Bác sĩ Trần Thanh Linh thăm chị Bảo Châu trong thời gian chị điều trị tại bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP. Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhớ lại quá trình 'lội ngược dòng', ai nấy cũng cho rằng đó là một phép mầu đến từ nỗ lực cứu chữa của các y bác sĩ và ý chí chiến thắng bệnh tật.
Cơn mưa bất chợt giữa tiết trời nắng cháy da của Sài Gòn đã không thể nào ngăn được quyết tâm của Bảo Châu. Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày cô thực hiện lời hứa "sẽ vào Bệnh viện Chợ Rẫy" sau gần 6 tháng khỏi bệnh.
Dĩ nhiên lần này không phải vào để điều trị, người mà cô muốn gặp, không ai khác là bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, người đã cho cô một "cơ hội cuối cùng" và xem cô như là một "món quà tinh thần".
Cô gác lại mọi công việc, từ quận 1 dong xe máy hướng về Bệnh viện Chợ Rẫy. Dọc đường đi, Châu tạt vào một tiệm hoa tươi ngắm nghía, tỉ mẩn chọn lấy bó hoa tươi tắn nhất. Đó là món quà mà cô muốn dành tặng cho vị ân nhân của đời mình.
"Chào người yêu bé nhỏ. Hôm nay em lên bao nhiêu kg rồi, để xem ốm yếu, tròn mập, xinh đẹp như thế nào nào" – giọng bác sĩ Linh hồ hởi khi gặp lại Châu tại sảnh Bệnh viện Chợ Rẫy.
Châu bẽn lẽn "khoe" nay chỉ còn 97kg, sức khỏe dần ổn định, chỉ gặp một chút khi tim mạch còn đập nhanh mỗi lúc vận động và cô vẫn kiên trì tập luyện để sớm trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể.
"Người yêu bé nhỏ" chính là tên gọi thân mật, các bác sĩ thường dùng để gọi Châu, với mong muốn khích lệ, tạo cho cô cảm giác được yêu thương và không còn cô độc khi đối diện với sự sống và cái chết.
Châu cũng là bệnh nhân đặc biệt trong số các bệnh nhân đặc biệt mà bác sĩ Linh từng điều trị, bởi nghị lực sống mạnh mẽ trước một cơ hội vô cùng ít ỏi.
Chị Bảo Châu về thăm lại bác sĩ Trần Thanh Linh, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, người đã cùng các đồng nghiệp của mình cứu sống chị Châu - Video: HOÀNG LỘC - DUYÊN PHAN
Phép mầu
Giữa tháng 7-2021, khi TP.HCM bắt đầu bùng phát dịch mạnh cũng là lúc Bảo Châu mắc COVID-19 sau nhiều ngày tưởng… sốt siêu vi. Cô được chuyển xuống Bệnh viện Củ Chi cách ly và chỉ sau 2 ngày phải vào phòng ICU (hồi sức tích cực) khi SpO2 tụt sâu.
Qua ngày hôm sau Châu ngất lịm, khi tỉnh dậy đã là ngày thứ 20 nằm trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
"Lúc ấy mọi thứ với em rất mơ hồ, em không nhận thức được mình đang ở đâu cho đến khi trò chuyện được với các bác sĩ và điều dưỡng. Em giật mình không ngờ mình đã nằm bệnh viện lâu đến thế" – Châu nhớ lại.
Tỉnh táo một chút, cô biết thêm bệnh của mình rất nặng, các bác sĩ phải rất cân nhắc khi đưa ra quyết định đặt ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo), bởi lúc này thể trạng cô đang phải chịu đa tổn thương phổi, gan, thận, tim… trên nền cơ địa béo phì.
Trong những ngày ấy, điều cô bảo nhớ nhất và dường như luôn văng vẳng bên tai là câu nói của bác sĩ Linh: "Cho bé này thêm một cơ hội". "Và vì cơ hội mà bác sĩ đã trao, nhất định em phải sống, sống một cuộc đời tốt hơn để không phụ lòng công ơn của bác sĩ" – Châu bộc bạch.
"Thoát ly" khỏi ECMO, Châu lại đối diện với chuyện phục hồi các chức năng hậu COVID-19. Cơ địa mập mạp khiến việc vận động lật tới lật lui như một cực hình; cô không khỏi lo lắng liệu mình có cai được máy thở không, có về nhà được không?
Bảo Châu tạt vào một tiệm hoa tươi ngắm nghía, tỉ mẩn chọn lấy bó hoa tươi tắn nhất làm qùa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhưng những lúc ấy, các bác sĩ lại xuất hiện, vỗ nhẹ vai động viên: "Được chứ em, cố gắng lên, trước sau gì cũng về nhà".
"Trời ơi, các y bác sĩ sống trong môi trường đầy áp lực như vậy mà vẫn có thể tích cực, nhiệt huyết thì tại sao mình lại tiều tụy và suy nghĩ tiêu cực". Và cũng chính suy nghĩ ấy, cộng với sự động viên của các y bác sĩ đã tiếp thêm năng lượng để cô tập thở, tập cử động tay chân, tập uống nước, tập ngồi dậy và bình phục mỗi ngày.
Tất cả sự tiến bộ ấy, Bảo Châu gọi đó là một phép mầu từ bác sĩ Linh, bác sĩ Lực, bác sĩ Huy và các nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19.
Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ trường hợp của Châu cũng giống với tình trạng của chiến sĩ Công an quận Tân Phú, bị tổn thương phổi phải chạy ECMO từng được Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống ngoạn mục.
"Với thể trạng của Châu rất khó để cai ECMO và máy thở. Nhưng phải nói thật, cô ấy rất nghị lực. Dù đau đớn nhưng cô ấy không muốn sử dụng thuốc an thần, ngay cả lúc xuất huyết phổi, bác sĩ kêu tập thở cũng ráng nghe lời tập thở.
Trước nỗ lực phi thường như thế khiến chúng tôi phải càng nỗ lực để đưa em ấy thoát khỏi cửa tử" – bác sĩ Linh xúc động nói. Sau những gì đã xảy ra với mình, điều Châu bảo khác biệt lớn nhất với mình là sự thay đổi trong nhận thức về cuộc sống.
"Các bác sĩ đã có công giữa lại mạng sống, mình phải sống có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, với gia đình và những người yêu thương mình xung quanh" - Châu nói
Từ một người có lúc chạy theo công việc, tiền bạc hay thậm chí không nghĩ mình mắc COVID-19 và… chết trẻ, nay cô sống chậm hơn, tình cảm và có trách nhiệm hơn.
Chị Châu trên đường đến bệnh viện Chợ Rẫy thăm lại người đã cứu sống mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tỉnh dậy là thấy mùa xuân đã về
Ngày bệnh nhân Vũ Quốc Dũng (28 tuổi, quận Gò Vấp) xuất viện, trước mắt anh là màu của những đóa mai vàng. Với cân nặng 140kg, Dũng là ca bệnh đặc biệt hiếm gặp, được các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 16 cứu sống ngoạn mục và hồi phục mạnh mẽ sau gần 3 tháng chiến đấu với COVID-19.
Từ tháng 11-2021, Dũng phát hiện mắc COVID-19. Ban đầu anh được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhưng không lâu sau thì được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện dã chiến số 16 và rơi vào cơn hôn mê sâu hàng tháng trời.
Lúc bấy giờ, tình trạng của Dũng được các bác sĩ vắn tắt: "Suy hô hấp nặng, bệnh nền đái tháo đường type 2, béo phì độ 3 và chỉ số khối cơ thể (BMI) đến 48kg/m2". Các bác sĩ đã tiên lượng Dũng sẽ phải đối diện với các nguy cơ diễn tiến nặng rất nhanh.
Sau gần 3 tháng chiến đấu với COVID-19, Quốc Dũng xuất viện trở về nhà trong niềm vui của gia đình, các nhân viên y tế - Ảnh: THU HIẾN
Chỉ 18 giờ sau nhập viện, các bác sĩ phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO. Lúc này, phổi của Dũng đã tổn thương nặng, đông đặc đến 80% thể tích phổi, tính mạng của chàng trai trẻ như đèn treo trước gió.
"Có thời điểm phổi của bệnh nhân diễn tiến nặng đến mức mặc dù được hỗ trợ ECMO hoàn toàn, oxy hóa máu vẫn không đủ đảm bảo, thậm chí đe dọa tử vong.
Nhưng các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đều quyết tâm cứu bằng được tính mạng bệnh nhân, dù hy vọng khá mong manh", bác sĩ Giang Minh Nhật, trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến số 16, nhớ lại.
Không ai tin Dũng có thể qua khỏi cơn thập tử nhất sinh này. Bệnh nhân Vũ Quốc Dũng: "Bác sĩ là ân nhân cho tôi cuộc đời mới" - Ảnh: THU HIẾN
"Ở bệnh viện các y bác sĩ coi tôi như người thân của họ, lúc nào cũng động viên, căn dặn tôi phải suy nghĩ tích cực lên và họ sẽ ở bên chiến đấu cùng với tôi", Dũng nhớ lại.
Và bằng sức trẻ và nghị lực phi thường của bệnh nhân, cùng với nỗ lực không mệt mỏi của tất cả y bác sĩ, kỳ tích đã xảy ra. Gần 3 tháng, chức năng phổi bắt đầu hồi phục và ngày 23-1-2022, Dũng cai máy thở thành công.
Ông Vũ Đình Tâm - ba của Dũng - nói rất tâm đắc khi nghe lời phát biểu của bác sĩ trong ngày xuất viện: "Nếu tất cả các y bác sĩ đều cố gắng, Dũng cố gắng thì sẽ có cơ hội" và cơ hội đó cuối cùng đã đến.
"Đó là kỳ tích. Trong suốt gần 3 tháng con tôi nằm viện, dù lạc quan đến mấy không ai nghĩ là Dũng có thể khỏe mạnh được như ngày hôm nay", ông Tâm xúc động nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận