24/06/2018 19:21 GMT+7

Những đề thi gây tranh cãi

V.HÀ - H.HƯƠNG
V.HÀ - H.HƯƠNG

TTO - ''Em nghĩ gì về học sinh dũng cảm cứu người bị nước cuốn?''. Đề thi môn văn được nhiều người khen hay nhưng cũng bị không ít người phản đối.

Những đề thi gây tranh cãi - Ảnh 1.

Một đề thi lạ môn văn của Sở GD-ĐT TP.HCM 2015-1016 - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Tôi cũng là một nhà giáo nhưng tôi không dạy con mình cứu người đến mức kiệt sức để bị nước cuốn. Tôi dạy con dũng cảm nhưng phải biết trân quý và giữ gìn tính mạng của mình

Bà NGUYỄN HỒNG NHUNG

Tốt hay không tốt?

Đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã gây nên những ý kiến trái chiều khi đưa ra vấn đề: "Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7 Trường trung học phổ thông Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến.

Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi".

Ngoài những ý kiến khen đề thi hay, khơi gợi lòng dũng cảm trong giới trẻ, rất nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng: đây là vấn đề nhạy cảm, không nên đưa vào đề thi. Năm đó báo Tuổi Trẻ đã nhận được lá thư của bà Nguyễn Hồng Nhung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Bà Nhung viết: "Tôi cũng là một nhà giáo nhưng tôi không dạy con mình cứu người đến mức kiệt sức để bị nước cuốn. Tôi dạy con dũng cảm nhưng phải biết trân quý và giữ gìn tính mạng của mình. Nếu con tôi viết ra điều tôi đã dạy thì liệu có được điểm tối đa không?

Hành động quên mình cứu người của em Nam đúng là dũng cảm thật nhưng khiến gia đình em ấy phải chịu mất mát, đau đớn. Đề thi ra như vậy là không phù hợp và không thể chấp nhận bởi thí sinh đang đứng ở ngưỡng cửa vào đời".

Tại Hà Nội năm ấy, khá nhiều thí sinh ở các điểm thi khu vực nội thành đều hào hứng khi nói về "câu hỏi mở" này. "Cảm phục trước hành động dũng cảm nhưng có nhiều thí sinh cũng cho rằng cần tính tới các giải pháp ngăn ngừa đuối nước, cần phải biết bảo vệ bản thân khi cứu mạng người khác...".

Đề thi văn vào lớp 10 chuyên Trường PT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2015 cũng tạo thành "cuộc chiến" trên mạng xã hội bởi câu hỏi: "Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em (Nguyễn Nhật Ánh). Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm, em hãy giới thiệu về một nhà văn là "trụ đỡ tinh thần" của em".

Nhiều giáo viên cho rằng: Nếu thí sinh chẳng có nhà văn nào là "trụ đỡ tinh thần" của mình thì sao? Người thì cho rằng đề đánh đố thí sinh vì không có trong chương trình sách giáo khoa, trong khi nhiều giáo viên cho đây là câu hỏi mở rất hay.

Ở đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ khối D năm 2012 có một câu trong đề thi văn yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về nhận định "Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa". Đây là vấn đề cũng gần gũi, thậm chí đề cập thẳng vào một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ lúc đó. Nhưng tranh cãi vẫn nổ ra.

"Một phụ huynh của học sinh lớp 12 tôi dạy năm đó đã gọi điện phản ứng gay gắt với đề thi "thần tượng" vì cho rằng đề khích lệ bọn trẻ sa đà hơn vào việc si mê thần tượng. Con gái người này từng bỏ học để tổ chức họp fan của một nhóm nhạc Hàn Quốc" - một cô giáo cho biết.

Truy tìm bản gốc thơ Lưu Quang Vũ

Đó là chuyện xảy ra ở môn ngữ văn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Cụ thể, ở câu đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, đoạn trích trong đề ở dòng thứ ba là: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa".

Trong khi đó, theo nhiều giáo viên, bản gốc của đoạn trích này phải là: "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa". Thế là tranh cãi xảy ra, không chỉ giáo viên mà giới phê bình văn học, các chuyên gia về văn hóa cũng vào cuộc.

Nguồn tài liệu của đề thi đã ghi rõ là: tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985 (NXB Giáo Dục, 1985). Trong tập Thơ tình của Lưu Quang Vũ (NXB Văn Học, H.2002), Lưu Quang Vũ - Thơ và đời (NXB Văn Hóa - Thông Tin, H.1999) và một số sách bình luận bài thơ này đều ghi là: "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa". Với các viện dẫn này, nhiều người khẳng định "đề thi không chính xác".

Khi đó, Tuổi Trẻ đã tìm đến PGS.TS Lưu Khánh Thơ - công tác ở Viện Văn học, là em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ, người đã có nhiều công trình viết về Lưu Quang Vũ. PGS Lưu Khánh Thơ cho biết: Bản thảo bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ là: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" nhưng khi đưa đến báo Văn Nghệ vào năm 1978, biên tập viên báo Văn Nghệ đề nghị sửa lại là "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Lưu Quang Vũ đồng ý nên văn bản bài Tiếng Việt được công bố đầu tiên trên báo Văn Nghệ là như vậy. Nhưng đến khi đưa bài thơ vào tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-1985 (Nguyễn Đức Nam chủ biên, NXB Giáo Dục, 1985), nhóm biên soạn đã sử dụng lại nguyên tác (bản thảo) của Lưu Quang Vũ là: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa".

"Tôi cho rằng khi viết "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa", Lưu Quang Vũ muốn thể hiện những phẩm chất khác nhau, đối lập nhau của tiếng Việt: giữa tục và thanh, giữa xù xì và óng ả... Việc đối lập như thế có ấn tượng mạnh hơn là "như đất cày, như lụa"" - PGS.TS Lưu Khánh Thơ cho biết.

Tranh cãi ồn ào và phải nhờ tới trọng tài là người trong cuộc, người nhà của tác giả lên tiếng, Bộ GD-ĐT năm đó thở phào vì "không sai".

Những đề thi gây tranh cãi - Ảnh 3.

Các thí sinh bàn luận xung quanh một đề thi gây tranh cãi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Lớp 6 có hiểu "tình mẫu tử"?

Năm học 2015-2016, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM cũng gây xôn xao khi ra đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn văn cho học sinh lớp 6: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con" (Chế Lan Viên, Con cò). Từ ý thơ trên, em hãy kể một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử".

Đề thi này đã gây bão trên mạng vì một số giáo viên và phụ huynh cho rằng học sinh lớp 6 không thể hiểu tình mẫu tử là gì thì sao làm bài được? Trong khi đó, cũng rất nhiều giáo viên và học sinh phản biện: "Đừng coi thường các con. Nhiều em mới lớp 5 đã hiểu rồi". Và một "cuộc chiến bàn phím" đã nổ ra trong nhiều ngày nhưng bất phân thắng bại.

Cuối cùng, người ra đề đã phải giải thích: "Nếu học sinh không hiểu tình mẫu tử thì khi đọc hai câu thơ trên sẽ hiểu ngay nội dung đề".

_________

Những đề thi gây 'bão' - Kỳ tới: Những đề thi đặc biệt

V.HÀ - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên