Trưng bày gồm hơn 100 tài liệu, hiện vật và nhiều hình ảnh tư liệu quý (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cán bộ đầu tiên (những hạt giống đỏ) được Bác Hồ ươm mầm, gieo trồng, đào tạo, và những chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc.
Bác Hồ - người gieo trồng những "hạt giống đỏ" đầu tiên
Tại đây, người xem được tìm hiểu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua tác phẩm cuốn Đường Kách mệnh; các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Từ 1925 - 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tuyển chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo, chỉ ra cho lớp thanh niên giàu nhiệt huyết biết đâu là lối cần đi, đâu là những việc cần làm để giúp dân giúp nước.
Người đã ươm mầm, đào tạo cho cách mạng Việt Nam những hạt giống đỏ - lớp cán bộ đầu tiên theo Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đây là những cán bộ chủ chốt, bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tổ chức cốt lõi và góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Người xem còn được tìm hiểu về đội ngũ thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên, những hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng, như Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Phan Trọng Bình, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi…
Ngoài ra người xem còn được tìm hiểu về các hạt giống đỏ Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng…
Hay khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc, mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng kiên trung với cách mạng, "Biến nhà tù thành trường học cách mạng".
"Hạt giống đỏ" Nguyễn Văn Hoan và bảo vật quốc gia Đường Kách mệnh
Tại trưng bày, người xem còn được xem bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù và hiểu câu chuyện xuất xứ của bảo vật này.
Trưng bày còn mang đến cho người xem một bảo vật quốc gia khác là tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, do Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927.
Đó là một trong những bản gốc in năm 1927, có lẽ là bản gốc duy nhất còn lưu giữ ở Việt Nam. Sách do nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hoan (1907 - 1991) sưu tầm được, đã trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Bản thân ông Nguyễn Văn Hoan cũng là một "hạt giống đỏ". Năm 1927 ông tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại Quảng Châu, Trung Quốc. Trở về nước hoạt động cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù khổ sai, đày ra Côn Đảo năm 1930.
Hay Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú - tổng bí thư đầu tiên của Đảng - khởi thảo, được thông qua tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10-1930.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận