độ, tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều rất đáng thương bởi họ không thoát ra được ám ảnh của ký ức. Bác sĩ Khanh cho biết nhiều người còn chửi bới người thân, hù dọa sẽ kiện ra tòa, báo công an vì dám đưa mình vào bệnh viện tâm thần. Nhưng chỉ sau vài ngày nhập viện, lúc tương đối tỉnh táo, hầu hết các bệnh nhân đều nói những câu ngậm ngùi về thân phận của mình và day dứt vì đã làm khổ người thân. Tuấn, người đàn ông ở cùng phòng với tôi, cả trong lúc tỉnh lẫn lúc mê đều nói chuyện rất nhã nhặn, lịch sự, tỏ ra là người có học thức. Tuấn mắc phải chứng bệnh do học quá nhiều dẫn đến hoang tưởng, đã từng nhảy lầu tự tử ba lần nhưng may mắn thoát chết. Những lúc tỉnh, Tuấn ít nói, tỏ ra xấu hổ với hành động của mình.

Những người “vô danh”

RVIoHlab.jpgPhóng to
Bệnh nhân chia nhau làm vệ sinh nơi bàn ăn - Ảnh: Phi Long
Trong hồ sơ bệnh án của các khoa thường có những bệnh án mà tên bệnh nhân chỉ ghi hết sức đơn giản: vô danh nam, vô danh nữ. Đây là những bệnh nhân vào viện trong trạng thái mê sảng, mất trí hoàn toàn và cũng chẳng có người thân đi theo. Tại khoa phục hồi chức năng có một hồ sơ “vô danh nữ”, bệnh nhân từ khoa khác chuyển đến, vào viện hơn năm năm, bị tâm thần phân liệt. Người phụ nữ này bị người nhà bỏ trước cổng bệnh viện. Ai hỏi tên, nhà cửa ở đâu, chị đều nói gọn lỏn: “Không biết!”. Sau một thời gian được các bác sĩ ở đây tận tình chăm sóc, an ủi, chia sẻ và thực hiện các hoạt động liệu pháp, cho đến một ngày chị mới nói tên thật của mình: “Tui có tên đàng hoàng chứ, chẳng qua không muốn nói thôi. Tui tên là Phạm Thị Kim Th., quê ở Xuân Thủy, Nam Định”.

Một chiều, ngồi bên ghế đá trò chuyện, người phụ nữ này nhìn thấy một cặp vợ chồng đi thăm bệnh ngang qua, chị Th. bỗng lấy tay quẹt nước mắt. Tôi hỏi vì sao khóc, chị bảo gần chục năm làm vợ lẽ người ta, chưa bao giờ được cảnh hạnh phúc như vậy. Chị kể hồi trẻ theo người thân vào Nam lập nghiệp ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Yêu rồi lập gia đình mới phát hiện anh ta đã có gia đình riêng, bị vợ lớn đánh ghen, gia đình ở quê nhiếc mắng. Một ngày chị bỗng dưng mất trí, khóc cười huyên thuyên, thích đi lang thang ngoài đường. Rồi một ngày, ông chồng chở chị đến cổng bệnh viện, sau đó bỏ đi luôn không bao giờ quay lại. “Thôi thì cứ sống phận điên cho yên phận”, tôi tin đó là câu nói tỉnh táo nhất của chị Th..

Bác sĩ Khanh nói ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 có rất nhiều trường hợp bị gia đình, người thân chối bỏ, phó mặc họ cho bệnh viện. Như ở khoa phục hồi chức năng, hầu hết bệnh nhân đều là những người từ cố vô thân, nhiều người khi nằm xuống vẫn không có một cái tên để ghi trên bia mộ.

-----------------------

Lá thư của một bệnh nhân nam gửi cho bệnh nhân nữ ở bệnh viện: “Thủy thương, chiều nay không gặp em trong giờ lấy cơm, anh buồn quá. Cả một buổi chiều chờ đợi để rồi thất vọng, tự dưng thấy trống vắng trong lòng. Anh ngồi ăn cơm với mọi người mà cứ thấy hình ảnh của em quanh quẩn”.

Kỳ tới:Tình người trong cõi mê

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên