Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (trái) và ông Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - trao học bổng cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: MINH CHIẾN
Với chủ đề "Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID-19 đến giảng đường", sáng 21-12 tại TP Nha Trang, báo Tuổi Trẻ phối hợp với ba tỉnh đoàn Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 77 tân sinh viên, với tổng kinh phí hơn 795 triệu đồng.
Tại buổi trao học bổng, không gian như lắng đọng khi đoạn clip về hai em sinh viên Ngô Khánh Phương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) và Quảng Thị Mỹ Thắm (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, sinh viên Khoa y, ĐH Quốc gia TP.HCM) được trình chiếu. Nhiều em sinh viên không kìm được nước mắt, đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn như mình.
Đôi khi nhìn bạn bè có ba mẹ em tủi thân dữ lắm, mấy lúc buồn chẳng biết tâm sự cùng ai. Nhưng mà thôi, em vẫn phải bước tiếp, em sẽ cố gắng học rồi kiếm tiền phụ mấy dì nuôi em. Sau này ra trường có việc làm ổn định, em dự định sẽ mở phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo.
Quảng Thị Mỹ Thắm
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Từ khi sinh ra Khánh Phương đã không biết mặt ba, mẹ lại bị khuyết tật hai chân teo nhỏ, vì vậy hai mẹ con cứ rau cháo, nuôi nhau sống qua ngày. Số tiền trang trải sinh hoạt phí, cho Khánh Phương đi học tất cả đều phụ thuộc vào việc may vá lúc có lúc không của mẹ.
Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn Phương đành trễ hẹn một năm với ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Trong suốt một năm đó, em vừa làm thêm vừa ở nhà ôn bài, cuối cùng công sức của Phương đã được đền đáp khi em trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
"Vừa làm thêm rồi ôn thi lại khiến cho em nhiều lúc cảm thấy rất áp lực, đã có rất nhiều lần em định từ bỏ, đi làm công nhân. Nhưng rồi em lại suy nghĩ chỉ có học mới có công việc ổn định lâu dài. Dù có khó khăn đến mấy em cũng nhất định sẽ thực hiện được ước mơ làm cô giáo của mình".
Khi người dẫn chương trình nói rằng Phương là một tấm gương vượt khó, Phương đã rất xúc động nói rằng: "Em là tấm gương nghị lực nhưng người nghị lực nhất là mẹ của em. Dù bị khiếm khuyết trên cơ thể nhưng mẹ luôn bên cạnh, cố gắng bù đắp cho em. Nếu em sinh ra ở trong một gia đình khác, em không có đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn".
Lặng lẽ ngồi quan sát con gái ở dưới sân khấu, bà Ngô Thị Thanh Lý bất ngờ lái chiếc xe lăn lên sân khấu. Cả khán phòng như vỡ òa vì cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, không thông báo trước của mẹ con Phương.
"Con đậu đại học tôi mừng lắm, chỉ có học mới thoát nghèo. Mình sống cả đời vì con, tôi không có gì cho con, chỉ mong nó có đủ sức khỏe, vui vẻ nhập học đừng lo gì cho tôi, tôi tự chăm sóc mình được, tương lai của con mới là điều quan trọng nhất" - bà Lý nói.
Kém may mắn hơn Phương, mẹ của Thắm mất lúc em mới 10 tuổi, ba em đi bước nữa. Hai chị em Thắm tự bảo bọc, sống với nhau tại nhà dì. Thiếu mẹ lại không được ở bên ba, Thắm chưa từng nghĩ mình sẽ vào đại học. Một mình Thắm phải làm 2 - 3 công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
"Ba em dù không sống cùng hai chị em nhưng khi biết em có ý định nghỉ học vì không có tiền thì ba định bán đất để lo cho em, các cô dì chú bác thì nói sống tới từng tuổi này rồi khó khăn nào cũng trải qua, dù lo thêm hai chị em thì cũng ráng để hai đứa học đến nơi đến chốn" - Thắm kể.
Thắm tâm sự em thích hoa xương rồng vì em giống loài hoa này, luôn mạnh mẽ và vươn lên ở những nơi khắc nghiệt nhất. Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực Thắm đã được tuyển thẳng vào Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM.
Mẹ của Khánh Phương bất ngờ xuất hiện khiến cả hội trường như vỡ òa - Ảnh: VĂN HƯỚNG
Chắp cánh cho những giấc mơ bay cao
Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định và Khánh Hòa đều có những tấm gương sinh viên hiếu học, vượt lên mọi nghịch cảnh, khó khăn, nhất là trước tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...
"Năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, ban tổ chức gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn kinh phí nhưng không vì thế mà chương trình lại lỗi hẹn với các em tân sinh viên.
Việc tiếp sức kịp thời của chương trình đã tiếp tục trao thêm cho các sinh viên niềm tự hào về sự nỗ lực trong học tập, ý chí vượt khó; trao thêm cơ hội để các em sẽ trở thành những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân giỏi trong tương lai" - ông Thiệu nói.
Là nhà tài trợ, gắn bó với báo Tuổi Trẻ gần bảy năm, ông Nguyễn Thành Tuyến - phó chủ tịch công đoàn Tổng công ty Khánh Việt - đánh giá chương trình trao học bổng "Tiếp sức đến trường" là một chương trình có ý nghĩa nhân văn rất lớn.
Thông qua chương trình này báo Tuổi Trẻ không chỉ là chiếc cầu nối các tấm lòng nhân ái của bạn đọc để chăm lo cho thế hệ trẻ, mà còn tạo cho các em tân sinh viên một niềm tin, ý chí vượt khó, vươn lên học tập thật tốt để sau này ra trường trở thành công dân tốt cho xã hội.
Hành trình "Tiếp sức đến trường" vẫn tiếp tục
Sau 18 năm thực hiện, học bổng "Tiếp sức đến trường" đã hỗ trợ 20.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường ĐH, CĐ với tổng số tiền hơn 146,5 tỉ đồng.
Riêng năm 2021 đồng thời cũng là năm thứ 19 của chương trình, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng.
Ngoài ra, Quỹ khuyến học Vinacam còn tài trợ 50 laptop tổng trị giá hơn 600 triệu đồng cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập; Công ty Nestle Việt Nam ủng hộ 1.500 balô làm quà tặng cho tân sinh viên, tổng trị giá 230 triệu đồng...
Chương trình sẽ được tiếp nối tại các tỉnh, thành cả nước theo khu vực miền Trung, miền Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận