01/06/2013 07:22 GMT+7

Những lưu ý trong phòng thi

HOÀNG HƯƠNG ghi
HOÀNG HƯƠNG ghi

TT - Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong ngày thi đầu tiên, thí sinh mang tất cả những giấy tờ liên quan đến hội đồng coi thi để sửa lại nếu có sai sót.

2JXWSZ5f.jpgPhóng to
Tại khu nội trú Trường THPT chuyên Quốc học Huế, thí sinh Hồ Thị Nga (sinh năm 1993) là người dân tộc Vân Kiều, lấy chồng đã hai năm và hiện trú tại thôn 2, xã A Ngo, huyện A Lưới. Nga cho biết mình cùng chồng, con gái và thêm đứa cháu gái đưa nhau xuống TP Huế vào sáng 31-5 và được giới thiệu vào khu nội trú để ở cho đỡ chi phí. Hành trang của Nga bên cạnh sách vở, bút thước để thi tốt nghiệp còn có sữa, tã lót và áo quần cho con. Nga cho biết những ngày thi đứa cháu gái sẽ giúp mình bồng con - Ảnh: NGỌC HIỂN

Riêng việc xét đặc cách tốt nghiệp có hai trường hợp: bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá mười ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi, hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại.

* Ông Hồ Phú Bạc (trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM):

Đến chậm 15 phút sẽ không được dự thi

Thí sinh nhớ mang theo thẻ dự thi, chứng minh nhân dân và có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Buổi thi đầu tiên thí sinh có mặt tại hội đồng thi lúc 6g, các buổi thi sau thí sinh có mặt ở hội đồng thi trước giờ nhận đề thi 30 phút.

Khi nhận đề thi phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ thì báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.

Đừng để phân tán bởi thiết bị ghi âm, ghi hình

TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM - cho rằng việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi “chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh khi làm bài thi”. TS Duy nói: “Nhiệm vụ của thí sinh khi đi thi là tập trung mọi kiến thức, sức lực, tâm trạng để làm bài thi thật tốt. Khi mang máy ghi âm, ghi hình, tài liệu vào phòng thi, thí sinh sẽ bị phân tán tư tưởng, mất tập trung trong quá trình làm bài nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi. Mục đích chính của thí sinh khi đi thi là làm bài thi. Do đó để tránh bị phân tán tư tưởng, các em không nên đem các loại máy ghi âm, ghi hình vào dù được phép...”.

Hà Bình ghi

Bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì.

Ở môn thi trắc nghiệm, thí sinh cần lưu ý: thí sinh phải kiểm tra đề thi để đảm bảo đề có đủ số trang, số lượng câu trắc nghiệm; nội dung đề thi được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu phát hiện những chi tiết bất thường trong đề thi thì báo ngay cho giám thị để xử lý.

* Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Cần phân bố thời gian làm bài hợp lý

Sai lầm lớn nhất của thí sinh khi làm bài thi môn văn là phân bố thời gian không hợp lý. Các em quá sa đà, mất nhiều thời gian với câu 1 (lý thuyết) và câu 2 (nghị luận xã hội) trong khi hai câu này chỉ có 5 điểm. Câu thứ 3 (nghị luận văn học) chiếm 5 điểm nhưng lại còn quá ít thời gian. Thế nên, việc đầu tiên là phải phân bố thời gian hợp lý. Sai lầm thứ hai, một số thí sinh ỷ mình thuộc bài nên cứ viết tràn lan. Sai lầm này thường gặp ở câu hỏi về nghị luận văn học. Thí sinh trình bày khá dài về nội dung vấn đề nhưng quên mất phần đánh giá và yếu tố nghệ thuật. Do đó, khi làm bài cần quan tâm đến việc mình đã trình bày đủ ý hay chưa. Thứ ba, thí sinh thường quá cầu kỳ và làm mất nhiều thời gian cho phần mở bài (của câu nghị luận). Có em viết mở bài rất ấn tượng nhưng đến phần thân bài, kết luận thì lộn xộn, thiếu ý do hết thời gian, dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột” và dĩ nhiên là điểm không cao.

* Thầy Huỳnh Phương Anh Dũng (phó hiệu trưởng, giáo viên môn toán Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Đừng quên mục tiêu chính

Đối với môn toán tôi khuyên thí sinh cần đọc kỹ đề và ghi nhận đề thi chính xác. Đã có trường hợp đề cho 2x nhưng khi thí sinh làm là 4x, dẫn đến sai kết quả bài làm. Tiếp đó, cần lưu ý phần tự chọn chỉ làm một phần chứ không làm thêm câu nào của phần còn lại, vì nếu làm cả hai phần sẽ bị 0 điểm phần này.

* Cô Cao Thị Thu Hồng (giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Đừng chủ quan

Nhiều em hay chủ quan rằng câu hỏi vẽ biểu đồ dễ lấy điểm nhưng trên thực tế rất ít thí sinh đạt điểm tối đa môn địa. Đa số các em lấy được điểm phần vẽ chứ không lấy được điểm phần nhận xét biểu đồ. Phần này cần trình bày theo ba ý: mở đầu: đưa ra nhận định chung về biểu đồ (khá nhiều thí sinh quên ý này mặc dù chỉ cần viết hai dòng); nhận xét chính: dựa trên bảng số liệu để nhận xét theo hàng ngang và hàng dọc trên tất cả đối tượng địa lý (có em chỉ nhận xét theo hàng ngang, có em lại chỉ nhận xét theo hàng dọc); ý cuối cùng là đánh giá chung. Nhiều năm đi chấm thi, tôi thấy có nhiều em nhận xét biểu đồ hơn một trang giấy thi nhưng lại thiếu một trong các ý kể trên. Cuối cùng, thí sinh hãy nhớ: nếu đơn vị đề là tỉ lệ phần trăm thì khi làm bài phải viết cụm từ “cơ cấu”, “tỉ lệ”, “tỉ trọng” với đối tượng địa lý. Ví dụ: đáng lẽ phải viết là “cơ cấu nông lâm ngư chiếm 37,5%” thì có em chỉ viết “nông lâm ngư chiếm 37,5%” - dù lỗi sai rất nhỏ nhưng vẫn bị trừ điểm.

* Thầy Phạm Thanh Yên (giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM):

Coi chừng bị “gài”

Đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không khó đối với những thí sinh có học bài. Do đó, các em hãy bình tĩnh, cẩn thận đọc kỹ đề, câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Nếu cần thì dùng phương pháp “loại suy”: loại câu nào sai nhiều nhất ra trước rồi lần lượt đến những câu tiếp theo. Trên thực tế, có một số học sinh khá, giỏi thường vội vã chọn ngay câu trả lời vì thấy đề dễ quá. Tôi khuyên các em đừng chủ quan, hãy cẩn thận xem câu hỏi có “gài” thí sinh không.

* Cô Trần Thị Phương Thảo (giáo viên môn hóa Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Hãy đọc tất cả đáp án

Một số học sinh có thói quen làm bài hóa theo thứ tự câu 1, 2, 3... Tình huống mắc phải: học sinh gặp câu khó tập trung suy nghĩ, mất nhiều thời gian. Gặp đề trộn ngẫu nhiên, nhiều câu khó tập trung một chỗ sẽ làm học sinh mất tự tin. Lời khuyên: nên bỏ qua câu khó (câu nào làm mất khoảng 3-5 phút), làm tiếp câu quen thuộc, nếu dư thời gian quay lại giải tiếp. Với 30 phút đầu học sinh nên làm các dạng bài tập quen thuộc, tính toán dễ, không nên sa đà vào các câu khó.

Mưa nhiều trong những ngày thi

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ từ ngày 2 đến 4-6, thời tiết trên cả nước diễn biến xấu, sẽ có mưa nhiều và nhiệt độ giảm. Cụ thể tại các tỉnh Tây nguyên, Nam bộ, trong đó có TP.HCM được nhận định là có mưa trên diện rộng. Tuy nhiên hình thái thời tiết là sáng hửng nắng, mưa tập trung sau trưa về chiều kèm theo hiện tượng dông, lốc. Thời điểm không mưa nhiệt độ tại Nam bộ dao động 32-34OC, một số nơi có thể đạt 35OC, có mưa nhiệt độ giảm còn 25-27OC.

Tại khu vực Bắc bộ (từ Hà Nội đến Thanh Hóa) cũng được dự báo mưa nhiều và thường xuất hiện vào buổi chiều, tối, nhiệt độ cao nhất phổ biến 30-33OC, thấp nhất 24-27OC. Riêng một số tỉnh vùng núi có khả năng xảy ra mưa lớn, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Trong khi đó, khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Khánh Hòa) được xem là ít mưa nhất, đồng thời nắng nóng chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi, nhiệt độ cao nhất khoảng 35OC, có nơi xấp xỉ 36OC.

Q.KHẢI

_________________-

Cà Mau: tập trung đò đưa thí sinh đi thi

Ông Cao Minh Hồng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - cho biết tại một số trường THPT đặt hội đồng thi có điều kiện đi lại chủ yếu bằng đò như Viên An (huyện Ngọc Hiển), Tân Đức (huyện Đầm Dơi)... thì ngành đã yêu cầu các phương tiện đò đưa thí sinh đi thi phải đảm bảo an toàn, đúng giờ giấc. Còn đối với những điểm thi không có nhà công vụ thì mượn tạm trụ sở UBND xã hoặc nhà dân bố trí cho giáo viên ở tạm để coi thi.

TẤN THÁI

HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên