Chị Võ Thanh Hoàng (trái) và Nguyễn Thị Minh Châu là hai trong số nhiều cô gái đam mê lĩnh vực công nghệ - Ảnh: BÌNH MINH
"Năm lớp 10, tôi phát hiện mình rất thích cảm giác giải được một vấn đề của bài lập trình Pascal ở trường. Khi nhà có máy tính, tôi tìm cách cài thử hệ điều hành, cài phần mềm.
Máy tính hư, tôi tự lên mạng tìm xem máy kêu bao nhiêu tiếng tương ứng với lỗi gì. Máy hư ram, tôi mua ram về tự thay. Ba mẹ tôi không ai theo ngành công nghệ thông tin cả".
Nguyễn Thị Minh Châu (27 tuổi) - hiện là lập trình viên cho các ứng dụng Android tại một công ty công nghệ Thụy Điển - khởi đầu câu chuyện.
Để chuyển đổi từ ngành khác sang lĩnh vực công nghệ bạn cần biết muốn học gì và cần gì, bạn có thực sự thích hay không. Khả năng tự học là rất cần thiết, học một mình lẫn học hỏi từ đồng nghiệp và thời gian đầu phải nỗ lực hơn người khác rất nhiều.
NGUYỄN PHƯƠNG HÂN (31 tuổi, quản lý sản phẩm công nghệ)
Nhiều thế mạnh khó tìm thấy ở nam giới
"Nhiều người thường cho rằng nam giới và nữ giới thường mạnh ở những ngành nghề nhất định, nhưng tôi nghĩ cá tính và đam mê mới là điều quyết định bạn sẽ theo đuổi lĩnh vực nào" - Minh Châu chia sẻ.
Trải qua bốn năm đại học với một lớp học sĩ số 90 người nhưng chỉ có bốn nữ, Châu nói khi ra trường, tất cả những cô gái này đều tiếp tục theo đuổi lĩnh vực công nghệ, không ai chuyển sang làm trái ngành dù ngay từ đầu đã thuộc nhóm "thiểu số" so với các bạn nam.
Chị Võ Thanh Hoàng (36 tuổi), công tác trong lĩnh vực phát triển phần mềm, cũng có trải nghiệm tương tự khi thời đại học chỉ học cùng khoảng mười cô gái trong hơn 200 sinh viên của ba lớp.
"Tôi nghĩ đa số cô gái không thích mày mò về máy móc, hiếm khi thấy ai ở nhà cặm cụi sửa máy hay mở CPU ra. Có anh đồng nghiệp còn nói với tôi nhất định sẽ không cưới cô nào biết sửa máy tính vì cho rằng nữ giới làm công nghệ sẽ khô khan, nhàm chán" - Châu cười.
Với cả Minh Châu và Thanh Hoàng, cảm giác được tìm hiểu về cách vận hành của các ứng dụng, trò chơi trên máy tính, hoặc tìm hiểu các kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo lại là niềm đam mê không gì thay thế được.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhiều cô gái trong lĩnh vực này phải đối mặt là cân bằng giữa công việc và trách nhiệm sau khi lập gia đình.
"Còn độc thân mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, nhưng với những chị có gia đình và con nhỏ thì rất bận rộn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi lập trình viên phải cập nhật kiến thức thường xuyên vì công nghệ phát triển rất nhanh. Quá trình này phải diễn ra liên tục vì khối lượng thông tin rất nhiều" - Minh Châu nói.
Theo Châu và Hoàng, những cô gái làm ở lĩnh vực công nghệ có nhiều thế mạnh sẽ khó tìm thấy ở các chàng trai, ví dụ như sự chu đáo, chi tiết, kỹ lưỡng và cẩn thận trong công việc.
"Trước đây, tôi là cô gái duy nhất ứng tuyển cho công ty cũ. Nhiều người không thích tuyển nữ vì sợ nữ bị vướng bận gia đình.
Tuy nhiên, sau khi tôi vào làm, trở thành nữ lập trình viên đầu tiên trong công ty, mọi người bắt đầu gắn kết hơn qua những cuộc đi chơi, điều mà các chàng trai ít khi bỏ công sức kêu gọi, tổ chức chu đáo. Công ty sau đó đã chủ động tuyển thêm nữ và hạ bớt yêu cầu về kỹ năng công nghệ xuống" - Châu kể.
Chị Lê Xuân Trúc (bìa trái) trong buổi ra mắt cộng đồng Women Meet Tech tại Trung tâm Hoa Kỳ - Ảnh: BÌNH MINH
Cộng đồng công nghệ dành cho nữ giới
Với mong muốn đưa công nghệ đến gần hơn với nữ giới, đồng thời tạo môi trường thân thiện, thoải mái để nữ giới làm trong lĩnh vực này có thể hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, cô gái trẻ Lê Xuân Trúc vừa sáng lập nên cộng đồng có tên gọi Women Meet Tech.
Trước đó, Xuân Trúc cũng là người sáng lập cộng đồng Cat Can Code với câu khẩu hiệu "If a cat can code, you can too" (tạm dịch: Nếu một con mèo có thể lập trình được thì bạn cũng làm được) với các lớp học miễn phí về lập trình, hoặc hướng dẫn làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, các lớp học của Cat Can Code đã thu hút hơn 1.000 người tham dự, chủ yếu là các cô gái.
"Các bạn nữ khi trông thấy một cô gái đứng lớp để dạy về lập trình cũng cảm thấy tự tin hơn để tham gia lớp học. Nhiều bạn muốn tìm hiểu về lập trình nhưng không biết bắt đầu từ đâu, và Women Meet Tech ra đời để giúp họ rút ngắn khoảng cách đó" - Xuân Trúc giải thích.
Với Trúc, cả hai cộng đồng cô lập ra đều xuất phát từ việc cô cảm thấy "cô độc" khi nhiều lần bất đắc dĩ làm cô gái duy nhất có mặt trong các lớp học về lập trình.
"Những lần đầu tiên khi đứng lớp, tôi dạy một lớp học chỉ toàn nam giới. Áp lực lúc đó lớn lắm, lớn đến mức tôi muốn khóc vì mình không chỉ phải cập nhật về công nghệ và kỹ năng, mà còn là đại diện cho phái nữ.
Tôi muốn có nhiều cô gái hơn nữa để chia sẻ câu chuyện trong lĩnh vực công nghệ, để mọi người thấy rằng nữ giới làm ở lĩnh vực này là điều hết sức bình thường và họ có quyền tự tin về điều đó" - Trúc khẳng định.
Bạn Phước Thịnh, sinh viên năm 4 Trường đại học Khoa học tự nhiên, một trong số gần 50 cô gái tham dự buổi ra mắt cộng đồng Women Meet Tech tại Trung tâm Hoa Kỳ (quận 1, TP.HCM) vừa qua, cho biết bản thân cô cũng là cô gái duy nhất trong một công ty khởi nghiệp về công nghệ.
"Ở trường, tôi muốn tìm một bạn nữ có chung niềm đam mê để cùng học, cùng tìm hiểu kiến thức cũng rất khó. Chúng tôi rất cần những cộng đồng dành cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ" - cô chia sẻ.
Sắp tới, Women Meet Tech sẽ tổ chức sự kiện đầu tiên về những kỹ năng chuyển đổi từ các ngành nghề khác qua lĩnh vực công nghệ. Việc này, theo Xuân Trúc, là khó nhưng vẫn khả thi.
Lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới là phụ nữ
Nhà toán học Ada Lovelace được gọi là nữ lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới. Bà đã viết thuật toán đầu tiên dành cho một loại máy có khả năng tính toán, và chương trình này nằm trong bài báo khoa học xuất bản vào những năm 1840.
Ada Lovelace còn là một nhà văn đầy tài năng, nhưng hầu hết các đóng góp của bà nằm trong lĩnh vực máy tính.
Mỗi năm, vào ngày 13-10 còn có ngày quốc tế Ada Lovelace (Ada Lovelace Day - ALD) để công nhận những thành quả của phụ nữ trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và khuyến khích nhiều nữ giới hơn tham gia lĩnh vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận