Ca sĩ Trọng Tấn, nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng dàn nhạc trong bài Tình em (Huy Du) - Ảnh: DANH ANH
Đây là lần thứ tám hòa nhạc Điều còn mãi diễn ra từ 2 giờ chiều ngày Quốc khánh tại không gian Nhà hát lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV.
Điểm khác biệt ở chương trình năm nay là phần lớn các tiết mục được chọn từ những tác phẩm đã từng được biểu diễn thành công nhất của 7 mùa diễn trước.
Cùng với đó, có thể thấy một số tiết mục thanh nhạc được hoán đổi để trở thành tiết mục khí nhạc và ngược lại.
Ví dụ, bài Hướng về Hà Nội thay vì được cất lên với tiếng hát thì được các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO) trình bày.
Bản nhạc này còn có sự đóng góp của nghệ sĩ nhân dân Ngô Hoàng Quân và nghệ sĩ nhân dân Trần Thị Mơ.
Tiếng cello của hai nghệ sĩ kết hợp cùng dàn nhạc không chỉ khiến bản nhạc thêm phần da diết, mà còn gợi đến khán giả khán giả dòng liên tưởng cảm động.
Đây như một cách những đồng nghiệp, học trò hồi tưởng về nhạc sĩ Hoàng Dương, tác giả của Hướng về Hà Nội và cũng là thầy dạy cello của bao thế hệ sinh viên ở Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam khi ông tạ thế cách đây chưa lâu.
Một điểm đặc biệt khác ở Điều còn mãi 2017 là bản Quốc ca (Văn Cao) mở đầu chương trình được dàn dựng theo cách khác những năm trước, đó là tác phẩm được dựng theo bốn bè, chuyển thể cho giao hưởng và có sự tham gia của hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam.
Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao) - Ảnh: DANH ANH
Năm nay chương trình không có các ca sĩ nhạc nhẹ tham gia, dù vậy, những gương mặt chuyên trị dòng nhạc thính phòng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Lan Anh, Mạnh Dũng, Đào Tố Loan… đã để lại nhiều ấn tượng tốt khi thả hồn vào những bản nhạc có giai điệu, lời ca trữ tình, sâu lắng.
Sự tinh tế của Lan Anh khi xử lý ca khúc Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) khiến không ít khán giả bày tỏ sự thán phục.
Trọng Tấn mang đến cách hát tiết chế, nhẹ nhõm khiến bài Tình em (Huy Duy) trở nên hài hòa với phần đệm của dàn nhạc.
Giọng hát opera Đào Tố Loan mang đến sự bất ngờ với nhiều khán giả khi hát Người Hà Nội không theo cách hùng tráng mà vẫn khiến người nghe không khỏi vỡ òa.
Một trong những trích đoạn (aria) trong vở nhạc kịch Cô Sao được trình diễn lại với giọng hát của Hương Diệp cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng để lại cảm xúc đẹp với khán giả với sự biểu cảm, nhập tâm của nghệ sĩ.
Ở phần khí nhạc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, các tác phẩm Ca ngợi tổ quốc (Hồ Bắc), Linh thiêng hồn dân tộc (Đỗ Hồng Quân - Phạm Xuân Đương), Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương)… có thể khơi dậy những hồi ức quá khứ nơi khán giả trong một buổi chiều thu tràn ngập nắng vàng.
Hai bản dân ca Ê đê là Jut in Rin và dân ca quan họ Bắc Ninh là Trống cơm ở gần cuối chương trình như một lần nữa "đánh thức" khán giả, rằng tất cả những gì được trình diễn trong gần hai giờ của chương trình chính là những bản nhạc giao hưởng, thính phòng thuần chất Việt Nam.
Dù Điều còn mãi đến năm thứ tám còn thiếu sự "phá cách" để khiến các tiết mục và bản phối khí trở nên mới lạ, hòa với nhịp sống và âm nhạc đương đại nhiều hơn; nhưng tinh thần tôn vinh vẻ đẹp đất nước cùng những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc ở chương trình hòa nhạc này vẫn một lần nữa được khơi gợi.
Bản Hồi tưởng về đất nước "một thời đạn bom" với sự kết hợp của dàn hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và dàn hợp xướng của Cung thiếu nhi Hà Nội khép lại chương trình hòa nhạc trong ngày Quốc khánh, đồng thời gửi đi những niềm hy vọng về sự đổi thay, đổi mới, hướng tới tương lai của quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận