1. Trong buổi sáng hôm đó, anh bất ngờ nhận được tin dữ từ quê nhà Cần Thơ, cha anh đột quỵ và chỉ 15 phút sau ông ra đi, rất nhanh.
Tiết mục ca cảnh mà Võ Minh Lâm và Ngọc Đợi thể hiện là Lạc giữa phố hoa. Một bài tân cổ vui nhộn về đôi tình nhân nắm tay nhau hạnh phúc nơi phố núi Đà Lạt tràn ngập hoa cỏ mùa xuân.
Lâm hát, Lâm nhảy, tương tác cùng bạn diễn và nhóm múa nhưng ai tinh ý nhìn sâu vào đôi mắt của anh sẽ thấy được nỗi đau không thể che giấu.
Bởi chỉ trong buổi sáng hôm đó, anh bất ngờ nhận được tin dữ từ quê nhà Cần Thơ, cha anh đột quỵ và chỉ 15 phút sau ông ra đi, rất nhanh.
Đây là hung tin không chỉ riêng đối với Võ Minh Lâm mà với cả những anh chị em bạn nghề thân thiết của Võ Minh Lâm.
Từ ngày mà anh là thí sinh trẻ tuổi nhất đoạt quán quân chương trình Ngôi sao vọng cổ truyền hình (sau này là giải Chuông vàng vọng cổ) mùa đầu tiên năm 2006, lúc đó người ta đã bắt gặp bóng dáng người cha lặng lẽ của Võ Minh Lâm cặm cụi chạy xe máy chở con trai 17 tuổi từ Cần Thơ lên Sài Gòn thi.
Rồi những ngày dài sau đó cứ có sô ở Sài Gòn, cha lại cần mẫn chạy xe chở con đi rồi hối hả chở về để đỡ tốn tiền thuê nhà trọ.
Cha của Võ Minh Lâm vốn là một anh kép cải lương, nghệ danh Duy Sơn. Ông và mẹ Võ Minh Lâm (cũng từng là đào hát) là những người đầu tiên gieo tình yêu nghệ thuật vào trái tim anh kép trẻ hiện đang là một trong những gương mặt trẻ nổi bật của làng cải lương Việt Nam.
Lâm tâm sự cha là người đầu tiên dạy anh hát. Sau thời gian rong ruổi theo nghề, ông đã giải nghệ khoảng 20 năm nay.
2. Người trong giới rất quý Võ Minh Lâm vì anh âm thầm làm từ thiện, giúp đỡ rất nhiều nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ già yếu, khó khăn mà không bao giờ khoe lên mạng cho mọi người biết. Lâm còn là người con hiếu thảo. Đi lưu diễn trong nước hay hải ngoại, có điều kiện là anh dẫn cha mẹ đi cùng.
Trước hung tin của gia đình, buổi chiều đó, tẩn liệm cha xong, Võ Minh Lâm gạt nước mắt, hóa trang để vào Nhà hát truyền hình HTV chuẩn bị cho đêm diễn. Ông Hiền Phương, người phụ trách chương trình Vầng trăng cổ nhạc, mua sẵn chén xúp động viên Lâm ăn có sức để lên sân khấu.
Bước ra sân khấu, Lâm vẫn nhảy vẫn hát theo kịch bản nhưng khi lui vào hậu trường anh quỵ xuống và nước mắt trào ra: "Sau chương trình, chú Hiền Phương cầm micro nói cảm ơn tôi.
Lúc đó, tâm trạng tôi rối bời nên cũng không biết chú cảm ơn vì điều gì nhưng tôi biết rằng việc mình vẫn tham gia đêm diễn là quyết định đúng của người nghệ sĩ dù trong hoàn cảnh nào. Tôi hát đêm nay cũng là hát cho ba tôi nghe...".
3. Chuyện của Võ Minh Lâm khiến người ta nghĩ đến chuyện của anh Kép Tư Bền trong truyện của Nguyễn Công Hoan, cha đang hấp hối mà vẫn phải bước ra sân khấu để chọc cười khán giả.
Và còn rất nhiều trường hợp khác của các nghệ sĩ tiền bối, phải gác những ngổn ngang riêng để đem lại niềm vui cho khán giả. Nghề nào dường như cũng có nỗi niềm riêng. Và đời nghệ sĩ, có những khoảnh khắc giống như sân khấu vận vào mình, cũng bi kịch đến tột cùng.
Nhưng đời nghệ sĩ cũng quá nhiều hạnh phúc khi được khán giả yêu quý. Như nghệ sĩ Hữu Châu hay tâm sự ông đi ăn ở quán lúc đứng dậy đã có một khán giả ái mộ nào đó thanh toán.
Những tình cảm nho nhỏ đó khiến người nghệ sĩ thực sự thấy hạnh phúc và cảm nhận được ý nghĩa của nghề hát, cảm nhận được ân tình của công chúng với nghệ sĩ. Đã chọn nghề này phải chấp nhận có cả hào quang, có cả cay đắng, nỗi niềm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận