Bà Lê Thị Thu (thứ 2 từ phải) tặng ảnh tư liệu về Phòng hội họa giải phóng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN
Phòng hội họa giải phóng là nơi quy tụ nhiều họa sĩ đồng thời là chiến sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc, gặp nhau tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đây cũng là giai đoạn sáng tác đặc biệt trong cuộc đời làm nghệ thuật của thế hệ các họa sĩ này: tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến nên các tay cọ có dịp ghi lại những mất mát hi sinh, đau thương, và cả những chiến công hào hùng, những thắng lợi quan trọng... của quân và dân ta. Tác phẩm của Phòng hội họa giải phóng vì thế vừa mang giá trị nghệ thuật của những nghệ sĩ tài hoa, vừa là một phần tư liệu lịch sử chiến tranh được ghi lại sinh động và giàu cảm xúc.
Chuyên đề Ký ức Phòng hội họa giải phóng lần này giới thiệu 90 bức tranh ký họa, 13 tranh thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật, và 10 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc Phòng hội họa giải phóng mới sáng tác sau ngày thống nhất đất nước.
Có mặt tại buổi khai mạc, bác sĩ Lê Thị Thu - phu nhân cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông - phát biểu ôn lại những kỷ niệm một thời của Phòng hội họa giải phóng trong tư cách bà là "con dâu của B11" (mật danh của phòng trong thời chiến tranh), và gửi tặng bảo tàng 3 bức ảnh tư liệu chụp cảnh sinh hoạt - sáng tác của các họa sĩ lúc ở chiến khu.
Vẽ tranh trên chiến trường - Ảnh tư liệu
Công chúng đến với triển lãm còn có dịp chứng kiến tấm bia tưởng niệm các họa sĩ - liệt sĩ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, tiếp cận góc trưng bày các hiện vật của những họa sĩ từng sống và sáng tác trong rừng thời chiến tranh: chiếc giá vẽ, mũ tai bèo, ống đựng giấy tự tạo... đã theo những người lính họa sĩ vượt Trường Sơn vào Nam đến vùng giải phóng.
Bên cạnh đó là các tác phẩm của những họa sĩ danh tiếng một thời: Trái tim dũng sĩ (sơn dầu của Cổ Tấn Long Châu), Sau trận đánh (sơn dầu của Nguyễn Hoàng), Đêm giao liên (sơn dầu Nguyễn Thanh Châu), một số ảnh tư liệu về hoạt động, sinh hoạt của Phòng hội họa giải phóng trong đó có tấm ảnh "Vẽ tranh trên chiến trường" rất ấn tượng.
Ngoài ra còn một số tranh ký họa và màu nước có giá trị lịch sử như: Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (ký họa của Nguyễn Tấn Lực), Nữ pháo binh Sài Gòn Hoàng Hồng (màu nước của Lê Lam, 1965), Lộc Ninh giải phóng (màu nước của Huỳnh Phương Đông, 1973).
Người xem còn bắt gặp những bức tranh ghi lại những phút đời thường của các chiến sĩ - họa sĩ thời bấy giờ: Cắt tóc trên đường vào Nam (màu nước của Lê Lam), Đêm dưới hầm (ký họa của Lê Hồng Hải), Nhà bếp (màu nước của Nguyên Đào), Đọc thư nhà (ký họa của Nhất Tâm); có cả hình ảnh về sáng kiến của lực lượng địa phương trong chiến tranh như: Du kích Thạnh Phú Đông bắn lựu đạn bằng giàn thun, Du kích Cai Lậy dùng cối tự tạo...
Triển lãm mở cửa tại 97A Phó Đức Chính, Q.1, đến hết ngày 30-6-2021.
Một số tác phẩm của Phòng hội họa giải phóng:
Lộc Ninh giải phóng - tranh màu nước của Huỳnh Phương Đông
Sau trận đánh - tranh sơn dầu của Nguyễn Hoàng
Đêm giao liên - tranh sơn dầu của Nguyễn Thanh Châu
Cắt tóc trên đường vào Nam - tranh màu nước của Lê Lam
Đêm dưới hầm - ký họa của Lê Hồng Hải
Khánh Bình Tây - Cà Mau năm 1966 - tranh màu nước của Thái Hà
Khách tham quan phòng trưng bày ký họa và tranh màu nước tại buổi khai mạc - Ảnh: L.ĐIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận