Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh được tổ chức theo hình thức tâm tang, không kèn không trống - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhà chùa không thành lập ban tang lễ mà tổ chức lễ tang trong yên lặng.
“Tâm tang nghĩa là mình làm cách nhẹ nhàng, không có ban tổ chức, không có rườm rà. Ngài di chúc lại, sau khi thầy mất thì mấy đứa con lo cho thầy thôi. Thứ hai nữa là lo một cách đơn giản.
Các thầy trong tổ đình môn phái, rồi con cháu trong chùa Từ Hiếu, lo theo di nguyện của Ngài thôi. Phật tử ở các nơi thì họ cứ về, có chỗ về không được thì họ điện chia buồn" - thượng tọa Thích Từ Đạo - giám tự Tổ đình Từ Hiếu - chia sẻ.
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu từ ngày 26-10-2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thâu thần thị tịch vào lúc 1h30 sáng 22-1, hưởng thọ 97 tuổi và 72 năm hạ lạp
Các tăng ni, Phật tử tập trung tại Tổ đình Từ Hiếu (TP Huế) từ sớm để tham dự lễ nhập kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn sách “Việt Nam - Hoa sen trong biển lửa”. Ông đã viết hơn 120 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây
Đúng 8h sáng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các tăng ni di chuyển từ mật thất đến thiền đường Trăng Rằm Tổ đình Từ Hiếu (TP Huế) để thực hiện nghi lễ nhập kim quan
Một Phật tử bật khóc khi chứng kiến lễ nhập kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh và nhẹ nhàng. Đến ngày 29-1 sẽ diễn ra lễ di quan. Nhục thân của Thiền sư sẽ được hỏa táng, sau đó xá lợi được thỉnh về chùa
Hàng ngàn tăng ni Phật tử đã có mặt từ rất sớm tại Tổ đình Từ Hiếu (TP Huế) để dự lễ nhập kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đúng 8h15, thi hài Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đưa sang thiền đường Trăng Rằm của chùa Từ Hiếu để làm lễ khâm liệm
Ảnh: LÀNG MAI
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sinh năm 1926, tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay, ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.
Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới. Nơi cư ngụ của ông là Tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước Pháp. Ông du hành khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi thư chia buồn Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Thư viết: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết rằng người bạn, người anh em tôn giáo quý mến Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn đến quý đệ tử của ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Việc ngài phản đối Chiến tranh Việt Nam trong ôn hòa, sự ủng hộ đối với ông Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và hầu hết mọi sự cống hiến của ngài trong việc chia sẻ với những người khác, cho thấy sự sống trong chánh niệm và với lòng từ bi không những góp phần vào sự an trú trong nội tại, mà còn phản ánh cách thức các cá nhân có thể dùng chánh niệm xây dựng hòa bình cho thế giới, Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa.
Tôi chắc chắn rằng cách tưởng niệm tốt nhất đối với Thiền sư là tiếp tục nỗ lực của ngài trong việc mang lại hòa bình cho thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận