Phóng to |
Hằng ngày có cả ngàn lượt học sinh Trường THPT Thanh Bình 2 (Thanh Bình, Đồng Tháp) qua sông Tiền trên tuyến đò ngang An Phong - Tân Bình với những chuyến đò... hãi hùng như thế này. Đò thiếu phao cứu sinh, các thiết bị an toàn - Ảnh: Đức Vịnh |
Bài 1: Đến trường qua chiếc cầu... trườn!
“Ba không”
Chuyến đò từ phía bên Tân Quới qua cũng đầy ắp người, tròng trành theo sóng. Đò cập bến, những gương mặt căng thẳng dịu lại. Ông Nguyễn Thành Đô, một người dân ở Tân Quới, bảo: “Mỗi lần qua đò đều không khỏi phập phồng. Có bề gì thì có nước... dính chùm”.
Từ Tân Quới xuống Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp), dọc đoạn sông Tiền hơn 10km này có cả chục bến đò ngang với những con đò nhỏ ém đầy khách như thế. Các bến thường nằm khuất sau lùm cây ven sông. Đường lên xuống đò có độ dốc cao, rất nguy hiểm. Đò còn chở cả xe ba gác, xe tải nhỏ chất đầy hàng hóa. “Thỉnh thoảng xe ba gác vẫn lủi xuống sông” - bà Trương Thị Thoa, một người dân ấp Tân Bình, kể.
Tại bến đò Tân Bình - An Phong sáng sớm lũ lượt khách đợi. Những chuyến đò bên An Phong qua chiếc nào cũng đầy ắp, phần lớn là học sinh Trường THPT Thanh Bình 2, người và xe đứng trên cả mũi bàn. Hằng ngày có cả ngàn lượt học sinh qua lại bến đò ngang này!
Chúng tôi lần lượt qua các bến đò ngang dọc sông Tiền ở các huyện Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp). Phần lớn đều là những bến đò “ba không”. Đường lên xuống đò độ dốc cao khúc khuỷu, không có cọc neo. Còn đò thì nhiều chiếc ván đã mục gãy, lan can xiêu vẹo, thiếu phao cứu sinh, thiếu đèn, còi báo hiệu. Nhiều lái đò là phụ nữ, trẻ em. Có những chuyến đò đêm qua quãng sông rộng với nhiều lõm nước xoáy mà đèn đóm chỉ leo lét, khách phải pha đèn xe gắn máy rọi đường cho đò. Hôm chúng tôi từ Tân Thuận Tây (Cao Lãnh) qua Bình Phước Xuân (Chợ Mới, An Giang) đò vừa tách bến, mưa dông ập tới. Sông lũ cuồn cuộn, sóng lượn cỡ lưng trâu, đò nhỏ tròng trành đến chóng mặt, bị dạt một quãng xa...
Ở An Giang, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của thanh tra giao thông, toàn tỉnh có 123 bến đò ngang, trong đó nhiều bến chưa được cấp phép mở bến. Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, còn khá nhiều bến đò tự phát, đò chẻ. Phần lớn nhiều bến đò ở An Giang thiếu biển báo, đường lên xuống đò không đảm bảo an toàn. Đò thì nhỏ, người điều khiển phần lớn là phụ nữ, trẻ em, không có chứng chỉ hành nghề.
Hôm đi đò trên sông Hậu từ Mỹ Phú (Châu Phú) qua Phú Bình (Phú Tân), người điều khiển là một thanh niên nồng nặc hơi men, con đò ẹo qua ẹo lại theo nhịp ngả nghiêng của anh ta giữa đoạn ngã ba sông nhộn nhịp ghe tàu khiến ai cũng lạnh gáy. Còn tại bến Vĩnh Xương - Thường Phước 1, cô lái đò nhỏ nằm vắt vẻo trên võng thò một chân... gạt cần lái. Những bến đò ở cách xa trung tâm huyện, ở khu vực biên giới càng tệ hại và nguy hiểm hơn: phương tiện quá nhỏ, quá cũ, cũng chẳng thèm trang bị thiết bị an toàn nào. Nhiều chiếc quá hư hỏng, thậm chí tận dụng ghe cũ cải tiến lại để làm đò đưa khách.
Nín thở... qua sông
Sáng sớm tôi từ cù lao Thới Sơn xuống bến đò Bình Đức để qua sông Tiền về Châu Thành (Tiền Giang). Vào giờ đi học, đi làm nên học sinh và công nhân của Khu công nghiệp Mỹ Tho chen nhau nêm cứng cả đò, đứng tràn ra mũi. Bến đò này cách đây mấy tháng được tỉnh chọn làm điểm ra quân an toàn giao thông. Hôm ra quân, chiếc đò rực rỡ nhờ nhiều quan khách mặc áo phao. Giờ đây áo phao được xếp gọn nhét cao trên mái.
Tôi muốn mặc áo phao nhưng không thấy ai mặc nên... ngại, hỏi cô công nhân đứng bên cạnh: “Sao có áo phao mà không thấy ai mặc?...”. Cô gái thật thà: “Áo dơ thấy mồ, ai dám mặc!”. Em học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu đứng cạnh cười cười: “Em mà mặc áo phao sẽ dơ hết áo dài. Với lại... hôi lắm!”. Khảo sát 20 bến đò ngang ở Tiền Giang và Bến Tre cuối tháng 11-2006, chúng tôi chưa thấy bất cứ hành khách nào mặc áo phao khi đi đò.
Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có hơn 200 bến đò ngang. Quá nửa số này không đủ điều kiện an toàn từ bến đò đến phương tiện hoạt động. Một số hoạt động không phép, số khác tài công, người lái không có bằng chuyên môn. Tại bến đò tự phát ở chợ Vòng Nhỏ, phường 6, TP Mỹ Tho có hai chuyến đò luân phiên đưa khách vượt sông Tiền qua lại cù lao Thới Sơn. Con sông rộng 1km này lúc nào cũng nghìn nghịt ghe xuồng như một xa lộ thủy, rất nguy hiểm. Chúng tôi bước lên chiếc đò số hiệu TG 54... Đò rời bến. Hai bên mạn đò có 15 cái áo phao được cài khóa rất kỹ vì... sợ rơi xuống sông (!) .
Những chuyến đò đêm Khi những chuyến phà cuối cùng trong ngày nối liền hai xã Thanh Sơn và Ngọc Định (Định Quán, Đồng Nai) cập bến kết thúc một ngày đưa khách thì cũng là lúc anh Ba Đen (Nguyễn Văn Đen) tranh thủ lua vội chén cơm, chuẩn bị xuống bến đò 107 như thường lệ. Vừa chuẩn bị cho chuyến đò anh Ba vừa tâm sự: “Đêm hôm khuya khoắt họa may 1 giờ mới có được một người khách, nhưng mình cũng phải chạy vì người ta có công chuyện gấp mới vượt đò sang sông, làm sao từ chối được”. Một chuyến được xem là “đông khách” của anh Ba cũng không quá 10 người. Bình thường chỉ ba - bốn khách một đêm. Ở bến đò hẻo lánh này không chỉ có anh Ba Đen mà còn nhiều người khác cũng mang vào mình cái kiếp đò đêm như Út Vinh, Công, Hương..., họ đã trở nên thân thuộc đối với người dân sống ở hai bến sông. Anh Ba Đen khoe: “Từ chị bán rau, bán cá... đều là khách ruột của tôi cả đấy. Chợ sớm đâu thể chờ phà, nên họ luôn đi đò đêm cho kịp mớ rau tươi, con cá sống”. Chú Út Vinh (Nguyễn Văn Vinh), người có thâm niên 20 năm đưa đò đêm, không bao giờ quên một kỷ niệm. Đêm đó trời mưa to gió lạnh, những người lái đò đêm đều trở về nhà hết, chỉ còn chú Út Vinh đang lim dim ngủ bên bến sông bỗng nghe tiếng gọi đò dồn dập từ bên kia. Biết có chuyện khẩn cấp, chú tung võng chạy ngay xuống đò đánh đò sang bên kia sông. Đó là một phụ nữ đang trở dạ. Chú trùm người mẹ trong bao nilông, cật lực chèo đò sang sông và đưa ngay vào trạm xá. Mẹ tròn con vuông, gia đình sản phụ mừng lắm, xem chú như ân nhân. Chú Út Vinh cho biết: “Không ai bắt buộc nhưng cánh chạy đò đêm chúng tôi qui ước mỗi đêm người trực phải trực đủ 12 tiếng kể từ khi chuyến phà cuối cùng cập bến cho đến lúc chuyến đầu tiên xuất phát. Nhưng ai cũng tranh thủ đến bến sớm hơn giờ trực thường lệ để bà con không phải chờ đò khi cần kíp”. Tại bến đò 107 có khoảng 15 chiếc đò đăng ký chạy đêm. Chia đều mỗi người chạy hai đêm/tháng. Thu nhập một đêm nhiều nhất cũng chỉ trên dưới 100.000đ. Những đêm mưa gió chỉ được vài chục ngàn, “có đêm vác võng xuống ngủ cho đỡ nhớ bến chứ chẳng có ai sang sông” - chú Út Vinh tâm sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận