Đạo diễn Quốc Sơn chia sẻ thêm: "Với độ dài chỉ hơn 20 phút, Hoa bóng đá khó truyền tải hết những cay đắng ngọt bùi của các tuyển thủ nữ.
Tôi cố gắng dồn nén các tình tiết trong một tập bằng cách chỉ dùng khoảng hai phút cho lời bình, thời lượng còn lại là những tâm sự của các nhân vật trong cuộc để qua đó làm nổi bật sự bền bỉ, hi sinh, vượt lên khó khăn của các cô gái vàng mang vinh quang về cho Tổ quốc".
Những cú sút ghi bàn thắng của các cầu thủ nữ tại các kỳ SEA Games, nét mặt kìm nén sự đau đớn của cựu cầu thủ Kim Chi khi bị chấn thương để ghi bàn thắng vào lưới đối phương, cảnh sinh hoạt đời thường còn nhiều vất vả...
Đó là những hình ảnh mở đầu cho câu chuyện của bóng đá nữ Việt Nam trong quá trình phát triển 85 năm qua.
Mất hơn hai năm mới thực hiện xong bộ phim, đạo diễn Trần Quốc Sơn giải thích:
"Đội bóng xưa đã tan rã từ lâu. Công tác lưu trữ cũng không có nhiều nên chúng tôi phải nhờ đến các mối quen biết, liên hệ nhiều nơi mới tìm ra các nhân chứng".
Đoàn phim đã đến Vĩnh Long, gặp và trò chuyện với cháu nội bà Lại Thị Chỏi - thủ môn của đội Cái Vồn - đội bóng nữ đầu tiên Việt Nam được thành lập năm 1932.
Người em của bà là Lại Thị Quới cũng là tiền vệ của đội bóng. Thời lập đội nữ Cái Vồn, bà mới 22 tuổi và làm nghề "bỏ hột vịt" khắp lục tỉnh. Sau khi đội banh tan rã năm 1938, cả gia đình bà tham gia cách mạng.
Bà Chỏi còn hiến đất xây dựng trường tiểu học cho các em vùng sâu có điều kiện học tập. Người xem cũng được lắng nghe câu chuyện của đội bóng đá nữ lập tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang năm 1978, quy tụ các chị em trong xã chủ yếu làm nghề nông, nội trợ.
Từ thuở đầu như thế, lịch sử bóng đá nữ ngày càng dày thêm với những thành tích rạng danh khu vực.
Từ lúc thành lập đến nay, bóng đá nữ Việt Nam đã năm lần giành huy chương vàng SEA Games, hai lần vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á và đã bảy lần vào vòng chung kết bóng đá nữ châu Á. Hiện đội bóng đang hướng tới suất dự World Cup thế giới.
Để đạt được những dấu mốc đó, các cô gái trẻ phải đánh đổi tuổi thanh xuân, mồ hôi, nước mắt và thậm chí còn phải đổ cả máu: có những cầu thủ đã lập gia đình nhưng phải hoãn chuyện sinh con để tập trung thi đấu, hoãn... đêm tân hôn và thậm chí có những giây phút buồn khi không thể ở gần người thân đang lâm trọng bệnh...
Hay như câu chuyện cầu thủ Kim Hồng vừa mới sinh em bé xong sáu tháng sau lại tiếp tục tập luyện.
Cô gái ấy từng đối diện với chấn thương tưởng như phải chấm dứt hẳn sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.
Nhưng bằng nghị lực của mình, Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2010 đã vượt qua tất cả khó khăn để sống tiếp con đường mình đam mê...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận