Xen kẽ những chuyến đạp xe là những buổi dạo chơi bằng xe buýt đến Long An, bãi biển Cần Giờ... Mỗi người sở hữu cá tính và sức khỏe khác nhau. Sự có mặt của họ ở từng buổi khiến không khí của đoàn ngày hôm đó có màu sắc khác biệt.
Triết lý của họ là: Lan tỏa năng lượng tích cực là sống tử tế với mình và với người...
Cơ hội khám phá Sài Gòn
Một buổi sáng chủ nhật giữa tháng 6 ở trạm xe đạp ngay công viên Tao Đàn (TP.HCM), người qua đường dễ nhìn thấy một tốp người tụ tập xung quanh trò chuyện.
Một số người đạp xe đạp cá nhân đến dừng chân, còn một nhóm lại gửi xe máy để đi xe đạp công cộng. Ban đầu, tốp chỉ có 1-2 người, sau đó bắt đầu đông dần.
Khi đồng hồ điểm lúc 8h15, mọi người xếp lại thành một vòng tròn, tự giới thiệu bản thân, nghe hướng dẫn về lộ trình và bắt đầu lăn bánh theo sự chỉ dẫn của người trưởng đoàn.
Chặng đường dài 27km, đi qua những địa điểm lịch sử - văn hóa nổi tiếng của thành phố như nhà thờ Đức Bà, hội quán Quảng Triệu.
Người tham gia sẽ đạp liên tục đi qua từng cây cầu lớn nhỏ khác nhau, những khu giống thôn quê để đến quận 8 thưởng thức Hội chợ trái cây "Trên bến dưới thuyền".
Chúng tôi gắn bó với đoàn hơn 30 chuyến đi, vì nhờ đoàn mà tôi có cơ hội khám phá hết mảnh đất Sài Gòn, thậm chí ra tận Đồng Nai, Bình Dương chỉ bằng chiếc xe đạp Martin 107.
Điều khiến tôi yêu những chuyến đi này không chỉ là thử thách thể lực và trải nghiệm mới mẻ, mà còn một thứ: sự đa dạng của nhiều con người từ nhỏ nhất (12 tuổi) đến lớn nhất (hơn 70 tuổi). Mỗi buổi đều có ít nhất một cô, bác lớn tuổi "nhập hội".
Những con người dễ thương này, họ đều đã qua tuổi 50 - đáng tuổi ba mẹ tôi. Trước đây, nhiều người lớn tuổi tôi từng gặp thường ngại ngần trước những hoạt động thể lực như thế này, từ lý do về sức khỏe như vấn đề về khớp, bệnh tim mạch hay cảm thấy bản thân không còn sôi nổi để ham vui với người trẻ.
Còn với những thành viên lớn tuổi trong đoàn, tôi cảm nhận tinh thần cởi mở để học hỏi và sự "chịu chơi" đến cùng mà người trẻ chúng tôi còn phải học nhiều.
Sự có mặt của họ ở từng buổi khiến không khí của đoàn ngày hôm đó có màu sắc khác biệt. Có người tính tình sôi nổi, mỗi lần tham gia chuyến đi nào là buổi ấy nhộn nhịp hẳn lên. Như cô Nguyễn Thị Phượng (57 tuổi), thành viên lớn tuổi có mặt cùng đoàn trong những chuyến đi đầu tiên.
Khi các "cao niên" khuấy động không khí
Dù sức khỏe chỉ cho phép cô Phượng đạp ở những tour ngắn thông thường (cung đường từ 30km trở lại) và tour xe buýt, nhưng mỗi lần cô có mặt là không khí đoàn xe đạp chộn rộn hẳn lên.
Từ những cái cụng tay nho nhỏ tạm biệt đoàn về sớm cho đến những tấm ảnh tạo dáng thả tim kèm lời cảm ơn đến mọi người trong nhóm chat của các thành viên đều cho thấy tình cảm ấm áp của người dân Sài Gòn.
Chúng tôi còn ấn tượng trước những câu chuyện cô kể về thời còn trẻ, về một ký ức mưu sinh của người xưa, những câu chuyện về thời kỳ giãn cách trong COVID-19, những phong tục Tết cô vẫn chăm chút đến tận bây giờ. Những người trẻ trong đoàn cảm thấy vui vẻ và bất ngờ trước những câu chuyện và sự quan tâm nho nhỏ cô Phượng dành cho mọi người.
Cô Phượng từng chia sẻ rằng bản thân từ nhỏ đã sống ở Sài Gòn, nhưng đến khi đồng hành cùng nhóm đạp xe của Câu lạc bộ tiếng Pháp, cô mới đến được nhiều địa điểm và con đường mà mình chưa biết.
Hồi còn trẻ, cô đã mong muốn mình có thể khám phá, trải nghiệm Sài Gòn. Cô còn kể thêm về mốc thời gian cách đây 40 năm, khi phải chạy 25 cây số mỗi ngày để đi làm kiếm tiền. Hiện tại ở tuổi 57, cô đạp xe với tâm thế thong dong tự tại nên cảm thấy rất vui.
Tuy nhiên, chuyến đi của cô Phượng sẽ còn vui hơn khi có thêm những người bạn già khác cùng ôn lại ký ức xưa. Họ trầm tính hơn, nhưng mỗi lần cô gặp họ như kiểu "trúng được tần số". Đó là chú Hoàng Minh (60 tuổi) với giọng Huế trầm và biệt tài làm cào cào siêu nhanh từ lá cây.
Còn khỏe còn sức, cứ đạp cứ vui
Dù là cự ly thông thường (30km đổ lại) hay những chuyến đạp dài hơi giữa tiết trời nắng gắt (từ 50km trở lên), hầu như không tuần nào người trẻ chúng tôi thấy thiếu sự hiện diện của bà Nhẫn.
Ít nói và không quá hào hứng tham gia vào những buổi ăn uống, trò nô đùa của người trẻ nhưng bà để lại dấu ấn trong đoàn bằng năng lượng của sự điềm tĩnh và bền bỉ đến chặng hành trình cuối cùng.
Những bức ảnh của bà Nhẫn toát lên nét riêng của sự trầm ngâm, chậm rãi tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Và để có những giây phút ấy, bà đã không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để chinh phục được những địa điểm thử thách.
Có hai kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi về bà. Đó là lần đi đạp xe vào tháng 4 viếng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một chặng đường dài 40km rã rời, nhiều dốc và nắng mệt muốn lả người.
Lúc chúng tôi ở hồ Đá - làng Đại học Quốc gia TP.HCM, đường đẩy xe lên dốc rất gập ghềnh và dễ té, vậy mà bà dắt xe của mình lên ngon ơ.
Một lần ở rừng thông giáo xứ Bắc Hòa (Đồng Nai), khi nhóm trẻ chúng tôi còn vật lộn để leo lên đỉnh của một khu công viên bỏ hoang thì đã nghe tiếng bà ở đằng sau "Mình không leo lên được thì từ từ bò lên".
Chúng tôi học cách nhìn nhận thể thao và tuổi già với một lăng kính khác. Thể thao nhiều lúc chỉ là sự cam kết, duy trì với một mục tiêu nhất định. Duy trì niềm vui thể thao chỉ là học cách lượng sức mình.
Cuộc sống còn rất nhiều chuyến đi thú vị, không chỉ đơn thuần là gồng sức để tập luyện. Và để làm vậy, cần một sự kiên nhẫn nhất định và niềm tin yêu cuộc sống.
Và quan trọng nhất ở mỗi chuyến đi là học cách mở lòng trước những tính cách khác biệt, mở mang đầu óc để khám phá thế giới rộng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận