Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Nhớ những gương mặt thân thương ấy
Năm năm trước, tôi dạy cấp II tại trường phổ cập giáo dục P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (gọi là trường nhưng thật ra đây là một dạng lớp học tình thương dạy vào ban đêm, mượn địa điểm của Trường tiểu học Bình Hòa). Tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9, mỗi đứa học trò là một hoàn cảnh éo le, đặc biệt, nhưng đa số các em đều có một điểm chung là rất cố gắng vươn lên từ tận cùng những cơ cực, nhọc nhằn trong cuộc sống.
Các em một buổi đi làm, một buổi đi học để hoàn tất chương trình lớp 9. 18g vào học, các em đến lớp với cái bụng đói meo, không kịp ăn gì cả...
1. Nguyễn Hồng Đức: Ban ngày em đi làm phục vụ ở cà phê UDON, chiều đến lớp, về nhà em phải thức đến 2 giờ sáng hôm sau để học bài, em có gương mặt rất sáng, học lực khá. Quanh năm, em chỉ đi làm, đi học, không có một ngày để vui chơi, nghỉ ngơi, kể cả ngày tết. Tốt nghiệp trung học phổ thông, trong lớp chỉ một mình em đậu, còn lại rớt lộp độp như sung!
2. Nguyễn Thanh Hoàng: Cậu bé gầy nhom, gương mặt lúc nào cũng phảng phất nét buồn, em rất hiền lành, học lực khá nhưng đành bỏ cuộc khi học xong lớp 9. Nhà quá nghèo, em phải đi làm vì không đủ điều kiện học tiếp, thật tiếc cho em!
3. Phạm Thanh Hoàng: Em đã học lại lớp 9 lần thứ hai nhưng rồi cũng đành bỏ học khi chưa đến thi học kỳ I. Ba em mới mất, mẹ em còn khá trẻ nhưng mang rất nhiều bệnh tật, chị vẫn phải cố gắng đi dạy tiếng Anh để trang trải cuộc sống. Những giọt nước mắt long lanh sau làn kính cận khi chị nói chuyện với tôi làm tôi ray rứt mãi...
4. Lê Văn Nghĩa: Anh chàng trắng trẻo, đẹp trai, đi học mà xức nước hoa thơm phức, học lực hơi yếu, tôi hỏi: “Ban ngày em đi làm việc gì?”.
“Dạ, em đi làm “gác”!”.
Tôi không hiểu em nói gì, phải nhờ bạn “phiên dịch”: “Nó đi đẩy xe rác đó cô!”. À, thì ra gia đình em ở khu Sở Thùng từ bao đời nay, không có việc gì là xấu em à, quan trọng là mình sống lương thiện bằng sức lao động của chính mình!
5. Nguyễn Văn Điền: Một lần, tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, gặp Điền, tôi hỏi em bệnh gì? Em giơ hai bàn tay cho tôi xem. Trời ơi! Hai bàn tay tấy đỏ vì tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Ban ngày em làm tạp vụ ở một bệnh viện, lương rất thấp, nhưng cũng đỡ đần phần nào cho gia đình. Gương mặt em hằn những nét khắc khổ của một cuộc sống vất vả.
6. Nguyễn Thị Thu Hiền: Cô bé tội nghiệp, 6g vào học, em phải làm đơn xin đi muộn 15 phút vì từ chỗ làm ở Q.1 em đạp xe về không kịp. Thầy cô đều thông cảm cho em, em rất ngoan và học lực trung bình khá.
7. Lâm Thị Phương Thảo: Em làm lớp trưởng với học lực khá giỏi, nhưng hoàn cảnh éo le nhất trong đám bạn, một cô bé ốm yếu, gầy gò nhưng nhiều nghị lực. Mẹ em mất sớm, cha đi làm phụ hồ bị tai nạn lao động nằm một chỗ, ba chị em Thảo sống lay lắt qua ngày nhờ tình thương của xóm giềng. đến học kỳ I năm lớp 11 thì em không cầm cự nổi nữa, ba em phải bán nhà để trả nợ, gia đình em về Bình Dương, em đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng ...
Còn nhiều nữa nhưng tôi không thể nào kể hết được những gương mặt thân thương ấy, các em phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều, cuộc sống đầy vất vả với cuộc mưu sinh và rèn luyện trong học tập, sẽ làm tăng giá trị cho những ai biết trân quý nó. Dù làm gì, ở bất cứ hoàn cảnh nào, các em vẫn sống tốt và làm một công dân tốt, các em nhé!
KIM PHÚC (P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nợ một lời hứa
Bốn năm dạy tại một trung tâm cho những học viên khuyết tật, đó là khoảng thời gian gắn bó rất nhiều kỷ niệm đẹp và ý nghĩa trong tôi với những cô cậu học trò kém may mắn hơn mình - những cô cậu học trò khuyết tật.
Năm đầu tiên về đây công tác, trực tiếp dạy các em, tôi thương các em nhiều lắm. Đứng trên bục giảng nhìn các em, dạy các em, lòng tràn ngập niềm vui vì mình đang làm một việc nhỏ bé nhưng thật ý nghĩa - dạy học trò khuyết tật. Bên cạnh đó, lòng tôi tràn ngập yêu thương khi tâm sự, chia sẻ cùng các em.
Năm đầu tiên tôi dạy hai lớp: 9 và 11 (không có lớp 10 và 12). Sau một tháng dạy ở đây, không hiểu các em truyền tai cho nhau những gì về tôi mà một số em học sinh lớp 6 thấy tôi luôn nở nụ cười chào và nói: “Ba năm nữa con được học thầy rồi”. Những lời như thế thỉnh thoảng tôi lại được nghe các em nói như một lời chào thân thiện. Tôi hạnh phúc vô cùng.
Bước vào năm học thứ hai, tôi dạy ba lớp: 9, 10 và 12. Tôi hạnh phúc vô cùng khi dạy thêm lớp 9 - những cô cậu học trò đã chờ tôi từ năm trước. Và cũng trong năm học này, một niềm vui lớn đến với tôi khi có em T.U. dự thi học sinh giỏi cấp thành phố hệ giáo dục thường xuyên và đã đoạt giải nhì môn ngữ văn với số điểm 7,5 (năm đó không có giải nhất - và T.U. đạt số điểm cao nhất). Biết tin, tôi nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc. Lần đầu tiên trung tâm tổ chức cho học sinh dự thi (vì tôi muốn các em được tham gia như học sinh bình thường nên đã đề nghị cho các em dự thi) và đoạt giải cao nhất. Bước vào năm thứ ba, ngoài niềm hạnh phúc của tôi là đón các em từ lớp 8 lên, tôi có thêm niềm vui khi các em học sinh đã ra trường nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với tôi qua điện thoại, thỉnh thoảng lại về trường thăm tôi.
Bước vào năm thứ tư, tôi dạy các lớp: 9, 10 và 11 (lớp 12 nhiều học sinh chuyển nên số lượng ít, những em muốn học lớp 12 nhưng trung tâm không mở, các em phải ở lại chờ năm học tới). Dù thế, tôi vẫn động viên các em. Riêng em T.V., hai thầy trò vẫn thường liên lạc với nhau. Dù em viết rất chậm và viết rất khó, nhưng tôi vẫn gieo niềm tin và hi vọng cho em năm nay thi học sinh giỏi môn ngữ văn và vào đại học. Tôi đã đưa một số đề và hướng dẫn em làm. Còn các em đang học lớp 11, lớp học tốt nhất trung tâm mà bốn năm qua tôi biết, tôi đã định hướng cho một số em chuẩn bị thi học sinh giỏi cho năm học 2013-2014, thi tốt nghiệp THPT và hướng dẫn các em thi đại học trong khả năng của mình.
Thế rồi hết hợp đồng, trung tâm không ký nữa tôi đành rời xa các em, thực tình tôi không muốn như thế chút nào. Thỉnh thoảng tôi lại đến thăm các em. Các em hiểu tôi, đồng cảm với tôi. Mỗi khi trở lại trung tâm, tôi được đón nhận niềm vui và hạnh phúc từ những cô cậu học trò khuyết tật mà trái tim đầy yêu thương. Tôi yêu các em nhiều lắm. Và tôi cũng hạnh phúc lắm khi các em thường nhắc tới tôi và gọi điện thăm tôi.
Nợ một lời hứa. Tôi đã nợ một lời hứa tới các em nhiều khối lớp ở trung tâm rằng: “Sang năm thầy tiếp tục làm chủ nhiệm lớp em nhé”, “Thầy ơi, chúng em muốn năm học tới thầy tiếp tục dạy và làm chủ nhiệm lớp chúng em, thầy nhé”, “Thầy ơi, sang năm chúng em được thầy dạy rồi”, “Có thầy thì chúng em được chia sẻ nhiều hơn”...
Trăn trở, nghĩ suy, càng thương lũ học trò biết mấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận