09/09/2006 06:35 GMT+7

Những đứa con bị bỏ rơi (kỳ 3): Dưới cội từ bi

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Có người dứt núm ruột của mình ra đi, nhưng cũng có tấm lòng người dưng thầm lặng chăm sóc các bé nên người. Không chỉ nuôi sống một mạng người, họ còn tạo cho đứa trẻ ấy niềm tin về lòng nhân ái. Những mái ấm, nhà mở, nhà tình thương... ra đời đã chở che biết bao cuộc đời.

bZAI30UJ.jpgPhóng to

Chăm sóc trẻ tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: L.A.Đ.

TT - Có người dứt núm ruột của mình ra đi, nhưng cũng có tấm lòng người dưng thầm lặng chăm sóc các bé nên người. Không chỉ nuôi sống một mạng người, họ còn tạo cho đứa trẻ ấy niềm tin về lòng nhân ái. Những mái ấm, nhà mở, nhà tình thương... ra đời đã chở che biết bao cuộc đời.

Kỳ 2: Tình mẫu tử mong manh Kỳ 1: Tiếng khóc “con hoang”

Cho em một vòng tay

“Con ơi, con đang làm gì đó?”, nghe tiếng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng gọi, cậu bé quơ quơ bàn tay nhỏ xíu, cười toe. Ở Bệnh viện (BV) Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) dường như chưa bao giờ ngớt sự có mặt trẻ bị bỏ rơi. Khi thì 5, 10, có lúc lên đến 20 trẻ. Nhiều lúc đông quá, các bé lại tè hoài, thiếu quần áo mặc, các nữ hộ sinh lấy tiền túi mua cho bé cái quần, tấm áo, khi thì đồ chơi lúc lắc. Chị Hồng giải thích: “Trẻ sơ sinh chưa biết đòi “Cô ơi con đau!” hay “Cô ơi con sốt!” nên tự mình phải cảm nhận. Mình đút các em từng muỗng sữa nên nảy sinh tình cảm. Với các em bị dị dạng, sứt môi, mình lại càng thương nhiều hơn”.

Sau đi được BV nuôi khỏe mạnh, cứng cáp, một số đứa trẻ bơ vơ được chuyển về các nhà mở, mái ấm. Một số được những gia đình hiếm muộn nhận. Số khác lớn hơn về ở nhà tình thương của các hội từ thiện. Các em được lớn lên bằng tấm lòng nhân ái của hàng ngàn người.

Các bạn trẻ sau này lớn lên từ nhà tình thương Diệu Giác (Q.2) cứ nhắc mãi hình ảnh các cô tất tả đi bán đồ ăn chay mỗi sớm. Không quầy, không sạp, các cô cứ ngồi dưới lòng chợ. Khi nào bị đuổi thì ôm thúng chạy. Những đứa trẻ mồ côi lớn lên từ những đồng tiền nhọc nhằn ấy. Ngôi nhà chật hẹp ẩm thấp ở một quận vùng ven ngày ấy cứ ngày một đông trẻ bị bỏ rơi.

Mười mấy năm trôi qua, bên cạnh các cô, những thân phận không mẹ không cha lớn lên, trưởng thành nhờ hàng ngàn tấm lòng nhân ái. Đó là bác sĩ Hưng cùng nhóm y bác sĩ BV An Bình nhiều năm qua luôn giúp bữa ăn trưa thứ năm hằng tuần. Đó là bố Hoàng, là những hội từ thiện, nhà hảo tâm, đó là chợ cá... đã đi quyên góp, chắt chiu cho các em có bộ đồ đẹp, quyển tập mới. Hiện nay, nhà tình thương Diệu Giác đang nuôi dưỡng trên 120 em. Niềm vui lớn nhất của ngôi nhà chung này là năm học mới 2006-2007 có em trưởng thành từ đây đã thi đỗ đại học.

Không chỉ nuôi nhiều em lớn lên, dạy các em nên người, những cánh tay từ bi còn nâng các em dậy, cùng các em chiến đấu với tật nguyền. Thầy Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q. Gò Vấp) - khoe với tôi: “Thêm một đứa được thấy ánh mặt trời rồi. Rồi sẽ còn nhiều em được mổ sáng mắt nữa. Kỳ diệu thật!”. Trên khuôn mặt của cậu bé bị bệnh não úng thủy (đầu nước) nở một nụ cười thật xinh khi tôi đến thăm. Khi tôi đi, cậu bé cứ dõi mắt nhìn theo, mắt ướt đẫm…

Khi biết các điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứ mỗi tối mang con mình về nhà để sưởi ấm và chăm sóc, một cặp vợ chồng đã khóc nức nở, cảm động và ăn năn. Hai vợ chồng vốn nghèo, đứa con sinh ra lại quặt quẹo đủ bệnh, suy đi tính lại họ đành bỏ con ở bệnh viện trong một lần điều trị rồi trốn về quê. Cứ đinh ninh con sẽ qua đời, không ngờ đứa trẻ dần khỏe mạnh trong sự đùm bọc của bệnh viện. Ngày nhận thông báo rằng bé đã khỏe mạnh, trái tim người mẹ hạnh phúc đến vỡ ra. Hai vợ chồng xin được rước con về nuôi, dù khốn khó thế nào.

Khát dòng sữa mẹ

“Dù được thương yêu, được ăn mặc đầy đủ, song bé sẽ khó phát triển bình thường nếu sống xa vòng tay mẹ. Bởi lẽ trẻ không chỉ lớn lên bằng sữa mà còn lớn lên bằng tình thương yêu”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết. Có lẽ vì vậy mà phần lớn những trẻ bị bỏ rơi tôi đã gặp đều có đôi mắt buồn.

Lần gặp đầu tiên ở chùa Kỳ Quang 2, bé Đức bất ngờ đưa hai tay đòi tôi bế. 13 tháng tuổi, bé chưa biết nói nhưng gặp ai đến thăm bé cũng đòi bế, thích được hôn, được nựng, dẫu đó là những cử chỉ của người xa lạ. Không ai có thể từ chối sự vòi vĩnh đáng yêu ấy.

Bao nhiêu năm qua, thầy Thích Thiện Chiếu là người đã đi theo các em từng bữa ăn, từng giờ học hành. Tuy nhiên, vị sư già cho biết: “Thầy không thể cho các con tình mẫu tử. Thầy không thể quạt nồng ấp lạnh hơn 200 đứa con như một người mẹ chăm một đứa con. Nhưng các con còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát của chính mình”.

Nhiều em quá nhỏ, cũng không hiểu khái niệm mẹ cha là gì. Đến chùa, mọi người hỏi con ai, các em đồng thanh trả lời: “Con thầy Cả”. Ai sinh con? “Thầy Cả”. Mẹ đâu? Cũng “Thầy Cả”. Mỗi khi thầy đi đâu về, các em lại hồn nhiên leo lên lưng, lên vai. Có em đòi thầy bóc kẹo, có em chui vào áo cà sa của thầy đùa giỡn. Có khách đến, dù chưa quen biết nhưng có em chạy đến bên khách, dụi đầu vào lòng khách nũng nịu làm quen.

AlUUsCg2.jpgPhóng to
Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM), vui đùa cùng một em bé bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng - Ảnh: Y.T.
Nỗi mất mát càng nhân đôi với những trẻ tật nguyền. Quanh năm ngồi trên xe lăn, trong giường sắt, các em thèm lắm một cái nắm tay, một nụ cười. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bé gái chừng 7-8 tuổi ngồi trong giường đã nhổm người nhảy bằng mông khi thấy có khách đến thăm.

Không biết nói, không đứng lên được bằng đôi chân, nhưng em biểu lộ cảm xúc bằng cách giơ hai tay về phía trước. Khi bàn tay cong queo ấy chạm tay người khác, bé cười toe. Một bé khác bị liệt hai chân cũng trườn người đưa khuôn mặt cọ cọ vào tay người. Và khi bàn tay khách áp vào má bé, mắt bé nhắm thiêm thiếp, môi hấp háy cười.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng nói: “Những trẻ bị bỏ rơi dường như ngoan hơn, ít nhõng nhẽo hơn những đứa trẻ bình thường”. Lúc cao điểm, tại khoa có nhiều trẻ bị bỏ rơi nên các nữ hộ sinh vất vả nhiều. Lúc ấy chị Hồng vẫn dỗ các bé: “Bú khỏe. Bú ngoan. Hôm nay nhiều quá rồi, mẹ không có nhiều thời gian chăm con đâu!”.

Chẳng biết các bé có cảm nhận được không mà tất cả đều bú ngoan, ít quấy hơn thường ngày. Chị Hồng kể thường sau một vài tháng chăm sóc, số trẻ bị bỏ rơi tại BV sẽ được chuyển đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi một lần để chuẩn bị đón số trẻ mới. Trước khi đi một ngày, các nữ hộ sinh dỗ dành: “Thôi nghe. Tạm biệt nghe. Mai con đi rồi!”. Dường như hôm đó tất cả các bé đều không chịu bú.

Những đứa trẻ càng lớn, khát vọng được về bên cha mẹ càng thôi thúc. Có những đứa trẻ đã được trở về, thông cảm cho cha mẹ, vì hiểu rằng lòng cha mẹ cũng tan nát khi bỏ con bơ vơ.

Dù đi về đâu, những đứa trẻ bị bỏ rơi đều cùng mơ một ước mơ.

Kỳ tới: Khát vọng cội nguồn

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên