29/07/2017 14:56 GMT+7

​Những điều cần biết về ung thư tiền liệt tuyến

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế

Ung thư tiền liệt tuyến phát triển ở tiền liệt tuyến của nam giới. Tiền liệt tuyến là một tuyến có hình dạng giống quả hồ đào (hay óc chó), nằm ngay phía dưới bàng quang, có chức năng tiết ra tinh dịch ở nam giới.

Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư xảy ra nhiều nhất ở nam giới chỉ sau ung thư da. Ung thư tiền liệt tuyến thường tiến triển chậm và không gây ra tổn thương trầm trọng. Tuy nhiên, có một vài dạng lại có tính xâm lấn mạnh và có thể lan rộng nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Trong giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng gì rõ rệt. Khi bệnh tiến triển thì có các triệu chứng như: tiểu tiện thường xuyên, đặc biệt là ban đêm; khó tiểu lúc bắt đầu hay khi kết thúc; dòng nước tiểu ra yếu hay đứt quãng; có cảm giác đau, nóng rát khi tiểu hay khi xuất tinh; có máu trong nước tiểu hay tinh dịch; khi ung thư tiến triển xa có thể gây ra đau trong sâu ở vùng lưng dưới, hông hay bắp đùi.

Phì đại tiền liệt tuyến hay ung thư tiền liệt tuyến

Tiền liệt tuyến có thể phát triển lớn ra khi tuổi cao, thỉnh thoảng chèn ép vào bàng quang hay niệu đạo và gây triệu chứng tương tự như ung thư tiền liệt tuyến. Trường hợp này được gọi là phì đại tiền liệt tuyến lành tính. Đây không phải là ung thư và được chữa trị nếu triệu chứng gây khó chịu. Bệnh thứ ba có thể gây ra triệu chứng về tiết niệu là viêm tiền liệt tuyến. Bệnh viêm tiền liệt tuyến này có thể gây sốt và thường chỉ cần điều trị nội khoa.

Yếu tố nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến

- Không kiểm soát được

Cao tuổi là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư tiền liệt tuyến, đặc biệt là trên 50 tuổi. Sau 70 tuổi, các công trình nghiên cứu cho thấy nam giới thường mắc phải một vài dạng ung thư tiền liệt tuyến mặc dầu không biểu hiện triệu chứng. Tiền sử gia đình làm tăng yếu tố nguy cơ ở nam giới. Người châu Mỹ và châu Phi có tần suất mắc bệnh cao hơn.

- Có thể kiểm soát được

Chế độ ăn đóng một vai trò chủ yếu trong phát triển ung thư, thường xảy ra ở các nước tiên tiến. Lý do về mối liên quan này chưa rõ. Chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là từ mỡ động vật, có thể làm tăng nồng độ kích thích tố nam. Và điều này tạo điều kiện để tế bào ung thư tiền liệt tuyến phát triển. Chế độ ăn quá kém về trái cây và rau xanh cũng có thể đóng vai trò gây bệnh.

Khám nghiệm

- Khám nghiệm DRE và PSA

Thăm khám DRE (Digital rectal exam: thăm khám bằng ngón tay qua trực tràng) có thể nhận biết khối u hay các điểm cứng trên tiền liệt tuyến. Sau khi thăm khám, có thể cho xét nghiệm để định lượng nồng độ PSA (Prostate-specific antigen: kháng thể đặc hiệu của tiền liệt tuyến), một loại protein được tế bào tiền liệt tuyến sản sinh. Nếu nồng độ cao, có nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên cũng có trường hợp PSA cao nhưng không phải ung thư ngược lại nồng độ PSA bình thường mà lại bị ung thư tiền liệt tuyến.

Nồng độ PSA bình thường: 4 nanograms mỗi mililit (ng/mL) máu,

Nếu PSA > 10 ng/ml : nguy cơ cao

- Sinh thiết

Nếu khám lâm sàng hay xét nghiệm PSA cao thì cần làm sinh thiết để có chẩn đoán xác định. Phẫu thuật viên đâm kim hoặc xuyên qua thành trực tràng hoặc vùng da nằm giữa trực tràng và bìu dái để lấy ra nhiều mẫu tế bào và quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết là giải pháp tốt nhất để chẩn đoán và tiên lượng ung thư tiến triển nhanh hay chậm.

- Khám hình ảnh học

Để xem thử ung thư có lan rộng không, cần phải khám nghiệm về hình ảnh học bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI). Có thể chụp xạ ảnh xương để phát hiện ung thư có lan đến xương không.

Các giai đoạn của ung thư tiền liệt tuyến

Phân chia giai đoạn để mô tả sự lan rộng (di độc) của ung thư và để xác định liệu pháp tốt nhất.

Giai đoạn I: Ung thư nhỏ và giới hạn trong tiền liệt tuyến.

Giai đoạn II: Ung thư lớn hơn và vẫn còn giới hạn trong tiền liệt tuyến.

Giai đoạn III: Ung thư lan rộng ra khỏi tiền liệt tuyến và cận kề túi tinh.

Giai đoạn IV: Ung thư lan rộng đến hạch bạch huyết, các cơ quan lân cận như bàng quang hay trực tràng hay xa hơn nữa như xương hay phổi (giai đoạn di độc).

Điều trị

- Liệu pháp xạ trị

Xạ trị là phương pháp dùng một loại năng lượng, được gọi là phóng xạ ion-hóa, để tiêu diệt tế bào ung thư và làm teo khối u. Xạ trị có thể được sử dụng trước tiên hay là sau khi phẫu thuật. Xạ trị cũng có thể giúp cho bớt đau xương nếu như ung thư di độc đến xương. Có 2 phương pháp xạ trị:

+ Ngoại xạ trị (EBRT: External beam radiation therapy) sử dụng tia bức xạ cao, do một thiết bị phát ra, hướng vào khối u từ bên ngoài cơ thể.

+ Nội xạ trị (còn gọi là liệu pháp ngắn, brachytherapy) bằng cách đặt một vật liệu phóng xạ trực tiếp vào trong khối u hoặc bên cạnh. Nội xạ trị cho phép chuyên viên sử dụng một liều lượng toàn phần cao hơn để tấn công một vùng nhỏ hơn và trong thời gian ngắn hơn so với liệu pháp ngoài thân.

- Phẫu thuật

Phương pháp cắt bỏ toàn bộ tiền liệt tuyến được sử dụng để diệt trừ ung thư tiền liệt tuyến. Phương pháp mới sử dụng đường cắt nhỏ hơn và tìm kiếm kỹ để tránh làm thương tổn các dây thần kinh kế cận. Nếu hạch bạch huyết đã bị di độc, thì liệu pháp cắt bỏ tiền liệt tuyến không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện và sinh dục nhưng cả hai sự rối loạn đó có thể được cải thiện về sau.

- Liệu pháp hoc-môn

Liệu pháp hoc-môn có thể làm teo hay làm chậm sự tăng trưởng của ung thư tiền liệt tuyến nhưng phải kết hợp với liệu pháp khác mới diệt trừ được ung thư. Thuốc hay hoc-môn chỉ ức chế hay làm ngừng sự sản sinh testosteron và các loại hoc-môn nam khác, được gọi là androgen. Tác dụng phụ bao gồm phừng mặt, tăng trưởng tế bào ngực, tăng cân và bất lực.

- Hóa trị liệu

Hóa trị liệu có mục đích tiêu diệt những tế bào ung thư ở khắp nơi trong cơ thể, nên liệu pháp này thường được dùng để điều trị ung thư tiến triển xa và ung thư không đáp ứng với liệu pháp hoc-môn. Hóa trị liệu thường được dùng bằng đường tĩnh mạch và liệu trình kéo dài từ 3-6 tháng. Do hóa trị liệu tiêu diệt tất cả các tế bào phát triển nhanh trong cơ thể, nên người bệnh sẽ bị rụng tóc và đau miệng. Tác dụng phụ khác gồm có buồn nôn, nôn ói và mệt mỏi.

- Liệu pháp đông lạnh

Liệu pháp đông lạnh là làm đông cứng các tế bào ung thư trong tiền liệt tuyến và tiêu diệt chúng. Liệu pháp này không được sử dụng rộng rãi bởi vì hiệu quả lâu dài ra sao thì chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên đây là liệu pháp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật và thời gian hồi phục mau hơn. Bởi vì sự đông lạnh làm tổn thương dây thần kinh, nên hơn 80% đàn ông bị rối loạn cường dương sau điều trị đông lạnh. Người bệnh có cảm giác đau và nóng tạm thời ở bàng quang và ruột.

- Văc-xin chống ung thư tiền liệt tuyến

Văc-xin này được chế tạo để chữa trị, chứ không phải phòng ngừa, bằng cách làm tăng hệ miễn dịch của cơ thể để tấn công tế bào ung thư. Tế bào miễn dịch được trích xuất từ máu và được hoạt hóa để chống lại ung thư, sau đó được tiêm trở lại vào máu của người bệnh. 3 liệu trình thực hiện trong một tháng. Vắc-xin này được sử dụng trong trường hợp ung thư tiến triển xa và không còn đáp ứng với liệu pháp hoc-môn. Tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, buồn nôn và sốt.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên