Hội họa giải phóng nhìn từ phía Mỹ

THY ANH (THEO TIME) 04/03/2009 16:03 GMT+7

TTCT - Trong suốt chiến tranh Việt Nam, hình ảnh nước Mỹ trong cuộc xung đột được định hình bằng những thước phim thời sự về các chiến trường mà phần lớn là những khu rừng rậm đầy chướng khí, và về kẻ thù thường được mô tả là nhẫn tâm và phi nhân tính.

Phóng to

Bìa sách Nhật ký Mekong - NXB University Of Chicago Press, 264 trang, tháng 12-2008

Tuy nhiên, cuộc chiến ấy lại hoàn toàn khác với các bức vẽ, bài thơ, bức thư và các câu chuyện truyền miệng được sưu tầm trong Nhật ký Mekong (Mekong diaries) vừa xuất bản ở Mỹ.

Sherry Buchanan, tác giả Nhật ký Mekong, đã đi dọc Việt Nam để thu thập những tư liệu về mười họa sĩ Việt Nam chống Mỹ chưa từng được công bố ở Mỹ. Sách này chính là sự thay thế đầy xúc động cho những chuyện kể phổ biến của người Mỹ về cuộc chiến. Những gì trình bày trong sách cho thấy tác giả đã thấu tỏ được tâm tư, tình cảm trong tâm hồn những người lính và người dân Việt Nam.

Có khoảng 100 họa sĩ đã phục vụ tại đồng bằng sông Cửu Long trong suốt cuộc chiến kéo dài 11 năm đó. Họ đã ghi lại những trận đánh và tạo ra những hình ảnh có thể được dùng để cổ vũ người dân tham gia chiến đấu. 62 người đã hi sinh trong lúc tác nghiệp. Một vài người là lính chính quy kiêm họa sĩ, những người khác không phải là lính nhưng họ đã chọn đi cùng người lính trinh sát và lao ra chiến trường để sáng tác. Những người này đều được đào tạo về hội họa. Các giảng viên của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã men theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tận đồng bằng sông Cửu Long tổ chức các khóa học trước khi gửi học viên của mình vào vùng chiến trận với mực, bảng màu và tập dùng để vẽ.

Nhiều tác phẩm - như bức tranh màu nước tuyệt vời của Quách Phong - ghi lại cảnh phản công của một toán người bị bao vây với vũ khí hết sức thô sơ. Bức Người nông dân cầm súng (1966) của Phong mô tả cảnh một người du kích mặt sạm nắng, gan lì chìa khẩu súng trường lên trời tấn công một máy bay chiến đấu. “Cho dù anh ta có rất ít cơ may bắn rơi chiếc máy bay, nhưng anh đã tỏ rõ sức mạnh của mình” - Phong nhớ lại.

Có lúc các họa sĩ đã cố mô tả những khoảng thời gian nghỉ ngơi căng thẳng giữa hai trận đánh, nhiều khi đó là cảnh tượng ghi nhận từ các hố cá nhân hoặc boongke. Một vài họa sĩ còn vẽ rất nhanh những bức họa nhằm lưu giữ các phong cảnh trước khi chúng bị bom và bom napalm tàn phá. Nguyễn Thanh Châu thích nắm bắt vẻ đẹp của những đóa sen hồng, những tán cây rừng và đầm lầy xanh biếc dưới bầu trời xanh thăm thẳm. “Cứ mỗi khi thấy một cảnh đẹp, tôi lại quên ngay mối nguy hiểm và đứng dậy vẽ tiếp” - ông viết.

Các họa sĩ đã nghĩ ra nhiều mẹo hay để có thể làm việc giữa hai làn đạn. Huỳnh Phương Đông rất thành thục kỹ thuật vắt các cục sơn cho sơn chảy thẳng lên giấy sau đó vẽ thêm các nét phác họa màu đen vào lúc khác. Có lần anh đã thoát chết trong gang tấc. Trong một bức thư anh viết cho vợ từ đồng bằng sông Cửu Long có đoạn: “Bom đạn quân thù không chôn vùi được anh. Anh vẫn có thể làm việc, vẽ, hát và viết thư cho em”. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm thì lại đổ đầy sơn vào các lọ đựng penicillin rỗng, rồi cất chúng vào trong các hộp tiếp đạn 12mm của Nga để chúng khỏi bị vỡ.

“Vì chiến tranh quá tàn khốc nên nhiệm vụ của người họa sĩ là tạo ra cái đẹp - Phạm Thanh Tâm phát biểu - Tôi muốn chuyển tải đến mọi người sự phấn chấn, những cảm giác thiêng liêng cũng như những xúc cảm mong manh”. Bức phác họa bút chì tinh tế của anh với tên gọi Chuyển thư trên đường mòn Hồ Chí Minh (1968) đã ghi lại một cảnh lặng lẽ thường ngày nhưng đầy ấn tượng. Tâm còn vẽ về những chàng trai, cô gái trong các bộ trang phục sặc sỡ đang làm những công việc thường ngày như gánh nước hay lượm củi.

Ngày nay, Bảo tàng Nghệ thuật Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ bộ sưu tập tranh vẽ lớn nhất được biết đến ở Việt Nam dưới tên gọi Nghệ thuật giải phóng. Và có lẽ cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi những người mua nhiều tranh nhất là những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, những người đang đi tìm sự thanh tẩy tâm hồn với nghệ thuật. Nhật ký Mekong đã mang đến cho họ điều đó.

Cuốn sách này cũng cho thấy sự phi lý cực kỳ của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Nguyễn Thu, một họa sĩ được đánh giá cao khác, viết: “Nếu tất cả chúng ta đều là họa sĩ thì sẽ không bao giờ có chiến tranh”.

Phóng to
Hoa xuân trên cáng thương của Huỳnh Phương Đông
Bộ đội vượt sông Sài Gòn ban đêm của Huỳnh Phương Đông
Vượt sông Bassac của Lê Duy Ứng
Tấn công bất ngờ của Thái Hà
Mặt trận phía đông của Nguyễn Thanh Châu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận