Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thông qua chuyến thăm, Việt Nam đã nâng quan hệ Đối tác toàn diện với UAE, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA); cùng thống nhất nâng cấp quan hệ với Saudi Arabia và Qatar lên tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực.
Dấu ấn dầu khí
Theo Bộ Ngoại giao, Thủ tướng đã có gần 60 hoạt động ở Trung Đông và hai nước đã ký kết 33 văn kiện hợp tác. "Sau chuyến thăm của Thủ tướng, nhiều lĩnh vực sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn như mở cửa thêm thị trường hàng hóa xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao từ các quỹ đầu tư, tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong đó ưu tiên các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển ngành Halal..." - ông Bùi Thanh Sơn cho biết.
Trong chuyến thăm, dầu khí là lĩnh vực đạt nhiều dấu ấn khi Việt Nam đã bắt tay được với nhiều "đại gia" dầu mỏ Trung Đông và bước đầu có những cam kết cụ thể, hứa hẹn tới đây sẽ có nhiều "đại gia" dầu mỏ, lãnh đạo cấp cao và các đoàn công tác từ Ả Rập tới Việt Nam để bàn thảo các bước đi cụ thể.
Ông Lê Ngọc Sơn - tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đơn vị trực tiếp ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Saudi Arabia (Saudi Aramco) - chia sẻ để có được những thỏa thuận với các tập đoàn lớn như Saudi Aramco là điều "không dễ dàng" và việc ký kết được trong chuyến đi này là một kết quả lớn.
Theo ông Sơn, chuyến công tác của Thủ tướng tới Trung Đông mở thêm nhiều cơ hội mới để PVN vừa phát huy thế mạnh của tập đoàn vừa khai thác hiệu quả thế mạnh của nhà đầu tư dầu mỏ Trung Đông để giúp Việt Nam có thêm nguồn vốn, công nghệ hiện thực hóa các dự án như điện khí, năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện.
Trong các cuộc gặp cấp cao và các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh về việc sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng; giảm thủ tục hành chính, trong đó đang sửa đổi Luật Điện lực để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Theo ông Sơn, các nhà đầu tư rất quan tâm, đánh giá cao và kỳ vọng về các triển vọng hợp tác. Một số lãnh đạo chủ chốt tập đoàn bày tỏ sẽ sớm sang Việt Nam để khảo sát trực tiếp và hiện thực hóa cơ hội hợp tác.
Hút dự án đầu tư tài chính sôi động
Lĩnh vực đầu tư tài chính cũng ghi dấu ấn khi Tổng thống UAE cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo dự án đầu tư trung tâm tài chính tại TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết ngay sau chuyến đi này, TP sẽ bắt tay xây dựng ngay một kế hoạch, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện. Trong đó, TP sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trung tâm tài chính giữa hai nước. Ngoài ra, TP cũng sẽ phối hợp với phía bạn trong đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động của trung tâm tài chính, gồm cả nhân lực quản trị, nhân lực chuyên môn về tài chính ngân hàng, nhân lực về công nghệ tài chính...
TP cũng sẽ phối hợp với các đối tác UAE trong góp ý xây dựng khung pháp luật có liên quan đến hoạt động của trung tâm tài chính, đảm bảo đủ điều kiện ra đời của trung tâm này với các chính sách ưu đãi vượt trội. "Việc này cũng để TP nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư lớn trên thế giới chuyển dịch dòng vốn về trung tâm, giúp TP bứt phá vươn lên trong điều kiện các trung tâm tài chính của Việt Nam được hình thành sau, phải cạnh tranh quyết liệt với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và trên thế giới" - ông Hoan nêu.
Cũng theo ông Hoan, TP cũng phối hợp với phía bạn để giới thiệu dự án đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và TP.HCM, mong muốn phía bạn lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm tham gia đầu tư trực tiếp cho dự án này.
Trong khi đó, ông Võ Tân Thành - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết sắp tới đây VCCI sẽ phối hợp tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp và các đoàn giao lưu, tìm hiểu các cơ hội cụ thể.
"Nhà đầu tư Trung Đông rất quan tâm thị trường Việt Nam như là một trong những đối tác quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa, không phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ và chuyển dịch các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo an ninh lương thực. Điều này cũng phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, giao thương của Việt Nam khi có lợi thế về xuất khẩu nông sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm Halal và thu hút đầu tư vào lĩnh vực truyền thống như dầu mỏ và lĩnh vực mới nên triển vọng hiện thực là rất lớn" - ông Thành nhận định với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận